23/12/2011 03:03 GMT+7

Thầm lặng người đưa đất liền đến Trường Sa

NGUYỄN ANH
NGUYỄN ANH

TT - Các chiến sĩ ở Trường Sa thật nhiều vất vả, điều ấy người dân cả nước vẫn hằng ngày chia sẻ với họ. Nhưng có một lực lượng cũng rất nhọc nhằn làm cầu nối giữa đất liền với đảo, đó là những thủy thủ trên các chuyến tàu đưa bộ đội và các đoàn công tác ra Trường Sa. Công việc của họ thầm lặng, ít người hiểu hết.

Tàu HQ 936 đưa chúng tôi ra Trường Sa thăm và tặng quà cho bộ đội đảo năm 2009. Sóng biển có lúc đánh trùm nước lên boong khiến nhiều người không chịu nổi. Chúng tôi dù có say sóng đến mấy cũng còn được nằm, được nghỉ, vậy mà anh em thủy thủ của tàu vẫn kiên cường chịu đựng đưa đoàn đi đúng thời gian, hành trình. Thật đáng khâm phục khi sóng to gió mạnh làm nghiêng ngả tàu nhưng tổ phục vụ vẫn đảm bảo cơm ngon canh ngọt đúng giờ.

Là người có thâm niên đi biển nên dù sóng đánh rất mạnh tôi vẫn bám lan can để đi về phía cuối tàu chuyện trò với anh em phục vụ. Thuyền phó Nguyễn Thế Kỳ nói rằng: “Hôm nay chiêu đãi các anh mấy món đông lạnh thôi. Sóng to quá nên anh em phục vụ không dám làm thịt gà, không dám thái thịt lợn vì tàu lắc quá mạnh dễ cắt phải tay”. Nhìn anh em mới thấy hết nỗi vất vả của họ. Các chiến sĩ phải tranh thủ từng phút. Có bữa không kê được bàn ghế ăn cơm, anh em mang đến tận giường cho từng người.

Một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi, đó là khi tàu chuẩn bị vào đảo Song Tử Tây, đảo đầu tiên trong hành trình. Khi tàu còn cách đảo khoảng 20 hải lý thì cũng đến bữa trưa. Đoàn công tác ăn cơm xong, các chiến sĩ phục vụ trên tàu vừa dọn, chưa kịp ăn thì sóng biển ập đến rất mạnh, tàu ngả nghiêng. Nhiều người trong đoàn công tác nôn thốc nôn tháo, chạy vào giường nằm vì chóng mặt. Khi tôi quay ra ngoài, một hình ảnh khiến tôi cứ xúc động mãi, ấy là hai chiến sĩ, một người bưng âu cơm, một người bưng âu canh, đứng choãi hai chân để lấy thăng bằng. Các chiến sĩ còn lại nhanh chóng ăn, rồi họ lại đổi nhau bưng cơm, canh cho người khác. Sóng mạnh đến nỗi không thể đặt mâm cơm được nên các chiến sĩ cứ phải đứng bưng mâm như thế.

Thuyền phó Nguyễn Thế Kỳ nói thêm, những đợt tàu đi vào dịp tháng 11, tháng 12 tết như thế này, sóng cấp 7, cấp 8 thì thủy thủ cũng say. Tuy nhiên dù say đến lả người nhưng các thủy thủ vẫn phải lái tàu. Có lúc sóng to tàu bị đứt neo, rơi neo..., rồi khi cẩu xuồng đưa đón bộ đội hay đoàn công tác vào đảo rất khó khăn nhưng anh em vẫn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khi đề cập đến chuyện xây dựng gia đình, thuyền phó Nguyễn Thế Kỳ chỉ cười, một nụ cười buồn theo cảm nhận của tôi. Anh tâm sự: “Nên duyên là cái số anh ạ. Như em đây, tuổi đã ngoài băm mà đã có mối tình nào đâu. Em cứ đi biển hết chuyến này đến chuyến khác, thời gian ở biển nhiều hơn ở bờ, gặp nhau chưa kịp quen thì lại đi rồi”. Hai năm qua tôi chưa gặp lại Kỳ, chẳng biết đã có cô gái nào thông cảm, hiểu với nỗi vất vả của Kỳ trong con đường tương lai chưa?

Chúng tôi thấy rằng có thể nghiên cứu chế độ ăn uống của thủy thủ cho hợp lý hơn. Hiện nay chế độ ăn uống của thủy thủ hoàn toàn đảm bảo về dinh dưỡng nhưng cần nghiên cứu khẩu phần ăn theo hướng giảm số lượng và tăng chất lượng, như khẩu phần ăn của phi công. Bởi lao động của thủy thủ là lao động đặc biệt tiêu hao nhiều năng lượng.

Mời bạn đọc tiếp tục tham gia cuộc thi viết “Cảm xúc Trường Sa”. Bài viết tham dự không quá 1.000 chữ dưới dạng những lá thư hay những tâm sự chân thực, gửi gắm, chia sẻ giữa Trường Sa với đất liền cũng như giữa đất liền với Trường Sa.

Bài dự thi gửi về email: truongsa@tuoitre.com.vn hoặc địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, xin ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi “Cảm xúc Trường Sa”.

NGUYỄN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên