Phóng to |
Nhà thơ Tế Hanh (ngồi, bìa phải) cùng 2 em trai và em dâu |
Nhiều năm rồi bị đau nặng phải nằm một chỗ, không về thăm quê nhưng thông tin về ông vẫn thường xuyên đến với người làng. Khi nghe ông mất, dường như ai cũng thấy trống vắng. Bà Trần Thị A, em họ của nhà thơ, khi nghe điện thoại từ Hà Nội báo tin ông mất, vội lật đật chạy sang ngôi nhà xưa - nơi Tế Hanh cất tiếng khóc chào đời, nay là nhà thờ cụ thân sinh của nhà thơ - để thắp một nén nhang báo với tiên linh. Rồi sau đó bà đi báo với bà con, với chính quyền. Bà kể: "Biết ảnh đi không đột ngột, nhưng trong lòng mình cũng trống trải”.
Phóng to |
Ông Trần Út (86 tuổi) cùng ông Nguyễn Văn Vàng (74 tuổi) - người làng Đông Yên - kể chuyện về nhà thơ Tế Hanh |
Thôn Đông Yên và cả xã Bình Dương như một cù lao nằm sâu trong đất liền ba bên bốn bề tiếp giáp với sông nước.Thời chống Pháp, chưa đắp bờ đập ngăn sông nên mùa hạ về khi thủy triều xuống, lòng sông trong vắt như gương. Mờ sáng đã nghe tiếng mái chèo khua, tiếng gọi nhau í ới của người làng trên những chiếc thuyền đi đánh cá vào cửa biển Sa Cần rồi ngược sông trở về.
Bên dòng sông là những rặng tre xanh ngút ngàn mà người làng trồng để chống xói lở. Mùa hạ về, sông in bóng bờ tre xanh và Tế Hanh cùng ông Út và nhiều đứa trẻ trong làng kéo nhau ra sông tắm.
Cũng chính vì sinh ra ở một vùng quê yên bình, trong một gia đình có nền nếp, sống chan hòa với người làng nên trong tâm thức của Tế Hanh luôn gắn bó với quê nhà với dòng sông quê. Thời xa quê đi học, ông đã viết bài thơ Quê hương, hay trong những năm đất nước bị chia cắt ông lại viết bài thơ Nhớ con sông quê hương với lời thơ ngọt ngào tha thiết đến như vậy.
Phóng to |
Ngôi nhà xưa, mảnh vườn xưa mà Tế Hanh cất tiếng khóc chào đời bây giờ đang được tu sửa nhưng thi sĩ chẳng bao giờ có thể về thăm được nữa |
Tế Hanh là con cả trong gia đình có 6 anh em, bà con thường gọi ông là “anh Hai Phố” . Gần gũi, quen thuộc, gắn bó với người làng nên mặc dù nổi tiếng trên thi đàn, khi trở về quê nhà, ông bao giờ cũng là đứa con yêu, là người chú người anh, bạn bè đồng lứa. Ông Trần Út kể: “Mỗi lần về thăm quê, Tế Hanh chẳng bao giờ nói đến chuyện văn chương chữ nghĩa mà thường “dạo khắp làng” (bài thơ Lời của con đường của Tế Hanh - PV) để thắp hương cho những người thân đã khuất, thăm trường cũ Đông Yên mà thuở thiếu thời ông đi học, hỏi thăm bà con chài lưới cuộc sống có khá hơn không...
Ông hỏi thăm cả những người mà tưởng như một người sống xa nhà, đi nhiều như ông có khi chẳng nhớ là anh X bị điên, bà Y nghèo khó phải đi ăn xin nay có còn sống hay không? Cũng chính vì vậy nên trong thơ ông có những câu chân thật: “Tôi nhớ cả những người không quen biết".
Mỗi lần về quê, trong túi vải của ông thường có những đồng tiền lẻ, gặp trẻ con ông cho chúng để “các cháu mua quà”. Cũng nhiều lần người làng bắt gặp thi sĩ đứng ngắm dòng sông quê - sống lại ký ức tuổi thơ của mình.
Phóng to |
Trường làng Đông Yên - thiếu thời Tế Hanh đi học - giờ đã được tu sửa, nâng cấp |
Thời còn đi học rồi làm thầy giáo ở Trường trung học bình dân miền Nam Trung bộ, gia đình khá giả, có người hỏi ông: "Lập gia đình cha mẹ cho có nhiều không?". Tế Hanh cười, nói “Cha mẹ cho học đến tú tài là cho tài sản rồi mà”. Đi học rồi đi theo kháng chiến, Tế Hanh càng có điều kiện tiếp xúc với nhiều người nhưng giọng nói mang rặc hơi hướm quê nhà của ông không hề thay đổi.
Tuy làm thơ với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng bao giờ ông cũng viết về quê hương theo một tình cảm hết sức tự nhiên, lai láng. Ông Nguyễn Văn Vàng, 74 tuổi, bạn cùng trang lứa với giáo sư Thế Bảo - em ruột của nhà thơ Tế Hanh - đưa chúng tôi đến ngôi nhà xưa, mảnh vườn xưa mà Tế Hanh cất tiếng khóc chào đời. Ngôi nhà rường cổ kính được anh em của nhà thơ trùng tu để thờ phụng ông bà cha mẹ. Sau khi thắp nén hương trên bàn thờ, ông Vàng kể: "Đau ốm đã nhiều năm và không về thăm quê, nhưng nghe chuyện tu sửa nhà, Hai Phố không nói nhưng mắt ánh lên niềm vui...”.
Ngôi nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng Tế Hanh chẳng bao giờ có thể trở về làng, thăm ngôi nhà xưa, thăm mảnh vườn xưa. Và câu thơ: “Hai ta ở hai đầu công tác. Có bao giờ trở lại vườn xưa” (trích bài Vườn xưa - Tế Hanh) bây giờ chỉ còn là nỗi nhớ mênh mông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận