10/02/2011 15:00 GMT+7

Tết ở nơi không có ngày tết

LÊ THỊ THANH CHUNG (New York, Mỹ)
LÊ THỊ THANH CHUNG (New York, Mỹ)

TTO - Năm nay trái đất lạnh hơn mọi năm. Từ đầu mùa đông, đã hai lần các trường học và công sở ở New York phải đóng cửa vì bão tuyết. Tuyết dồn thành từng đụn cao ngất hai bên hè phố. Đợt tuyết này chưa tan đã có đợt khác phủ lên lớp tuyết mới. Mái nhà, cây cối trắng xóa như xứ sở của ông già Noel.

HhEOR4l7.jpgPhóng to
Tiếng rao đêm gợi nhớ quê nhà của người xa xứ - Ảnh minh họa internet

Sau trận mưa đá kéo dài suốt đêm, sáng ba mươi tết, tuyết đóng băng, buông lửng lơ trước mái hiên như những đường viền trang trí bằng thủy tinh. Lối đi phủ một lớp băng trơn trượt. Tết không trùng vào dịp nghỉ cuối tuần nên mình vẫn phải dò dẫm ra đợi xe buýt đi làm. Phút giao thừa phía bờ Đông, chạnh lòng như cô Tấm phải ở nhà nhặt thóc, không được đi trảy hội.

Mùng một tết, nhiệt độ hạ xuống âm 4-5 độ C. Lớp băng trên cùng rạn ra như những hạt pha lê. Lung linh, lấp lánh. Tuyết dưới chân nghe lạo xạo như đi trên sỏi. Ngày đầu năm, nắng đẹp trời xanh. Bỗng mong manh hy vọng, cả năm sẽ mưa thuận gió hòa.

Tết năm nay không trùng vào ngày cuối tuần nên phái đoàn ngoại giao đã tổ chức cho bà con đón xuân từ chiều hai sáu. Đặc biệt năm nay có các nghệ sĩ trong nước sang biểu diễn. Liên hoan tết ở phái đoàn năm nào cũng có bánh chưng, chả giò, nộm su hào, gà luộc, thịt bò, bánh cuốn… Nghe nói các chị phụ nữ trong phái đoàn đã thức gần hết đêm để cuốn và rán chả giò để phục vụ gần một ngàn thực khách.

************************

Tính cả năm nay thì mình đã có tám năm đón Tết xa nhà. Tám năm chưa đủ dài để thôi không còn rưng rưng mỗi khi nghe câu hát “quá nửa đời phiêu dạt…”. Nửa vòng trái đất chưa đủ xa để ký ức tiếng rao đêm giữa lòng Hà Nội đôi lúc vẫn dội về. Nhớ thuở lên chín, mười, những ngày đông giá, mấy chị em ước ao có đủ tiền để mua một lon hạt dẻ nóng, hoặc một rá ngô rang bọc trong giấy báo, chui trong chăn nghe kể chuyện ma. Nhớ chị bán sắn rong, nằn nì mấy mẹ con mua thêm một vài lạng để kịp về chuẩn bị cho chuyến hàng buổi sớm…

Nhưng tám năm cũng vừa đủ xa để cho cả kẻ ở, người đi cùng trở nên độ lượng; đủ để cảm nhận nỗi niềm của nhà thơ Chế Lan Viên khi viết: “Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”; đủ để sau gần một ngày bay, giang rộng chân tay trên chiếc giường ở xứ người mà hít hà mùi thơm tho của chăn đệm rồi thốt lên “nhà mình”.

Anh bạn nhà văn nghe mình nói “tám năm” thì khuyên: “Cố gắng làm thêm vài năm nữa rồi về. Ở bên ấy quá lâu, em sẽ thành “á Tây, á Ta” - nghĩa là “pêđê nguồn cội”. Khái niệm “pêđê” anh nhắc đến chính là cảm giác bâng khuâng mỗi lần ra sân bay, chẳng biết nên gọi là “đi” hay “về”; là thấy mình chênh vênh, ngoài rìa giống như khách trọ. Nơi nào cũng nhà, mà chốn nào cũng như chỉ dừng chân…

Chị sếp cũ của mình từng là Vụ phó trong một cơ quan Liên Hiệp quốc. Lúc nhỏ chị đi học trường Tây. Mười chín tuổi sang du học ở Pháp. Sau khi nghỉ hưu, năm nào chị cũng về Hà Nội từ cuối tháng mười hai. Thuê khách sạn mini trong khu phố cổ chỉ để được “chìm đi” trong hương vị tết. Chị gọi đấy là cách cảm nhận “cội nguồn” của mình bằng mọi giác quan.

Cội nguồn ký ức như dòng chảy bắt đầu từ ngày mẹ sinh. Dòng chảy đó giúp cả đàn hàng triệu con cá hồi, sau ba năm vùng vẫy ngoài biển khơi, tìm về đầu nguồn con sông nơi mình được nở ra từ trứng. Lao mình vào đá để làm tròn nghĩa vụ duy trì nòi giống và… chết. Dòng chảy gọi “cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Và với mình, như nhà thơ Nguyễn Duy từng viết: “Dòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về”.

LÊ THỊ THANH CHUNG (New York, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên