Phóng to |
Đến “làng trâu”
Những ngày đầu năm Kỷ sửu này, chúng tôi đã có dịp chứng kiến hàng chục chú trâu gặm cỏ trên những cánh đồng, cách TP.HCM hơn 30 cây số. Đi dọc theo quốc lộ 1 từ TP.HCM qua TP. Biên Hòa đến ấp Vàm, xã Thiên Tân, Vĩnh Cửu, Đồng Nai, men theo con đường nhựa, bạn sẽ thấy những cánh đồng lúa chín vàng ươm, một cảnh tượng rất thú vị mà không phải dễ gì gặp được tại những thành phố đầy nhộn nhịp.
Từ sáng sớm, từng đàn trâu nhộn nhịp kéo ra những cánh đồng mới gặt hay những đám cỏ xanh rì dọc theo hai bên đường tĩnh lộ tung tăng gặm cỏ, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên với cảnh tượng lạ mắt này, vì có những lúc những đàn trâu tập trung lại có thể lên đến gần 100 con.
Sau mùa gặt, những nhánh lúa non mọc lại trên thân những gốc rạ tươi rói trải dài khắp đó đây. Màu xanh của lúa, cỏ cây trộn lẫn màu vàng tươi của rạ, màu xám bạc của những trụ điện cao thế phía xa xa… Nhưng nổi bật nhất là những khối màu đen, khi chụm lại, lúc tách ra, lồng lên xồng xộc. Chúng là một đàn trâu đang nghịch ngợm nô đùa trong ánh nắng chiều hôm…
Phóng to |
Người dân chuẩn bị rơm từ ngoài đồng chở về nhà để buổi tối trâu ăn |
Bác Nguyễn Văn Hùng cho biết, tại xã Thiện Tân này, hộ nuôi nhiều nhất chừng 30 mươi con, hộ nuôi ít cũng được gần chục con. Trước kia mọi người nuôi rất đông nhưng vài ba năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, giờ đây cả xã cũng chỉ còn chưa tới chục hộ nuôi trâu. Mùa Tết này, vẫn là thời gian chăn trâu thảnh thơi nhất. Vì những cánh đồng đã gặt xong, trâu tha hồ mà gặm cỏ, mặc sức chăn thả mà không lo đến các chủ ruộng.
Những kỉ niệm đi chăn trâu
Lân la làm quen, chúng tôi theo chân các bạn nơi này ra đồng coi trâu. Điều đặc biệt là trâu nuôi ở đây được thả lan - nghĩa là ngoài sợi dây lồng qua mũi, vòng qua 2 bên má và buộc sau gáy; không còn sợi dây nào khác để nối từ trâu đến người. Chính vì vậy, trâu đi đâu, người theo đến đó, lội hết đám ruộng này qua đám ruộng khác.
Nuôi trâu có lẽ vất vả nhất là gặp mùa lúa! Trâu rất mê món này, sơ sẩy một chút là hắn đưa chiếc lưỡi dài thoòng ra quơ lấy quơ để cho bỏ thèm. Nhiều bé mục đồng đã bị hàng xóm mắng vốn ba mẹ vì đã để trâu ăn lúa như vậy.
Rồi mùa lũ về, những nhà nuôi trâu còn phải lùa chúng đi tìm nơi đất cao để tránh nước. Đó là chưa kể những tháng đầu mùa mưa, khi ấy trâu rất sung, ra đồng chúng rượt nhau chém lộn tưng bừng, báo hại nhiều bạn vừa rượt theo chúng vừa la làng…
Phóng to |
Trâu “thư giản” bên cánh đồng và hồ nước sau một ngày gặm cỏ |
Bắt chước các bạn, tôi cũng bạo gan mon men đến gần một anh chàng trâu lực lưỡng. Thấy tôi, như để cảnh giác với người lạ, hắn khì một tiếng thật to và nhảy dựng về sau, mặt mày xanh mét và càng tiếc hơn khi nhìn các bạn long nhong trên lưng trâu vượt sông, và thong dong cưỡi chúng về chuồng trong ánh nắng chiều chập choạng!
Ai bảo chăn trâu là khổ - Chăn trâu sướng lắm chứ...; câu hát xa xưa chợt ập về! Mai này trên đường phát triển công nghiệp hóa, hình ảnh những mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu trong buổi chiều tà với tiếng sáo diều vi vu có lẽ chỉ còn ở những vùng quê xa, ở các trang trại nuôi trâu tập trung hoặc sẽ trở thành cổ tích - một cổ tích với những hình ảnh đẹp lay động lòng người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận