Phóng to |
Ông Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Chicago - Ảnh: AFP |
Ông Hồ Cẩm Đào đã thể hiện với đồng bào mình là đưa quan hệ Trung - Mỹ lên tầm cao mới, Mỹ tỏ rõ sự tôn trọng đối với vị thế một cường quốc đang lên tương xứng với thế lực kinh tế của Trung Quốc. Đổi lại, ông thực hiện “ngoại giao ban phát” khi mang đến nhiều hợp đồng hàng chục tỉ USD, hối thúc Mỹ nới lỏng các rào cản đối với xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc cũng như đối với đầu tư trực tiếp của Trung Quốc sang Mỹ.
Còn ông Obama cũng thành công không nhỏ về “ngoại giao phục vụ kinh tế”, khi cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt chính sách phân biệt đối xử trong lĩnh vực sáng chế và mở rộng thị trường cho nông phẩm và dịch vụ của Mỹ. Tổng thống Mỹ đánh giá cao các thỏa thuận mang lại 235.000 việc làm cho người Mỹ, ca ngợi những cố gắng của Trung Quốc trong việc thả nổi dần tỉ giá đồng nhân dân tệ, đồng thời khuyến cáo Trung Quốc nỗ lực hơn nữa trong việc điều chỉnh đồng tiền của mình theo thị trường và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ tham gia thị trường 1,3 tỉ dân này.
Về vấn đề Triều Tiên, tuyên bố chung Mỹ - Trung bày tỏ lo ngại đối với chương trình làm giàu uranium của CHDCND Triều Tiên. Điều này thể hiện một bước tiến từ phía Bắc Kinh vốn cho tới nay không muốn đề cập. Sau đó, Hàn Quốc chấp thuận đề nghị đàm phán quân sự cấp cao của CHDCND Triều Tiên, đặt nền tảng nối lại các cuộc đàm phán sáu bên bị bế tắc nhằm giải trừ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nhưng tổng thống Mỹ có thể đã quá lạc quan chăng khi khẳng định “chuyến thăm này có thể đặt nền móng cho quan hệ 30 năm tới”. Các nhà quan sát chưa ghi nhận được thỏa thuận nào mang tính đột phá. Đối với mong muốn tăng cường sự tin cậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi mượn lại những tiêu đề báo chí, nói rằng hai nhà lãnh đạo đã đạt được “sự đồng thuận quan trọng” về nhiều vấn đề, nhưng “các dị biệt cũng quan trọng không kém”. Quan hệ Mỹ - Trung những năm tới nổi lên hai trở ngại đáng kể.
Thứ nhất là thái độ ngày càng thiếu thân thiện của Quốc hội Mỹ. Các ông nghị của Mỹ khó lòng làm khác được khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần đông người Mỹ vẫn coi nền kinh tế Trung Quốc là mối đe dọa cho việc làm ở Mỹ.
Thứ hai là sự thiếu tin cậy của giới quân sự hai nước, tuy chủ tịch Trung Quốc tìm cách làm yên lòng dư luận Mỹ: “Chúng tôi không theo đuổi chạy đua vũ trang hay gây đe dọa quân sự bất cứ nước nào. Trung Quốc không bao giờ tìm cách làm bá chủ hay theo đuổi chính sách chủ nghĩa bành trướng”. Nhưng cường độ và chất lượng hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc đã kích hoạt cuộc chạy đua hiện đại hóa quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương. Ưu thế quân sự của Mỹ tỏ ra kéo dài hơn ưu thế kinh tế. Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược quân sự từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Năm qua, hải quân Mỹ tăng gấp đôi tần suất hoạt động tại ba biển ở Đông Á.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần này đã giảm nhiệt một số tranh cãi nhưng vẫn không giải quyết được các mâu thuẫn cơ bản. Trong tương lai, Trung Quốc có thể vượt Mỹ về kinh tế và đạt cân bằng chiến lược về quân sự, tình hình xem ra càng thêm căng thẳng. Nghị sĩ cao cấp Đảng Dân chủ Howard Berman đánh giá bên lề cuộc gặp thượng đỉnh: “Trung Quốc không phải bạn cũng chẳng phải thù, mà vừa là đối thủ vừa là đối tác trong đối ngoại, an ninh và kinh tế”.
Thành Rome không thể xây trong một ngày. Cuộc gặp thượng đỉnh 2011 diễn ra trong giai đoạn mở đầu của tương quan quyền lực mới. Có lẽ 10 năm sau sẽ cần một cuộc đại ngã giá mang tính đột phá. Trước mắt việc Mỹ - Trung cải thiện quan hệ, thu hẹp bất đồng, tìm kiếm các điểm tương đồng đáng được xem là một thành tựu khích lệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận