![]() |
Tiếng trống lân gợi nhắc những ký ức tuổi thơ - Ảnh minh họa Internet |
Một ngày chạy xe lang thang trên đường phố Sài Gòn, tôi tình cờ ngang qua một cửa hàng bán đầu lân, trống lân trên đường Nguyễn Trãi (Q.5). Nhìn những chiếc đầu lân mini rực rỡ đủ màu đang được chủ tiệm cho vào bịch xốp để đưa cho một vị khách mới tấp xe vào, tôi chợt nhớ tết, nhớ quê da diết.
Hồi còn nhỏ, mỗi khi nghe trống lân là cả đám con nít chúng tôi kéo theo đoàn lân cùng nhảy múa, hò hét. Nhiều đứa còn mạnh dạn tiến lại xoa cái bụng tròn vo của ông Thổ Địa. Mỗi khi đoàn lân kéo đến nhà ai trong xóm là chúng tôi lại kéo nhau đi theo xem. Nhà đứa nào có rước lân vào múa rình rang là đứa đó trở nên oách hơn. Còn với gia đình tôi, chỉ cần nghe thôi cũng đã thấy tết.
Con lân, ông Thổ Địa và tiếng trống được ví như ông tài, ông lộc đến thăm nhà, xua tan những điều không may mắn, mang lại tiếng cười, niềm vui cho một năm mới tràn đầy sung túc. Cái tết của xóm nghèo chúng tôi được bắt đầu từ khi những tiếng trống lân “cắc tùng tùng” vang lên.
Hình ảnh ông lân đủ màu thêm cái bụng to đùng và nụ cười toe tét rất có duyên của ông Thổ Địa làm xóm nhỏ tưng bừng hẳn lên. Đám con nít nhao nhao chạy theo đoàn lân, những đứa trẻ còn ẵm trên tay thì bập bẹ “cắc tùng tùng” theo điệu trống, người lớn thì xôn xao chuẩn bị mâm quả, mang tiền treo lên cửa đón lân vào nhà.
Và gần như tết nào cũng vậy, hễ thấy đoàn lân đi qua là những đứa trẻ tụi tôi cũng ước sao được ba mẹ hay ai đó mua cho một cái đầu lân và một cái trống bé con con để được tự múa, tự đánh...
Giờ đây, đứng trước những chiếc đầu lân từng mong ước ấy, tôi bỗng thấy tết và thấy lòng rộn rã.
Bạn tôi nói: “Sài Gòn lạ lắm mày ạ, tết ở đây không bằng quê mình đâu”. Mới nghe thấy lạ nhưng nghĩ lại thì có phần đúng. Một năm ăn "tết lạ" Sài Gòn tôi mới thấu hiểu câu nói ấy của đứa bạn, một phần vì xa quê, một phần vì tiếng lân không thật sự rộn ràng.
Tết Sài Gòn, chỉ cần nghe thấy tiếng trống lân "cắc tùng" từ đằng xa là nhiều gia đình vội vàng vào nhà đóng chặt cửa, cả xóm từ rộn ràng bỗng trở nên im lìm đến kinh ngạc. Họ sợ lân vào nhà cũng có lý do chính đáng.
Thay vì được mời như ở quê tôi, có những đoàn lân tự ý kéo tới nhà đập cửa ầm ầm, thậm chí chui vào nhà gia chủ đánh trống ì xèo chỉ vì “cạnh tranh theo thị trường”. Rồi nhiều chuyện khác xảy ra đã lấy mất lòng tin của người dân về hình ảnh đẹp đẽ này.
Mời bạn đọc thi viết Tùy bút “Xuân hoài hương” Với chủ đề “Xuân hoài hương”, cuộc thi tùy bút xuân 2011 mong trở thành một nhịp cầu để bạn đọc gửi nỗi nhớ về cái tết quê nhà, đặc biệt để những bạn đọc vì nhiều lý do tết này không thể sum họp với gia đình có cơ hội bày tỏ những cảm xúc, gửi những yêu thương đến với người thân, bạn bè. Cuộc thi sẽ diễn ra trên chuyên trang tuoitre.vn/Thiviet/Xuan-hoai-huong-2011. Mỗi bạn đọc được quyền tham gia nhiều bài viết, mỗi bài không quá 800 chữ, chưa từng được đăng tải ở bất cứ đâu. Bài dự thi gửi về tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề ghi “Tùy bút Xuân hoài hương”. Thời gian nhận bài dự thi từ nay đến hết ngày 7-2-2011 (mồng 5 Tết Tân Mão). Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 33 triệu đồng. Cuộc thi nằm trong khuôn khổ chương trình Online cùng Tết Việt năm thứ 8 do Tuổi Trẻ Online tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Xem thêm thông tin trên tuoitre.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận