26/08/2006 14:22 GMT+7

"Thành phố sống tốt"

HOÀI TRANG thực hiện
HOÀI TRANG thực hiện

TTCT - Cơ quan tư vấn nguồn nhân lực Mercer (Mỹ) mới đây công bố kết quả khảo sát chất lượng cuộc sống năm 2006 ở 215 thành phố lớn trên thế giới. theo đó, Hà Nội được 60 điểm, xếp thứ 155; TP.HCM được 61,9 điểm, xếp thứ 148.

0ld5ysRm.jpgPhóng to
Ông Michael Douglas
TTCT - Cơ quan tư vấn nguồn nhân lực Mercer (Mỹ) mới đây công bố kết quả khảo sát chất lượng cuộc sống năm 2006 ở 215 thành phố lớn trên thế giới. theo đó, Hà Nội được 60 điểm, xếp thứ 155; TP.HCM được 61,9 điểm, xếp thứ 148.

Vì sao trong nhiều năm trở lại đây VN phát triển kinh tế với tốc độ cao mà điểm xếp hạng chất lượng cuộc sống lại thấp như vậy? Tham gia cuộc hội thảo Qui hoạch cho những thành phố sống tốt - viễn cảnh VN so với quốc tế vừa diễn ra tại TP.HCM (*), ông Michael Douglas, nhà nghiên cứu về đô thị, giám đốc Trung tâm toàn cầu hóa ĐH Hawaii - Manoa, cho biết:

Nhìn toàn cảnh VN hiện nay, có thể thấy người ta đang nói nhiều về quá trình chuyển đổi kinh tế nhưng chất lượng cuộc sống phụ thuộc rất nhiều yếu tố: từ chính trị, kinh tế, xã hội đến môi trường, hệ thống giao thông, chăm sóc sức khỏe, an ninh, giáo dục...

Dù cho đời sống vật chất của người dân VN được nâng lên rõ rệt, nhưng rõ ràng hằng ngày, hằng giờ mọi người đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường và đô thị hóa đang làm phát sinh nhà lụp xụp, ngập lụt, y tế, an sinh xã hội, an toàn giao thông... Những chuyển đổi quá lớn này đang gây khó khăn cho những người hoạch định chính sách cũng như kéo giảm chất lượng cuộc sống.

Giống như nhiều nước Đông Á đang phát triển, trong những năm qua ở VN có rất nhiều thành phố mới, nhiều công trình được xây dựng nhưng lại không có nhà ở phù hợp cho người dân, thiếu những không gian công cộng...

Riêng với TP.HCM, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu những công viên, thiếu những khoảng xanh cần thiết cho đô thị, và theo tôi, còn một thứ quan trọng khác là thiếu hẳn sự quan tâm đến những vấn đề như thế. Thứ nữa là xu hướng xóa bỏ những cái cũ khi xây dựng thành phố mới. Và điều này sẽ dẫn đến khủng hoảng. Những bức xúc này đang đòi hỏi chúng ta cần phải tìm ra những phương cách khác để sống hài hòa hơn.

* Từ những kinh nghiệm thực tiễn đã thấy ở nhiều nước, ông thấy VN cần phải làm thế nào để sớm đạt được mục tiêu sống tốt, sống hài hòa?

Q7eEpbKC.jpgPhóng to
Ở nhiều khu dân cư mới, chất lượng cuộc sống đã tăng lên nhiều song vẫn còn đó những vấn nạn về phát triển đô thị. Trong ảnh: buổi chiều tại chung cư Phan Xích Long, P.7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

- Hiện nay Nhà nước VN đang có xu hướng mở rộng cửa cho tư nhân làm kinh tế, và vì vậy không chỉ có Nhà nước lập kế hoạch mà nhiều doanh nghiệp và cộng đồng người dân cũng có cơ hội tham gia.

Như vậy vấn đề là làm sao để khuyến khích tư nhân tham gia vào những vấn đề chung của xã hội. Hơn nữa, chức năng quyết định Nhà nước cũng phải ngày càng giảm bớt để đổi lấy một vai trò mới hơn là người thương thuyết, trung gian và tạo điều kiện dễ dàng cho nhiều người dân cùng tham gia quyết định vận mệnh đất nước.

* Viễn cảnh để có một “thành phố sống tốt”, với VN và với TP.HCM, theo ông gần hay xa?

- Qua cuộc hội thảo này tôi muốn nhiều người nhận ra vấn đề không nằm ở chỗ thành phố của mình sẽ trở thành một New York hay một Tokyo, mà quan trọng là chúng ta biết nhìn lại xem mình đang sống như thế nào và cần phải làm những gì. Có những điều chúng tôi quan tâm nhưng nhiều người không để ý đến: đó chính là cuộc sống của những cộng đồng nhỏ với nhiều giá trị ở TP.HCM, Hà Nội... đang mất dần đi.

Ví dụ ở trung tâm đô thị cũ, ai cũng thấy ngày càng lộ ra nhiều bất cập trong vấn đề phát triển đô thị, trong khi khu Nam Sài Gòn ngày càng mọc lên rất nhiều nhà cao tầng và môi trường đô thị ở đây rõ ràng là tốt hơn ở nội ô cũ. Thế nhưng ở Nam Sài Gòn, khi tôi muốn chụp ảnh hay đi vào một nơi nào đó thì luôn đụng phải bảng “cấm chụp ảnh” hoặc “cấm vào”, khác xa sự thân thiện mà tôi nhận được từ những con người trong lòng nội ô cũ.

Vậy thế nào là một “thành phố sống tốt”? Tôi hình dung một thành phố không thể sống tốt khi con người trở nên khó giao tiếp, khó thân thiện với nhau và chúng ta cần phải tránh xa những kiểu phát triển cứng nhắc như vậy. Không thể tách việc sống tốt ra khỏi yếu tố con người.

Du lịch tại TP.HCM đang phát triển và du khách đến đây thường chỉ muốn gặp chính những con người VN, tìm thấy những gì thuộc về bản sắc văn hóa của thành phố này chứ không phải một bản sao của những thành phố khác. Vì vậy phải biết xây dựng một tiến trình cho riêng mình, và trên lộ trình này nhất định sự phát triển kinh tế phải song hành với cái được gọi là “sống tốt”.

(*) do Viện Kinh tế TP.HCM phối hợp với Trung tâm toàn cầu hóa Đại học Hawaii, Mỹ tổ chức.

Thế nào là “sống tốt”?

Khái niệm “livability” và “livable cities” mà ông Michael Douglas đưa ra được tạm dịch là “sống tốt”. Nó không chỉ là “phát triển bền vững” (sustainable development), một khái niệm lâu nay vẫn thường được dùng phổ biến ở VN, vốn dĩ đặt nặng vấn đề môi trường mà đề cập đến các thành tố quan trọng:

I. Nhóm các yếu tố “môi trường tự nhiên tốt”:

1. Giao thông thuận lợi: giao thông đang là một vấn đề rất lớn đối với TP.HCM, ảnh hưởng đến chất lượng sống của dân cư. Cần phải giảm dần nạn kẹt xe; phải phát triển mạng lưới giao thông công cộng; có bãi đậu xe trong thành phố; vỉa hè thông thoáng, dân cư đi lại thoải mái, nâng các mối giao tiếp xã hội.

2. Được cung cấp nước sạch.

3. Giảm ô nhiễm không khí, khói, bụi, tiếng ồn.

4. Chống ngập nước đô thị: xóa bỏ các khu ổ chuột, khơi thông các đoạn kênh bị ngưng trệ, hoàn chỉnh dần hệ thống thoát nước, áp dụng các biện pháp phi công trình (sinh thái) trong vấn đề giải quyết ngập nước.

5. Thu gom rác tốt.

6. An toàn vệ sinh thực phẩm.

II. Nhóm các yếu tố “môi trường sống đô thị” (nhóm vấn đề cần được nghiên cứu nhiều nhất):

1. Bảo tồn các di sản lịch sử, văn hóa đặc thù của TP.HCM.

2. Không gian công cộng và các vỉa hè: tạo ra nhiều không gian công cộng và mở rộng giao tiếp cộng đồng, tạo nhiều khoảng không gian sống tốt; vỉa hè phải được thông thoáng, có thể kết hợp kinh doanh nhưng phải bảo đảm trật tự.

3. Tạo mảng xanh đô thị: đây là tiêu chí quan trọng cho môi trường thành phố; hiện tại tỉ lệ cây xanh còn thấp.

4. Tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở: nâng cao chất lượng nhà ở cho người nghèo và có nhà ở cho người thu nhập thấp.

5. Tệ nạn xã hội giảm.

III. Nhóm các yếu tố phát triển bản thân con người:

1. Công ăn việc làm.

2. Chăm sóc sức khỏe.

3. Giáo dục.

4. Giảm nghèo.

IV. Nhóm các yếu tố về quản lý: nhóm tiêu chí khá quan trọng dù nó không thuộc ba nội dung cấu thành “thành phố sống tốt”:

1. Cải cách hành chính

2. Hoạt động của các đoàn thể.

3. Cung cấp và thu thập thông tin từ người dân.

4. Chỉ số hài lòng của người dân qua việc được phục vụ các dịch vụ công.

(LÊ VĂN THÀNH, phó trưởng phòng nghiên cứu phát triển đô thị Viện Kinh tế TP.HCM)

HOÀI TRANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên