Đó là giấc mơ có nhà của nữ lực sĩ Mỹ Linh - người có tiền thưởng thuộc hàng “đỉnh” của thể thao VN với 400 triệu đồng. Không giàu về vật chất nhưng đối với hai HLV Nguyễn Thị Nụ, Vũ Thị Huệ - họ đang hướng đến một cái tết ngọt ngào sau những ngày hứng chịu bất công mà Tuổi Trẻ từng phản ánh. Và đây là câu chuyện của họ.
Phóng to |
HLV Nguyễn Thị Nụ (giữa) hướng dẫn các VĐV trẻ của Hà Nội tập luyện - Ảnh: Nguyễn Khánh |
“Nhà vô địch SEA Games đi nhổ cỏ”, “HLV bóng chuyền đi quét rác”, đó là những bài viết nhận được hàng trăm ý kiến của độc giả gửi đến trang thể thao báo Tuổi Trẻ năm 2011. Sau những bài viết trên Tuổi Trẻ, cuộc sống của người nhổ cỏ - HLV NguyễnThị Nụ và người đi quét rác - HLV bóng chuyền Vũ Thị Huệ đã thay đổi rất nhiều.
Giờ đây chị Nụ, chị Huệ đã có công việc mới phù hợp với năng lực của mình. Tết năm nay có lẽ là cái tết vui nhất, đầm ấm nhất của chị Nụ, chị Huệ từ trước đến nay.
Chỉ mong tết để được nấu nướng với mẹ
Năm 2011, sau khi báo Tuổi Trẻ viết bài phản ánh nhà vô địch SEA Games môn điền kinh Nguyễn Thị Nụ phải đi nhổ cỏ, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội đã vào cuộc kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ bộ môn điền kinh. Sau đó, chị Nụ được phân công làm HLV đội điền kinh trẻ Hà Nội, đúng với chuyên môn chị đã theo đuổi nhiều năm qua.
Vừa theo học năm 3 tại Trường đại học TDTT Từ Sơn, Bắc Ninh, hằng ngày Nụ ra sân hướng dẫn các VĐV trẻ của Hà Nội tập luyện. Bốn lần phẫu thuật gối khiến đôi chân của Nụ không thể chạy nhanh như xưa, nhưng mỗi ngày được ra sân, được làm việc với niềm đam mê của mình là điều chị hạnh phúc nhất.
Sinh ra trong gia đình có ba anh em tại xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội, từ nhỏ Nụ đã quen với lấm lem của ruộng đồng. Lớn lên, Nụ đã theo chị gái lên Hà Nội tập điền kinh và mười mấy năm nay là những cái tết vội vàng, xa nhà đi tập huấn, thi đấu. Tết với Nụ vẫn là những kỷ niệm thật đẹp, thật vui về cảnh cả nhà mổ lợn, gói bánh chưng... 27 tuổi, Nụ không còn trẻ để mơ về những chiều 30 tết cả nhà quây quần bên mâm cơm và bọn trẻ được nhận lì xì, nhưng cũng như mọi năm chị chỉ mong tết để được vào bếp nấu nướng với mẹ.
Nụ bảo: “Nhìn mình thế này ai cũng tưởng chỉ biết chạy với nhảy nhưng mình là người mê nấu ăn từ nhỏ. Thích nấu ăn nên tết đến bao giờ tôi cũng xắn tay vào bếp với mẹ. Gói bánh chưng, nấu măng gà, thịt đông, làm nem... cái gì tôi cũng nấu được. Dù đã lớn nhưng vẫn thích nhất cảm giác chiều 30 tết cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên. Nhưng thích nhất là đến giờ bố mẹ vẫn lì xì cho tôi”.
Nói về những sóng gió đã qua, Nụ bảo chưa bao giờ hối hận vì chuyện bị phân công đi nhổ cỏ được đưa lên mặt báo. “Thật may có báo chí lên tiếng nên Nụ mới không phải đi nhổ cỏ và được phân công việc phù hợp với chuyên môn của mình. Bao uất ức, căng thẳng, lo lắng đều bỏ lại sau lưng, mình chỉ mong một năm mới nhiều may mắn cho bản thân, các em VĐV. Năm nay có lẽ sẽ là cái tết vui và ý nghĩa nhất với Nụ” - Nụ chia sẻ.
Hạnh phúc bên chồng con
Chiều 25 tết, nhà HLV bóng chuyền Vũ Thị Huệ (Quảng Ninh) rôm rả hơn ngày thường khi cô con gái lớn 17 tuổi là VĐV bóng chuyền bãi biển quốc gia vừa từ Đà Nẵng về đến nhà ăn tết cùng bố mẹ.
Chồng chị Huệ là công nhân Công ty cổ phần than Núi Béo những ngày này cũng tất bật chuẩn bị tết cho cả nhà. “Bánh chưng ông bà nội gói cho, gà đã có sẵn ngoài vườn, su hào, bắp cải, rau sống, cải xoong... tôi trồng cả vườn nên tết này chẳng phải mua sắm là mấy. Thế nhưng cảm giác thật vui bởi chưa năm nào tôi thấy tết thoải mái thế này sau khi những tủi nhục, uất ức của những tháng ngày tôi đi quét rác đã được đưa ra ánh sáng. Tôi như được gột rửa hết những ấm ức trong lòng. Cuộc sống với tôi đã sang một trang mới với thật nhiều hạnh phúc, niềm vui trong công việc” - chị Huệ nói về cái tết sắp tới của mình.
Là HLV bóng chuyền của Quảng Ninh, chỉ vì chấn thương mà hơn chín tháng trời chị Huệ bị cấp trên phân công đi quét rác. Sự việc những tưởng rơi vào câm lặng khi chị không chia sẻ với ai và quyết định chuyển công tác đến một đơn vị mới. Thế nhưng sự bạc đãi của lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Ninh với chị cuối cùng cũng được phản ánh trên mặt báo Tuổi Trẻ và nhận được hàng trăm ý kiến quan tâm. Được độc giả khắp nơi trên cả nước chia sẻ, những tình cảm đó đã giúp chị Huệ vững vàng, mạnh mẽ hơn trên con đường mình đi.
Chuyển về làm chuyên viên của Trung tâm Văn hóa thể thao TP Hạ Long, chị Huệ được các đồng nghiệp mới sẻ chia và đồng cảm. Những ngày giáp tết chị tất bật lo tết cho cả gia đình và chuẩn bị điều lệ để tổ chức các giải thể thao quần chúng cho thành phố dịp năm mới. “Mồng 3 tết tôi đã phải đi tổ chức giải kéo co, đẩy gậy ở Hạ Long rồi. Dù phải đi làm sớm nhưng vui vì được làm đúng công việc của mình” - chị Huệ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận