02/05/2015 10:49 GMT+7

​Thành công do đáp ứng nhu cầu của dân

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TT - Trước khi di dời đến chung cư Lò Gốm, người dân được cho vay tiền để cải thiện thu nhập. Một ngôi chợ nhỏ xây kèm với khu tái định cư để người dân buôn bán, ổn định cuộc sống.

Đa số các hộ dân có cuộc sống ổn định tại chung cư tái định cư Lò Gốm - Ảnh: T.Tùng

Chung cư Lò Gốm (P.11, Q.6, TP.HCM) được xây để bố trí tái định cư cho người dân của dự án 415 (dự án thí điểm cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị kênh Tân Hóa - Lò Gốm) hoàn thành năm 2006.

Sau gần 10 năm tái định cư, chỉ một vài hộ dân trong số 72 hộ ở chung cư này sang nhượng căn hộ vì đã tạo được nơi ở mới hoặc về quê sinh sống, số còn lại vẫn sinh sống ổn định tại chung cư nhiều năm nay.

Người dân được góp ý trong việc thiết kế căn hộ tái định cư, tham gia giám sát quá trình xây dựng chung cư Lò Gốm. Việc xây dựng chợ Lò Gốm để giải quyết việc làm sau tái định cư cũng từ góp ý của người dân
 TS HUỲNH THỊ NGỌC TUYẾT

Cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ

“Tôi ở đây 10 năm rồi, giờ vẫn thấy thoải mái, an toàn” - bà Nguyễn Thị Mai, một người dân ở lô A1 chung cư Lò Gốm, nói về nơi tái định cư của mình. Từ khi chuyển về đây sinh sống, bà Mai tiếp tục nghề bán cà phê, nước giải khát cho khách trong chung cư và người qua đường ở trước nhà, nguồn thu từ việc buôn bán đủ cho bà lo tiền chợ mỗi ngày.

Bà Huỳnh Kim Cúc, một người dân ở lô B1 chung cư trên, cho biết do nhà cũ của bà nhỏ nên tiền bồi thường không nhiều. Bà chọn căn hộ chung cư ở tầng 1 cho nhẹ gánh nhưng lúc mua nhà cũng thiếu tiền.

Khi về đây bà Cúc được Nhà nước cho mua một sạp ở chợ Lò Gốm kinh doanh quần áo để có thu nhập lo cho gia đình... “Ban đầu gia đình tôi cũng lo lắng lắm bởi trước đó nghe tin nhiều người bị di dời không đủ tiền phải bán nhà tái định cư trả nợ rồi đi ở trọ. Nhưng thật may mắn là gia đình tôi qua đây thấy cuộc sống ổn định”.

Chung cư Lò Gốm nằm ngay mặt tiền đường dọc kênh Lò Gốm, gồm ba dãy nhà cao 3-4 tầng nối với nhau thành hình chữ U. Tầng nào cũng có một hành lang nhỏ nối giữa các dãy nhà để người dân qua lại với nhau mà không phải đi vòng xuống tầng trệt.

Ngoài ra chung cư còn có chỗ để xe máy và xe ba gác, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, hành lang của chung cư rất rộng, là nơi người dân thường tụ tập để trò chuyện với hàng xóm, đánh cờ, uống trà và là chỗ vui chơi của trẻ con.

Thạc sĩ Lê Diệu Ánh, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án 415, nhớ lại: từ năm 1993 UBND TP bắt đầu di dời dân sống ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lên các chung cư tái định cư Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Rạch Miễu...

Theo một nghiên cứu, có gần 90% người dân tái định cư của dự án này bán căn hộ tái định cư vì không thể sống được ở các chung cư này. Vì vậy Chính phủ Bỉ (nhà tài trợ không hoàn lại cho dự án 415) muốn đưa ra một cách tiếp cận mới để khắc phục những nhược điểm trong việc tái định cư dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết - nguyên giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ - kể nhóm nghiên cứu xã hội học của TS Tuyết đã “ở” với hơn 200 hộ dân của dự án để tìm hiểu về đời sống, thu nhập, nghề nghiệp, hoàn cảnh... của từng gia đình.

Từ đó, nhóm công tác xã hội này đồng hành cùng người dân trong suốt quá trình di dời. Người dân được hướng dẫn từ việc tạo quỹ tín dụng, cho vay luân phiên để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tiết kiệm tiền để sắm sửa cho nhà mới, trả góp tiền mua nhà đến việc góp ý, lựa chọn mô hình tái định cư, chọn căn hộ tái định cư vừa túi tiền.

Thạc sĩ Lê Diệu Ánh cho biết dự án yêu cầu người dân phải trả trước ít nhất 30% giá trị nhà, 70% còn lại được trả góp trong vòng 10 năm.

“Các kiến trúc sư phải liên tục điều chỉnh thiết kế căn hộ cho phù hợp với nhu cầu, khả năng của người dân. Đầu năm 2006 chung cư hoàn thành. Chỉ trong thời gian ngắn, các hộ dân ở chung cư đều dọn tới, giao mặt bằng cho Nhà nước” - bà Ánh nhớ lại.

Còn theo TS Tuyết, dự án tái định cư thành công do Nhà nước thực hiện dựa trên nhu cầu thật sự của người dân và tính công khai, minh bạch của chính sách.

Giải quyết được nhiều mục tiêu

TS Võ Kim Cương, nguyên phó văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng dự án 415 thành công chính vì giải quyết được nhiều mục tiêu trong một cộng đồng. Những nhà quản lý dự án đã khai thác triệt để nguồn vốn. Đây là một bài học của TP trong cải tạo đô thị.

Nhiều dự án tái định cư khác của TP hiện giờ không thành công lắm do Nhà nước chỉ chú trọng vào việc xây dựng các công trình mà ít quan tâm đến mảng cải tạo xã hội. Cái khó nhất của một dự án tái định cư chính là các vấn đề xã hội như quyền lợi của người dân có thỏa đáng hay không, lợi ích của các bên trong dự án có hài hòa hay không.

Ông Võ Văn Vân, trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.6, nói: “Chúng tôi biết rõ ưu điểm của dự án 415, bản thân tôi cũng từng đi tham quan một dự án cải tạo đô thị tương tự như vậy tại Thái Lan.

Tuy nhiên, quy định hiện hành có nhiều hạn chế nên không áp dụng được kinh nghiệm của dự án trên cho những dự án khác tại Q.6.

Thứ nhất, thời gian chuẩn bị để thực hiện một dự án quá ngắn: thường là 3-5 tháng trước khi trình cơ quan chức năng làm thủ tục ghi vốn nên không có thời gian điều tra xã hội học để nắm nguyện vọng của người dân như dự án trên đã làm.

Thứ hai, chi phí cho việc điều tra xã hội học rất tốn kém, và trước khi triển khai dự án, di dời dân, dự án chưa được rót kinh phí thì không có tiền làm.

Thứ ba, cán bộ làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng không có chuyên môn trong điều tra xã hội học nên không thể điều tra sâu xem các hộ dân thiếu gì, nguyện vọng ra sao, họ cần nghề gì, muốn tái định cư ở đâu...”. 

Quy định đã có, vấn đề là làm thế nào...

Một lãnh đạo Hội đồng thẩm định bồi thường TP cho rằng những chính sách áp dụng trên quy định hiện hành đã có.

Theo quy định của Luật đất đai 2013, trước khi di dời người dân, cơ quan chức năng phải tổ chức điều tra xã hội học, sau đó phải theo dõi, giúp đỡ người dân tái định cư ổn định đời sống trong vòng ba năm kể từ khi họ đến nơi ở mới.

TP.HCM cũng có quỹ 156 cho vay và hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tham gia cho các hộ nghèo bị di dời vay tiền. Ngoài ra còn có quỹ hỗ trợ đào tạo nghề từ nguồn kinh phí của dự án.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu cho những trường hợp người dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ quá thấp…

Riêng về việc điều tra xã hội học, hiện Sở Tài nguyên - môi trường TP đã trình dự thảo quyết định về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho UBND TP.

Trong đó có đề xuất giao cho Sở Lao động - thương binh và xã hội TP thực hiện điều tra xã hội học đối với các khu vực chuẩn bị di dời dân để làm dự án và theo dõi người dân ba năm sau tái định cư để có chính sách điều chỉnh phù hợp.

“Nếu làm tốt việc này thì sắp tới sẽ giảm tình trạng sang bán suất tái định cư như hiện nay” - vị này nhận định. 

 

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục