Phóng to |
Các em ở lớp học tình thương vui Noel |
Mùa vẫn ấm trên đồi gió hú
Địa điểm mà chúng tôi phát quà Giáng sinh hôm đó là một lớp học tình thương lộng gió với mái tranh nghèo, giữa một đồi cỏ lau hoang dại sau bến xe buýt số 8 của phường Linh Trung, Q.Thủ Đức.
Vì là một lớp học tình thương nhỏ nên chỉ có hơn mươi em bé. Hầu hết các em đều là con nhà nghèo, có em mồ côi, có em sống với bà, rau cháo nuôi nhau, em thì ba mẹ bỏ đi làm mướn xa kiếm tiền nuôi con... Điều chung nhất mà tôi nhận thấy ở tất cả các em là sự nghèo khổ in lên từng đôi chân, làn da sạm nâu và mái đầu khét mùi nắng. Nhưng sự nghèo khổ về vật chất ấy không thể nào che khuất được sự hồn nhiên trong tâm hồn thơ dại của các em. Sự vô tư, thơ ngây ánh lên trong từng câu nói, cử chỉ. Và những ánh mắt biếc xanh sáng lên khi nhận những món quà đơn sơ nhất: một thỏi kẹo, những quả bong bóng, chiếc mũ Noel...
Chúng tôi tổ chức cho các em chơi vẽ tranh "ước mơ của em". Tâm - thằng bé có nụ cười hiền như đất - thoáng chút e ngại khi chúng tôi đưa cho em cây bút màu: "Em không biết vẽ”. Nhưng bất ngờ hơn cả là câu nói của bé Hải "vé số" khi đưa hai tay nhận lấy cây viết màu từ tôi: "Cái này vẽ được hả chị?". Ánh sao như tắt dần trong mắt chúng tôi, thương cho các em sống thiếu thốn quá. Sự nghèo nàn về vật chất đã kìm hãm em lại trong cảnh "thiếu chữ". Ở đây, hơn chục em nhỏ đến tuổi đến trường vậy mà chỉ 2-3 em đi học. Thế là những món quà Noel gồm những quyển tập và sách truyện của chúng tôi chưa có hết đất để dụng võ, đành phải nằm ngoan trong giỏ để đem đến những lớp học tình thương khác.
Vẽ tranh "ước mơ của em", có em biết vẽ, có đứa phải nhờ đến sự trợ giúp của các anh chị sinh viên, nhưng các em đều rất hứng khởi và hăng hái tham gia. Tôi đã thấy bức họa về ngôi nhà mơ ước của Tâm - một ngôi nhà giản dị với mái ngói đỏ kiên cố. Nơi ấy có một vườn hoa ngát hương, có cảnh cả nhà đang quây quần bên nhau và một mùa xuân tỏa nắng ấm áp. Tâm cười và trả lời rất thật khi tôi hỏi em sao không vẽ nhà hai tầng: "Nhà em nghèo lắm. Em chỉ mong sao có một ngôi nhà ngói để mùa mưa đến nước không dột nữa, và ba mẹ không loay hoay suốt đêm vì lo tốc mái khi gió về".
Các em vui đùa và ca hát cùng chúng tôi, nhưng đâu đó vẫn còn những sự e ngại, sợ giao tiếp, vì ít khi các em có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người như thế. Những bé nhỏ cứ thu mình vào một góc nơi mái tranh nghèo chờ bàn tay của các anh chị sinh viên dẫn ra. Dường như các em sợ sự cô độc nên chỉ cần một bàn tay chìa đến là các em mở lòng đón nhận ngay.
Buổi phát quà Noel tại lớp học tình thương nghèo hôm ấy ngoài trời mưa thật lạnh nhưng trong lòng ngọn lửa của tình nhân ái vẫn nhen lên trong mỗi chúng tôi. Các em tuy nghèo đói và "thiếu chữ", nhưng các em đầy ắp tình thương dành cho nhau: em lớn hơn bồng em nhỏ cho kẹo, bé lớn nhường phần quà cho bé nhỏ hơn... Và những tiếng cười, những ánh mắt biết ơn ánh lên trong từng cái vòng tay, tiếng dạ thân thương.
Làng trẻ SOS ấm áp vòng tay Noel
Theo chân lớp K07 tài chính ngân hàng - khoa kinh tế, tôi đến với làng trẻ em SOS. Giáng sinh ở đây được trang hoàng khá chu đáo, những cây thông Noel rực rỡ đèn hoa với đủ các món quà treo lủng lẳng và những ông già tuyết bằng xốp ngộ nghĩnh.
Hơn 150 em nhỏ từ các gian nhà ùa ra chào đón chúng tôi. Hầu hết các em ở đây sống khá đầy đủ về vật chất, em nào cũng dễ thương, hiếu động. Giáng sinh như càng ấm áp hơn bởi nụ cười đầy nắng và ánh mắt lay láy đen của các em. Đa số các bé đều được giáo dục căn bản và chu đáo. Bé Thảo (4 tuổi) say sưa hát cho chúng tôi nghe bài Merry Christmas bằng tiếng Anh, giọng em lảnh lót vang vang. Còn nhóc Tấn (6 tuổi) đọc rành rọt từng chữ ghi trên tấm thiệp tôi tặng. Tiếp xúc các em và được chứng kiến những bé thơ ở đây "trổ tài" giải đáp câu hỏi, hát thi, đá cầu... tôi vô cùng ngạc nhiên.
Nếu như không xét đến điểm khởi đầu của các em là những bé thơ mồ côi, bị bỏ rơi, hay mang những dị tật trong người..., hẳn sẽ không ai biết các em là những đứa con của làng trẻ SOS đầy tình thương. Bé Tuấn còn nhỏ nhưng chơi cầu rất giỏi, em ước lớn lên mình sẽ trở thành một vận động viên thể thao. Còn Dũng, em khoe với tôi là đang học võ để sau này trở thành một người công an giỏi. Những ước mơ về một tương lai đẹp với nghề nghiệp ổn định, giúp ích cho xã hội của các em đều có thể thành hiện thực nếu như có sự cố gắng từ bản thân các em, sự tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức xã hội và nhất là sự quan tâm của Nhà nước.
Nhìn những em nhỏ trong làng trẻ SOS vui say ca hát, nhận quà Noel, và những bé thơ mời tôi thăm nhà của các em với cây thông rực rỡ ánh đèn lấp lánh trên nền gạch men, nghe các bé say sưa kể về chuyến đi chơi Noel năm ngoái ở Vũng Tàu, tôi chạnh lòng khi nghĩ đến các em nhỏ nơi lớp học tình thương ở Thủ Đức. Giá như các em cũng được một tổ chức nào đó quan tâm và tài trợ, chắc chắn những bức tranh mơ ước giản dị và nhỏ nhoi kia cũng sẽ thành hiện thực.
Áo Trắng số 37 (ra ngày 1-12- 2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận