Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Thanh |
Tuy hắn kêu tôi là dì nhưng cả hai bằng tuổi nhau. Mạ tôi sinh tôi vì vỡ kế hoạch, còn chị Hai sinh nó là con đầu lòng. Tôi bú mớm chị Hai, hai dì cháu ôm hai bầu vú của mạ hắn đẻ lớn lên. Nên với tôi, chị Hai vừa là chị vừa là mạ. Nhưng có một điều lạ, dù chúng tôi bằng tuổi nhau nhưng chị Hai và mạ tôi khi mô cũng muốn tôi bảo vệ Ly. Không phải tôi ra đời trước Ly mấy tháng, cũng không phải tôi có trách nhiệm với chức vụ “dì” của mình. Ly đáng được quan tâm, Ly đáng được thương yêu. Ly ra đời với một bàn chân bị tật.
Tôi và Ly đến trường cũng một lần. Những ngày đầu, hai vợ chồng chị Hai thay nhau cõng Ly đến trường, tôi có nhiệm vụ mang cặp cho hắn. Nhưng vì công việc, anh chị không thể tiếp tục cõng hắn đến trường. Hắn khóc:
- Út ơi, Ly không đi học nữa.
- Răng không đi? Mạ mi không cõng, để Út.
Tôi cõng hắn trên vai đến trường trong những ngày lạnh giá rét buốt, trong cái nắng chói chang của miền cát bỏng rát. Hắn coi tôi như vị thần hộ mạng. Đụng cái chi cũng “Út ơi, dì ơi”. Bon bạn hiển nhiên xem chúng tôi như hình với bóng, nếu có Ly thì phải có Linh, và nếu có Linh thì không thể thiếu Ly. Có một điều mà ai cũng phải thừa nhận, con Ly học giỏi lắm. Năm mô hắn cũng được học sinh giỏi, còn tôi cố lắm cũng chỉ được học sinh tiên tiến. Nhưng hắn sống khép kín, hắn chỉ biết bài vở, ngoài ra không quan tâm tới ai cả. Tôi bảo hắn “mi sống rứa là không được, có ai nói chi về cái chân của mi mô, phải sống hòa nhập chớ”. Những lúc tôi nói hắn, hắn không nói lại nhưng tôi biết hắn khóc. Không ai ghét hắn cả, không phải lũ bạn sợ nắm đấm của tôi mà mọi người nhìn nhận Ly rất dễ thương, nụ cười của hắn rất xinh. Hắn dịu hiền, học giỏi - đối lập với tôi - không ai soi mói chi cái chân bị tật của hắn nhưng hắn mặc cảm, hắn rụt rè không muốn giao lưu với ai.
Mọi chuyện đều tốt đẹp cho đến ngày chúng tôi lên huyện học phổ thông. May mắn là tôi và hắn học chung một trường. Nhưng hắn học lớp chọn, còn tôi là “dân thường”. Mạ tôi mừng lắm, bảo tôi phải săn sóc hắn cẩn thận, đừng để cho hắn buồn tủi rồi bỏ về. Mạ và chị Hai tui hay chưa, tui cũng cần được quan tâm rứa. 16 tuổi, xa nhà đến một nơi không quen biết, trường mới, nhìn ai cũng thấy xa lạ. Tôi chỉ chực muốn trào nước mắt, rứa mà Ly không khóc. Lần đầu tiên tôi thấy hắn tự tin đứng trước đám đông đọc phát biểu thay cho những học sinh mới.
2. Phòng trọ nhìn thẳng ra sông Hương. Mùa lũ đầu tiên, tôi vật lộn với Ly, chỉ cầu mong răng cõng hắn thoát ra dòng lũ đang cuộn trào. Những ngày ấy tôi giận Ly, vì hắn thích mộng mơ, thích ngắm những con thuyền xuôi ngược, và chiều chiều nhìn sang Cồn Hến để thả tâm hồn lơ lửng. Vì những cái thứ không đâu mà chút xíu nữa là bỏ mạng cho hà bá. Tôi không nói chuyện với hắn, tự ý đi tìm phòng trọ khác.
Tôi không thể giận hắn được lâu. Hắn bắt đầu chạy đua với bài vở ở trường. Vì hắn nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi nên bận rộn hơn tôi nhiều. Những buổi chở hắn đi học, học thêm, học bồi dưỡng làm tôi mệt phờ râu. Tôi bảo hắn tập xe đạp mà đi chứ sức tôi cũng có hạn thôi. Sau mấy lần phẫu thuật thì hắn đã đi được nên việc tập đi xe cũng là điều hiển nhiên.
- Út tập xe cho Ly hỉ?
- Không, để Ly tự tập.
Cái sự ương bướng của hắn mang về thêm một cái chân bị thương, trên trán có một vòng tròn màu trắng. Mụ chủ nhà thấy hắn la lên: “Bớ Linh, mi làm chi mà con Ly ra nông nỗi ni rứa”. Mạ tôi lên thăm, nhìn hắn rồi khóc lóc: “Răng mà ra chi lạ rứa bây, thôi, bữa ni con Ly đi xe ôm không làm phiền dì Út”. Tôi và hắn có một khoảng trống vô hình đứng giữa, không còn những buổi nói chuyện tíu ta tíu tit. Hắn về nhà ăn cơm qua loa rồi học bài, à không, chúi mũi vô mấy bài tập toán khô khan.
Cái sự giận hờn ấy nó tai hại, và cũng là điều tôi ân hận nhất trong cuộc đời mình. Tôi đã bỏ rơi Ly, tôi đã hại Ly. Năm ấy Ly bỏ lỡ kỳ thi học sinh giỏi toán thành phố. Hắn đã nhường tôi một vé nhưng tôi chẳng làm nên cơm cháo chi. Hắn trốn tiết, bỏ nhà trọ đi đâu không ai biết. Có đứa bảo hắn ở nhà Anh Hòa - gia sư của hắn - nhưng cũng có đứa bảo hắn lên chùa ở. Thành phố Huế không đủ rộng lớn để tôi mất nhiều công sức đi tìm. Vả lại những chỗ hắn thường lui tới cũng có giới hạn nên tôi dễ dàng đạp xe đi tìm hắn. Nhưng vô vọng, không thấy hắn mô cả. Rứa rồi một hôm, hắn nhắn tôi lên chùa, hắn muốn đi tu. Tôi lịm đi không biết phải nên nói răng với hắn. Chị Hai tôi bưng mặt khóc, một phần cũng là lỗi của anh chị khi hai người lôi nhau ra tòa.
Không ai cho hắn xuống tóc nhưng cũng không ngăn hắn rời chùa.”Ly muốn yên tĩnh”. Hắn ăn cơm chùa quét lá đa nhưng không quên nhiệm vụ phải học. Khi tôi nhận giấy báo nhập học đại học thì hắn vẫn còn gióng những hồi chuông trước chùa. Hắn đã ôm tôi “Ly không giận Út, Ly thương Út mà”. Nhhững giọt nước mắt của tôi nhòa trong mưa. Bàn chân Ly dẫu đi được nhưng còn “chấm, phẩy”, hai dì cháu quyết đi bộ từ dốc Nam Dao về ga.
- Út có lỗi với Ly, dì xin lỗi Ly.
- Không, Út không có lỗi chi cả. Tại Ly, Ly đã không có trách nhiệm với bản thân mình. Ly làm khổ mạ, Ly làm khổ dì.
- Không, Ly đừng nói rứa. Tại Út ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình. Ba mạ Ly cũng rứa.
Những ngày tháng tôi đi xa cố đô, Ly lại là người động viên. Những lời chia sẻ của hắn giúp cho tôi vượt qua những ngày cô đơn trên đất người.
3. Trăng 15 chêng chếnh qua mấy hàng cau. Mạ ngủ không được ra trước mái hiên nhai trầu. Tôi lò mò lấy chiếc ghế con ra ngồi cùng.
- Trăng sáng quá mạ hỉ?
- Cha bây, trăng ngày rằm răng không sáng được. Con gái cũng có thì thôi con.
- Mạ tề, con còn nhỏ mờ.
- Nhỏ lắm, mới có 25 chớ mấy.
Mạ đưa bàn tay nhăn nheo ôm tôi. Cái mùi thum thủm của cau trầu phảng phất vào mái tóc, vào mặt, vào mũi. Cái mùi ở gần thì ghét cay ghét đắng mà đi xa thì nhớ lắm. Nhớ bàn tay mạ vân vê lá trầu, tôi được mạ giao nhiệm vụ bổ cau và Ly quỵt vôi. Bất chợt tôi cười, giá mà trở về thủa lên ba.
- Út nè?
- Răng mạ?
- Răng ngày ni con Ly hắn đi đám cưới mô về mà say dữ rứa?
- Dạ, bạn con. Vui thôi mà mạ.
Tôi biết mạ tôi không tin lời tôi nói, vốn dĩ tôi không biết nói láo. Hòa đi lấy vợ, Ly như cây chuối bị người ta chém một nhát rớt xuống đất. Ngày xưa tôi cũng yêu Hòa - anh chàng sinh viên sư phạm có nụ cười răng khểnh - và Ly cũng mến mộ anh. Trong câu chuyện của hai dì cháu luôn có bóng dáng của anh. Khi tôi cảm nhận được trong từng câu nói của Ly, Hòa đóng một vị trí rất quan trọng thì tôi lại rút lui một cách lặng lẽ.
Đã có lần Ly kể cho tôi nghe về mối tình giữa anh và hắn. Tôi vừa mừng vừa lo cho đứa cháu vốn đa cảm của mình, cái ý nghĩ một ngày Hoà bỏ Ly đi làm tôi rùng mình vậy mà trở thành sự thật.
Ngày Ly nhận bằng tốt nghiệp đại học cũng là ngày Hoà lấy vợ. Tôi chạy xe hơn 100km về nhà trong tâm trạng hoang mang. Đấy là sự thật. Mắt Ly nhòe nước, bàn chân bị tật co giật liên hồi. Sau bao nhiêu ngày hứa hẹn, kết thúc một chuyện tình là cái thiệp hồng khắc tên Hòa và người con gái khác. Ly lả trên vai tôi nhưng vẫn đến uống rượu mừng.
4. Sân bay một chiều đầy gió.
Tôi ôm Ly trong cánh tay gầy guộc. Chiều sân bay đầy gió tiễn đưa một người sang bên kia bán cầu.
- Có cần phải vậy không Ly, có cần phải trốn chạy những gì không tốt đẹp đang diễn ra không?
- Ly biết mình đang làm gì mà Út. Loài cỏ dại mang trong mình một sức sống dịu kỳ. Thảo Ly cũng là một loài cỏ bé nhỏ mà Út. Con người vấp ngã hoặc là tự trược dài trên con đường đó hoặc là đứng lên để đi tiếp. Cháu đã hơn một lần tự đứng trên đôi chân không lành lặn của mình, giờ cháu không dễ gì trượt theo những vết bùn lầy đâu Út.
- Nhưng…
- Út tin Ly đi mà. Loài cỏ ở đâu cũng vươn lên sống tốt thôi mà . Ly sẽ học tốt và Ly sẽ về.
Và Ly đi…
Dù ở bất kỳ nơi đâu - sa mạc, hoang đảo hay Bắc cực quang năm lạnh buốt - thì cỏ vẫn luôn sinh xôi nảy nở bởi nó mang trong mình một sức sống mãnh liệt mà không có gì cản được.
Áo Trắng số 14 ra ngày 01/08/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận