Phóng to |
Thuật ngữ Thực phẩm chức năng (TPCN) xuất hiện ở Nhật Bản vào những năm 80 của thế kỷ 20. Từ đó đến nay, mỗi nước có một tên gọi khác nhau.
Riêng ở nước ta, các nhà chuyên môn xác định: TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.
Thực phẩm chức năng từ những vị thuốc dân gian
Thật ra, từ xa xưa, người dân nước ta qua kinh nghiệm thực tế đã biết sử dụng các loại thảo mộc, hoa quả, gia vị, thịt động vật để bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cây tỏi bao đời nay dân ta dùng làm gia vị (đập dập, giã nhỏ xào lẫn rau muống, hay cho vào nước chấm), cứ thế lâu dần, người ta thấy tỏi có tác dụng phòng, chống đầy bụng, tiêu hóa tốt.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các nhà nghiên cứu phát hiện trong tỏi có chất Alixin, một hợp chất có tác dụng diệt khuẩn mạnh, phòng, chống cảm cúm thông thường có hiệu quả.
Tương tự, củ nghệ được nhân dân ta dùng nấu lẫn canh dấm cá (mục đích làm gia vị), hay bôi vào vết thương nhỏ làm mau lên da non và hết sẹo. Sau dùng lâu, người ta nhận thấy nghệ có tác dụng về đường tiêu hóa, cầm máu, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu và phát hiện trong củ nghệ có chứa nhiều chất có khả năng chống đỡ bệnh tật, nên đã bào chế, sản xuất ra Curcumin. Ðây là sản phẩm có tác dụng hỗ trợ phòng, chống viêm nhiễm, loét dạ dày, tăng hồng cầu, đồng thời hạn chế sự kết tụ tiểu cầu.
Bởi vậy, các thầy thuốc đông y cho rằng: TPCN là thực phẩm có yếu tố thuốc và một số chất cần thiết cho cơ thể, đã qua một hay nhiều công đoạn chế biến có lợi cho sức khỏe con người.
Đừng lầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc
Người ta đã phân chia một cách tương đối TPCN thành các nhóm: TPCN bổ sung vitamin và khoáng chất, TPCN không béo, không đường, TPCN giàu chất xơ tiêu hóa, TPCN đặc biệt dành cho phụ nữ có thai, người cao tuổi, người bị tiểu đường, cho phi công và vận động viên, người yếu sinh lý...
Tuy nhiên, đừng lầm tưởng TPCN là thuốc, mà cần hiểu TPCN là loại thực phẩm nằm giữa ranh giới thực phẩm (truyền thống) và thuốc. TPCN được nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, có thể sử dụng lâu dài; còn đối với thuốc chữa bệnh, nhà sản xuất kinh doanh công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng điều trị, phòng bệnh với các công dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng...
Theo GS, TSKH Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội hóa sinh Việt Nam, kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học công nghệ lương thực, thực phẩm thì hằng năm thế giới tiêu thụ khoảng 65 - 70 tỷ USD các chất bổ sung dinh dưỡng và TPCN. Trong đó thị trường châu Âu chiếm 1/3, còn châu Á ước tính đạt bảy tỷ USD. Riêng ở Trung Quốc, thị trường TPCN hết sức phong phú, đa dạng, không chỉ phục vụ tiêu dùng nội địa mà còn được xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Ðến nay, Trung Quốc đã sản xuất khoảng mười nghìn chủng loại TPCN với tổng giá trị 2,5 - 3 tỷ USD/năm. Các loại TPCN này được xác định có tác dụng: giảm cân, điều chỉnh huyết áp, sáng mắt, cải thiện bộ máy tiêu hóa, hỗ trợ trí nhớ, điều hòa hệ thống miễn dịch, tăng cường sức khỏe... và các sản phẩm này được bao, gói, đóng trong các chai lọ dưới dạng lỏng, viên nén, bao phim, bột, bày bán tại các quầy dược phẩm, siêu thị. |
Cảnh giác với các "thần dược" thực phẩm chức năng
Nguồn nguyên liệu để sản xuất, bào chế các sản phẩm TPCN là các loại cây, quả, động vật vùng nhiệt đới, nước ta là một trong các quốc gia có tiềm năng (hơn 3.200 loài thực vật và hàng trăm loài động vật, bò sát) có thể sử dụng làm thực phẩm và TPCN.
Song việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm TPCN ở nước ta là vấn đề còn khá mới mẻ, mặc dù năm, mười năm trở lại đây trên thị trường đã xuất hiện hàng trăm loại TPCN nhưng phần lớn là hàng nhập khẩu; trong đó không ít mặt hàng nhập lậu, hàng xách tay làm cho các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Gần đây, một số đơn vị, công ty phối hợp các nhà khoa học đã nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm như viên dầu gấc, viên Curcumin (chế biến từ nghệ), viên rong biển và một số TPCN của các Viện Hải Dương học, Viện Pasteurs Nha Trang.
Tuy nhiên, các sản phẩm TPCN sản xuất trong nước còn quá ít, chưa tận dụng hết nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú trong nước. Và không ít mặt hàng trong số đó chưa được thử nghiệm lâm sàng để tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng.
Ðiều đáng nói hơn nữa là lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, không ít người kinh doanh - phân phối, nhất là kinh doanh theo phương thức đa cấp đã thổi phồng, "đánh bóng" các sản phẩm TPCN như "một loại thần dược" có thể chữa được bách bệnh.
Từ sự "nhộn nhạo" của thị trường, một số người thiếu hiểu biết "nhẹ dạ, cả tin" đua nhau mua TPCN về sử dụng, có trường hợp dùng quá liều (trà giảm béo, Vision) đã phải vào viện cấp cứu.
Chúng ta đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các loại hàng hóa trong đó có TPCN ngày càng tràn ngập thị trường. Ðiều đó đòi hỏi Nhà nước, ngành chủ quản sớm hoàn chỉnh và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể, chi tiết đối với việc sản xuất, chế biến và lưu thông các mặt hàng TPCN, tránh tình trạng "mập mờ đánh lận con đen" để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng "tiền mất, tật mang".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận