04/01/2014 18:54 GMT+7

Thành công không trải thảm hoa hồng

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Đỗ Duy Hiếu gây ấn tượng mạnh với tất cả những ai có mặt tại lễ trao giải “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” ngày 4-1 khi bạn lên bục nhận giải nhất bằng đôi nạng gỗ.

Đây cũng chính là SV đã giành vị trí thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ngành toán học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2013.

Y7ExP5hw.jpgPhóng to
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trao giải nhất giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” cho Đỗ Duy Hiếu - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tai ương bất ngờ

Năm 2006, khi đang là SV ĐH năm thứ hai khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cậu thanh niên 20 tuổi đã bị cướp mất khả năng đi lại bình thường sau một vụ tai nạn giao thông. Hai chân Hiếu bị liệt hoàn toàn, buộc phải bảo lưu kết quả học tập. Sau gần một năm trường kỳ nằm viện, Hiếu quyết định trở lại trường. Cả một học kỳ gắng gượng tới lớp khi vẫn phải song hành điều trị đủ để Hiếu bất lực nhận ra mình không đủ sức khỏe để theo học ngành cơ khí.

Còn nhớ, khi đăng ký học ngành này, cậu trò nghèo đã mường tượng ra cơ hội việc làm ổn định để có thể tự nuôi sống bản thân. “Năm 2005, năm mình thi ĐH cũng chính là thời kỳ hoàng kim của ngành đóng tàu. Xem thông tin tuyển dụng trên báo, thấy Nhà máy đóng tàu Ba Son tuyển kỹ sư với mức lương lên đến cả chục triệu đồng, mình ấp ủ ngày ra trường sẽ đỡ đần được bố mẹ” - Hiếu tâm sự.

Nhưng ước mơ tạo ra những con tàu lướt sóng đại dương cuối cùng đành bỏ dở, Hiếu trở về quê, mở lớp dạy thêm tại nhà. Người nọ truyền tai người kia về khả năng sư phạm đặc biệt của cậu học sinh nhiều lần đoạt giải học sinh giỏi toán toàn tỉnh khiến lớp học lúc nào cũng đông kín. 20 học sinh/buổi, mỗi ngày Hiếu có đến 4 buổi dạy như thế. Nhưng công việc dạy thêm đối với một SV phải bỏ dở việc học giữa chừng hoàn toàn không suôn sẻ.

ĐỖ DUY HIẾU

- Giải nhất “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2013” (năm 2013, Bộ GD-ĐT trao giải nhất cho 10 đề tài nghiên cứu của sinh viên).

- Thủ khoa đầu ngành toán học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) với điểm số 3.59/4.

Nhiều giáo viên khi thấy học sinh lớp mình lại ùn ùn kéo đến lớp học thêm của một người chưa tốt nghiệp ĐH đã đe “nếu cố tình học thêm của Hiếu, sẽ không cho thi vào cấp III”.

Nhưng những dọa dẫm vô căn cứ đó chẳng thể ngăn phụ huynh chọn cho con em mình “lớp của thầy Hiếu” khi khả năng học tập của các em tiến bộ từng ngày. Lớp học vẫn nườm nượp đông, Hiếu vẫn cần cù dạy 4 buổi/ngày.

Song ước mơ trở lại giảng đường chưa bao giờ nguôi trong tâm trí của chàng thanh niên đang phải ngồi xe lăn hằng ngày để đứng lớp. Có bằng ĐH, Hiếu sẽ trở về quê dạy tại một trường phổ thông.

Có điều, việc đi lại đã thành bài toán quá khó, làm cách nào Hiếu có thể đến trường hằng ngày? Một ý tưởng lóe lên trong những ngày vừa dạy học vừa nuôi ước mơ được đi học trở lại: cậu em Đỗ Duy Bốn kém Hiếu năm tuổi cũng sẽ thi ĐH, Hiếu sẽ chờ để thi cùng, em trai sẽ giúp đưa Hiếu đến trường.

Hạnh phúc nảy mầm

Năm 2009, khi Đỗ Duy Bốn thi vào Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Hiếu cũng náo nức khăn gói đăng ký thi vào khoa toán - cơ - tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Không phải tham gia bất cứ lớp luyện thi nào, mà bản thân lớp dạy thêm của Hiếu cũng chỉ nghỉ trước kỳ thi chừng một tuần để bạn dành thời gian ôn tập. Kết quả, kỳ thi tuyển sinh năm ấy Hiếu lại đạt 27 điểm - bằng đúng số điểm của kỳ thi ĐH bốn năm trước Hiếu đạt được khi thi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đồng hành với Hiếu ngày trở lại giảng đường không chỉ có em trai. “Nếu cứ làm ruộng ở quê sẽ không thể trang trải cho hai đứa con học ĐH. Hai đứa nhập học được chừng một tháng, vợ chồng tôi cũng khăn gói từ Thanh Hóa ra Hà Nội để mưu sinh, chăm lo cho con cái. Bà ấy bán bánh đa trước cổng chợ Phùng Khoang, rồi đi rửa bát thuê, làm đủ thứ nghề không tên, còn tôi xin đi làm thợ cơ khí” - ông Đỗ Duy Ngọc, bố của Hiếu, chia sẻ.

Những ngày tháng khó khăn vẫn hằn in trong câu chuyện của ông Ngọc khi thời gian đầu lên Hà Nội, gia đình không thể nào thuê được chỗ ở vì nhiều chủ nhà nhìn thấy đôi chân không bình thường của Hiếu đã từ chối thẳng thừng. Chiếc xe lăn Hiếu đang dùng cũng phải sau thời gian dài cặm cụi làm gia sư bạn mới sắm được.

Hiếu thừa nhận bảy năm trước, khi phải dừng lại việc học giữa chừng, bạn không bao giờ dám nghĩ đến một hiện thực như mơ đang có được trong tay.

Đề tài “Cấu trúc một số lớp đồ thị đặc biệt và ứng dụng” mà Hiếu giành giải nhất “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” được đánh giá đã cải thiện và mở rộng các kết quả nghiên cứu trước đó về toán tổ hợp.

Từ đề tài này, Hiếu có hai bài báo đăng trên tạp chí khoa học uy tín của quốc tế, thuộc hệ thống ISI.

Ra trường, Hiếu được vào làm tại Viện Toán học - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. Và bây giờ Hiếu cũng đã có một tổ ấm nhỏ với người bạn đời chính là cô bạn học cùng khóa tại Trường THPT Lê Văn Hưu, Thiệu Hóa, Thanh Hóa.

Nhưng với đồng lương trên 3 triệu đồng/tháng của một cán bộ nghiên cứu trẻ, làm sao có thể xoay xở lo cho cuộc sống nơi Hà thành đắt đỏ? Hóa ra, Hiếu vẫn đều đặn làm gia sư môn toán cho học trò từ tiểu học đến THPT. Mỗi tuần 5 buổi dạy, mỗi buổi 20 học sinh, 30.000 đồng/học sinh/buổi. Song Hiếu vẫn ấp ủ ước mơ được đi dạy chính thức ở một trường phổ thông, để được chia sẻ niềm đam mê môn toán và cùng học sinh nuôi lớn tình yêu toán học.

Trò chuyện với Hiếu, nhiều người vẫn không thôi thắc mắc sức mạnh kỳ diệu nào đã khiến Hiếu vượt qua tai ương cuộc sống, làm lại từ đầu và đạt được thành công vững chãi?

“Mình luôn thấm thía câu thơ của Bác: Gạo đem vào giã bao đau đớn. Gạo giã xong rồi trắng tựa bông… Sự rèn luyện trong đời sống bao giờ cũng khốc liệt, nhưng phải qua khó khăn thì mới chạm đến được thành quả mơ ước” - Hiếu cười hiền.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên