![]() |
Chọn lựa thời trang tại hội chợ quận Phú Nhuận, TP.HCM dịp đón xuân Tân Mão 2011 - Ảnh: T.Đạm |
Bài học cụ thể được doanh nghiệp nhắc đến đó là ngoài giữ giá tốt thì yếu tố bao bì, mẫu mã sẽ quyết định đến sức cạnh tranh trên thị trường.
Hàng Việt hút hàng
Ở nhóm hàng thời trang, sức mua tăng mạnh trong tuần cuối cận Tết Nguyên đán khiến hầu hết doanh nghiệp đều có doanh số tăng hơn 60% so với mùa tết năm ngoái.
Hàng loạt thương hiệu thời trang lớn như An Phước, N&M, Foci, Vinatex Mart, Mattana... cho biết thị trường hút hàng nhất kể từ 15 tháng chạp trở đi, trong đó không ít doanh nghiệp có doanh số tăng 300% so với ngày thường, đẩy doanh thu mùa tết năm nay tăng trung bình 50% so với tết năm ngoái.
Theo nhiều doanh nghiệp, do sản xuất tích trữ hàng tết nên việc kìm giữ giá được thực hiện khá tốt.
Theo bà Ngô Thị Báu - tổng giám đốc Công ty TNHH Foci, ngoài việc các doanh nghiệp nhạy bén, phán đoán khá chính xác diễn biến thị trường để chuẩn bị tốt nguồn hàng, một yếu tố khác dẫn đến sự thành công của các doanh nghiệp chính là sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng đối với hàng sản xuất trong nước kể từ khi có cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”.
“Tôi cảm nhận được người tiêu dùng đến với hàng Việt ngày càng tự tin hơn, với sự lựa chọn rất khách quan: hàng nào tốt, đẹp, chất lượng, giá phải chăng được tìm mua nhiều” - bà Báu nhận xét.
Ông Văn Đức Mười, giám đốc Vissan, cho biết: “Trong mùa tết qua, sản lượng bán ra của Vissan tăng 51%, doanh số tăng trưởng 16%. Thị trường thực phẩm chế biến tuy không phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhưng đây là mặt hàng dễ bị làm giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì vậy nếu có chính sách giá tốt, ổn định sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng” - ông Mười nói.
Với các doanh nghiệp kinh doanh bánh kẹo, ngay từ quý 2-2010 doanh nghiệp đã thu mua dự trữ nguyên liệu, vì vậy khi giá cả biến động mạnh cuối năm, các thương hiệu lớn chỉ điều chỉnh tăng giá 5-15%.
Nỗ lực ở phân khúc cao cấp
Theo bà Quỳnh Trang - giám đốc đối ngoại siêu thị Big C, các thương hiệu bánh kẹo nội địa hiện không còn gò bó trong phân khúc trung cấp và bình dân như trước. Ở gam hàng cao cấp, ngoại trừ dòng bánh được ưa thích của Đan Mạch thì hầu hết là sự hiện diện của các thương hiệu trong nước.
Sự lên ngôi của hàng nội cao cấp năm nay đã xóa đi định kiến trước đây của nhiều người về vị thế hàng nội trong thói quen tiêu dùng.
Tập trung đánh vào phân khúc cao cấp, ông Nguyễn Xuân Luân, phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, nói một yếu tố tạo nên thành công trong mùa tết năm nay là công ty đã đẩy mạnh hoạt động trưng bày tại hệ thống siêu thị giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong việc chọn mua bánh kẹo, đồng thời tăng độ phủ rộng khắp qua các điểm bán, kênh phân phối độc lập không chỉ ở các thành phố lớn mà cả ở các tỉnh thành, vùng nông thôn xa xôi trên khắp cả nước.
Sự trợ giúp của cả nhà sản xuất và các doanh nghiệp phân phối trong nước kể trên cũng chính là một yếu tố rất quan trọng để bánh kẹo nội chiếm lĩnh lại thị trường.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa (Bibica), cho rằng các doanh nghiệp nội tương đối thắng lợi ở thị phần trung cấp và bình dân, riêng thị phần cao cấp vẫn chia sẻ với hàng ngoại.
“Người tiêu dùng luôn sẵn sàng bỏ tiền để có những món hàng sang trọng, đẳng cấp, trong khi hàng nội ở thị phần này vẫn thiếu điểm nhấn để người mua cảm thấy tự hào khi dùng biếu tặng” - ông Thiện nói. Qua mỗi mùa tết, doanh nghiệp biết mình phải nỗ lực hơn nữa. Như để cạnh tranh được với dòng cao cấp, doanh nghiệp nội cần cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng như chất lượng, hương vị bánh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận