Phóng to |
Theo truyền thuyết, xưa kia có một bộ tộc rủ nhau đi tìm vùng đất mới để dựng buôn làng, họ dừng chân lập nghiệp, tìm kiếm cái ăn, nước uống tại dòng nước này.
“Đất lành chim đậu”, tạo hóa không vô tình đã đùm bọc họ, dân làng ngày càng trở nên giàu có. Họ sinh con đàn cháu đống và dân làng đặt tên dòng nước này là dòng Krông Kmar. Cứ thế trải qua bao biến thiên của trời đất và Krông Kmar trở thành dòng thác xinh đẹp như ngày nay.
Không bắt nguồn từ sông Sêrêpốk như những ngọn thác khác ở Tây nguyên, cũng không hoành tráng như những ngọn thác của Đắk Lắk như Dray Sap, Dray Nur, Gia Long, nhưng thác nước này vẫn mang một nét đẹp hoang dã bởi nép mình dưới dãy Chư Yang Sin vươn dài giữa những cánh rừng xanh thẳm.
Bắt nguồn từ đỉnh cao nhất của dãy Chư Yang Sin được mệnh danh là mái nhà của Tây nguyên, dòng Krông Kmar đổ xuống chân núi từ đỉnh núi cao chót vót gần 2.500m, tạo thành thác Krông Kmar mang dáng vẻ hoang sơ, thơ mộng mà ai đã một lần đến đây hẳn sẽ không thể nào quên.
Ở phía đầu nguồn, từ trên đỉnh Chư Yang Sin, dòng nước tuôn tràn xuống tạo thành những bậc thác nối tiếp nhau. Dòng nước của Krông Kmar đổ xuống các bậc đá tung bọt trắng xóa, tạo nên một dây chuyền âm thanh ầm ào vang động cả khu rừng nguyên sinh. Cạnh những cột nước của thác có rất nhiều tảng đá to và phẳng như mặt bàn để du khách dừng chân ngắm cảnh. Từ đây những ai thích khám phá phong cảnh núi rừng có thể đi bộ theo dòng thác ngược về hướng thượng nguồn và sẽ lên đến nơi bắt đầu của dòng Krông Kmar.
Bạn sẽ rất ngỡ ngàng khi không ngờ rằng ở trên non cao của dãy Chư Yang Sin lại có một hồ nước rộng xanh trong và sâu hàng chục mét nằm giữa một rừng thông quanh năm vi vu khúc nhạc hòa cùng tiếng hót thánh thót của nhiều loại chim rừng. Khác với phía dưới luôn ào ào thác đổ, ở đây rất yên vắng, gần gũi với những ai muốn đi tìm cho mình một khung cảnh tĩnh mịch và yên lặng giữa thiên nhiên hoang dã.
Khách đường xa dừng chân thưởng lãm cảnh thác êm ả tuôn đổ giữa rừng không khỏi ồ lên thích thú. Công sức đi từ Buôn Ma Thuột theo quốc lộ 27 và tỉnh lộ 12 để đến được Krông Kmar xem như không uổng phí.
Chiều cuối tuần, dòng thác ngái ngủ như bừng tỉnh khi đoàn khách du lịch ríu rít kéo nhau lần theo từng bậc đá len lỏi trong làn nước trong xanh. Đứng trên phiến đá rộng phẳng lỳ nhìn về phía xa xa sẽ thấy mây trắng lững lờ ôm ngang núi.
Điều chưa hài lòng của du khách khi tìm đến thác Krông Kmar là tuyến giao thông dẫn vào thác trên tỉnh lộ 12 quá chật hẹp và nhiều “ổ voi” rất khó đi.
Một người dân địa phương cho biết ngày xưa khi chưa có trạm thủy điện (xây dựng vào tháng 5-2003, đến tháng 5-2008 đưa vào hoạt động), cảnh thác Krông Kmar đẹp hoang sơ hơn bây giờ nhiều.
Nhà máy thủy điện Krông Kmar do Tổng công ty Sông Đà đầu tư xây dựng có công suất 12.000kW, vốn đầu tư 250 tỉ đồng, hằng năm bổ sung cho lưới điện quốc gia khoảng 53 triệu kWh điện. Với những người chưa từng được ngắm dòng thác khi chưa có công trình thủy điện, họ vẫn thích thú với nét đẹp thiên nhiên mà công trình thủy điện đã chạm đến.
Nếu du khách muốn có thể leo bộ chinh phục đỉnh Chư Yang Sin. Theo những người dân nơi đây, đã có những đoàn khách balô mải miết leo lên đến đỉnh gần như cao nhất của dãy núi này ở độ cao 2.405m, còn đỉnh cao nhất 2.442m hầu như không ai chinh phục nổi vì không có đường lên.
Cả một khu vườn rừng quốc gia Chư Yang Sin rộng gần 60.000ha trải mình trên dãy núi cùng tên chứa bao điều kỳ bí cùng hàng trăm loài cây rừng, động vật quý hiếm mà không mấy người may mắn được khám phá. Càng lên cao, du khách sẽ càng khám phá nhiều cảnh đẹp ngoạn mục với suối trong veo, thác hùng vĩ, hoa rừng xinh tươi bạt ngàn, chim chóc hót vang...
Áo Trắng số 4 ra ngày 01/03/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận