![]() |
Thầy Huyền - "ông giáo già dưới chân núi Tản" và những học trò của mình |
Xã Đồng Thái có số dân 13.000 người, hầu hết làm nông nghiệp, thu nhập trung bình 1,8 triệu đồng/năm. Đây là xã khó khăn của huyện Ba Vì với 23,8% hộ nghèo, ông Huyền cũng nằm trong số đó. Kể từ năm 1999, Đồng Thái đã không còn trẻ thất học, và những gì mà ông giáo làng 85 tuổi đóng góp thì tất cả mọi người đều biết.
Năm 10 tuổi, ông mồ côi mẹ. Bà nội ông rất nghèo nhưng cũng cố gắng lo cho ông đi học trường Tây. Khi lớn lên, ông sợ cưới vợ nên trốn làng ra đi; đến nơi nào cũng hỏi nhà lý trưởng để xin dạy học kiếm miếng ăn.
![]() |
Học sinh trong lớp học của ông Huyền |
Lớp học mở ngay trong nhà. Ông đóng chiếc bảng lên tường, làm bàn bằng gỗ bìa bắp tận dụng, làm ghế học sinh bằng những chiếc đòn kê. Học trò mù chữ được ông dạy chữ và toán vỡ lòng. Học khoảng ba năm, đọc thông viết thạo, ông cho “tốt nghiệp” ra trường.
Năm nay ông mở hai lớp, lớp 2 và lớp 5. Với cách dạy của ông, chương trình lớp 5 không có gì là khó hiểu với những đứa học trò nông dân chân đất. Chứng kiến đám trẻ vào lớp, chăm chú học bài, không đứa nào tỏ vẻ miễn cưỡng, chúng tôi tin điều ông nói. Ông cập nhật tất cả những đổi thay trong chương trình tiểu học.
Cần có điều kiện gì để được đến lớp học? Bố mẹ dẫn trẻ đến, nói với ông cụ một lời, thế là được xếp chỗ ngồi. Khả năng văn chương cộng với máu hoạt động xã hội thôi thúc ông viết báo để lấy nhuận bút biến thành bàn ghế, sách bút, nhưng vài năm nay tay run, chân yếu, ông không đi viết xa được. Ngoài khoản lương hưu hơn 400.000 đồng, không còn thu nhập nào khác, nhưng ông vẫn lo đủ phấn mực cho mỗi ngày lên lớp.
Trẻ con ngày nay đi học đều viết bút máy. Riêng ông vẫn tập cho học trò viết ngòi lá tre chấm mực để luyện được chữ!
30 năm qua cả ngàn học trò của bốn thôn trong xã đã qua lớp học kỳ lạ này. Giáo viên cấp I, cấp II cũng giao con cho ông. Ông Tính, hiệu phó trường cấp II, giao ba em; thầy giáo Hồ trường cấp I giao một đứa; ông Hiền ở thôn Đồng Bảng kề bên, trước gửi con học, nay lại gửi cháu đến học. Những đứa học trò mù chữ của ông ngày xưa nay lại gửi con cái đến cho ông.
Tất cả không đóng một đồng học phí. Bố mẹ nào hảo tâm thì mang đến cân đường, gói bánh. Tại sao lại như thế? Ông Huyền kể rằng trong những năm kháng chiến ở Việt Bắc, ông được Bác Tôn dạy cho cách trở thành người có ích. Người có ích thì không bao giờ nghĩ đến cái lợi cho mình. Mưu lợi cá nhân mà quên mọi người thì sớm muộn cũng mất đức!
Ngôi nhà tre khiêm tốn của ông dán đầy những vần thơ trào lộng. Ở chỗ cao nhất của bàn thờ là bốn chữ Nho ông tự viết: “Cần, kiệm, liêm, chính”. Bên dưới là những khẩu hiệu thật ngang tàng: “Đừng chết trước khi chết, chớ nghèo lúc đang nghèo”. Không con cái, vợ chồng ông ngày ngày vui thú với lũ trẻ con, như người chèo đò không công dưới chân núi Tản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận