13/05/2012 01:37 GMT+7

Thành phố không ký ức

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - Đã nhiều năm về trước, ký ức không còn nhớ rõ là ngày tháng năm nào, sổ ghi chép cũng lẫn lộn, thất lạc lung tung. Nhưng tôi còn nhớ một chi tiết về một sự kiện: khi những khối đá xanh bó các vỉa hè phố đường Thi Sách, Đồn Đất, Lý Tự Trọng... được đào lật lên để thay thì nhiều người dân Sài Gòn đã phản ứng.

Khi đó những khối đá xanh kia đã có tuổi đời hơn trăm năm, cho nên đá không chỉ là đá, vỉa hè không chỉ là vỉa hè mà nó có hồn vía của nó, cùng lưu dấu bao kỷ niệm gắn với bao phận người.

Nhưng rồi, những dấu vết ký ức về một thuở bàn chân bước trên hè phố cũ đã không còn nữa. Nhưng so với sự biến mất của quán cà phê Cái Chùa- tức La Pagode, hay quán Brodard, và quán Givral (ở khu vực trung tâm Q.1), thì sự biến mất của những khối đá xanh bó vỉa hè kia cũng chẳng là cái gì (?!). Nhưng thử hình dung những con người từ những năm xưa lưu lạc đến một nơi góc bể chân trời nào, một hôm tìm về lại Sài Gòn, muốn ngồi lại một góc quán kỷ niệm của thời thanh xuân thì chắc chắn sẽ hụt hẫng. Phải chăng sự biến mất của những cái cũ (dẫu đẹp) là một sự tất yếu? Như sóng xô, cứ mãi xô, mỗi lúc một hung bạo. Ký ức là những hình vẽ trên cát, vừa vẽ lên đã lập tức bị xóa dấu vết!

Không, tôi không nghĩ ký ức là những hình vẽ trên cát. Mà tôi vẫn nghĩ ký ức phải thật bền chặt và không gian đô thị phải được thiết lập để hướng đến vĩnh cửu. Bảo tồn vốn cổ không phải chỉ là giữ đồ cổ mà còn để giữ và nuôi ký ức sống. Ai cũng biết vậy, nhưng rồi lại có lúc phải sống trong tình trạng bất khả kháng.

Tôi nhớ nhà văn Trần Huiền Ân trong một tạp văn viết về Sài Gòn có kể chi tiết đi tìm nhà thi sĩ Tường Linh ở đường Cây Thị, không nhớ số nhà, nhưng người chỉ đường bảo trước nhà có cây mít và ông đã tìm chính xác. Cây mít trên đường Cây Thị ngay trước nhà Tường Linh, đó chính là hình ảnh của ký ức. Ký ức đẹp. Nhưng bây giờ chỉ tìm nhà theo dấu cây mít thì chắc chẳng thể nào tìm được. Cũng như nhiều người từng biết đến Vân Đường phủ của học giả Vương Hồng Sển sẽ rất nhớ vườn mai. Nhưng nếu chỉ tìm nhà cụ Vương theo dấu vườn mai thì sẽ không gặp, mà gặp... một quán ốc. Ký ức lúc đó sẽ bị dội ngược.

Cũng như tôi tình cờ nhìn thấy căn biệt thự cũ của học giả Nguyễn Hiến Lê trong một con hẻm trên đường Kỳ Đồng (sau lưng chùa Minh Đạo), nhưng cứ ngờ ngợ vì thấy nó hơi khác so với trong sách mình đọc. Không thấy vườn lan nhỏ trước sân nhà. Nhưng địa chỉ thì như cũ. Biết rồi thỉnh thoảng quanh xe rẽ vào đứng ngắm, chụp hình, sợ có ngày nó biến mất hoặc thay hình đổi dạng (!). Hay thi thoảng tôi lại xách xe chạy qua xóm Gà (Gò Vấp) coi thử những hàng rào cây và hoa có còn không. Mà lần nào qua cũng bâng khuâng thầm hỏi ở xóm Gà này, hồi xưa Phan Khôi, Tản Đà, Ngô Tất Tố... từng đến ở trọ, tham gia làng báo Sài Gòn, nhưng không biết họ trọ nhà nào, khu nào! Giá mà có một nơi lưu niệm! Tôi cũng luôn sống trong tâm trạng phập phồng khi mỗi sớm ngồi cà phê hẻm Trịnh (hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch, Q.3), khi nghĩ đến mai này nếu cây xoài đầu hẻm bị đốn để lấy đất xây tòa cao ốc, thì quán cà phê hẻm này chắc chắn sẽ không còn.

Sài Gòn không còn những chuyến xe lam (ôi, giá mà xe lam được bảo tồn). Sài Gòn cũng biệt hẳn những chuyến xe ngựa từ Bà Điểm vào nội thành rạng sáng. Sài Gòn không còn vườn hoa Chi Lăng. Sài Gòn không còn làng hoa Gò Vấp. Sài Gòn đang mất dần làng mai Thủ Đức. Sài Gòn không còn cà phê cóc hồ Con Rùa. Không còn những bến ghe trên bến Bình Đông. Không còn...

May thay vẫn còn những con đường hàng me rợp bóng mát, những hàng cây sao, cây dầu cổ thụ vươn lừng lững. Vẫn còn những góc phố dịu dàng. Nhưng có mấy ai thong dong nhìn ngắm, thả hồn? Điều tôi kinh khiếp nhất về Sài Gòn là kẹt xe, chen lấn trong ồn ào khói bụi. Ngày nào cũng như ngày nấy. Cứ mãi chen lấn, tranh thủ vượt lên trên đường thì còn nhìn thấy gì nữa (kẹt xe đến bại não là câu mà họa sĩ Nguyễn Sơn dùng để nói về kẹt xe Sài Gòn). Và như thế là một phần ký ức đã bị tẩy xóa, nhưng hình ảnh để bồi đắp ký ức lại cứ trôi tuột hoặc bị dội ngược. Càng sống ở Sài Gòn, tôi có cảm giác mình như một người yêu bị phụ tình. Trong khi toan tính những cuộc chạy trốn khỏi Sài Gòn thì không biết làm gì hơn là tự trào bằng hai câu thơ chế: Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/ Chạy xe lên xuống rã rời thân trai.

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên