TT - Để đứng vững trong tốp 10 thế giới cùng số tiền tài trợ khoảng 90 triệu đồng/ tháng, Tiến Minh cho biết anh chịu rất nhiều sức ép từ chuyện thi đấu đến việc phải đau đầu tính toán chi tiêu.
* Hiện nay ngoài 50 triệu đồng/tháng tài trợ từ Công ty Becamex IDC (nếu nằm trong tốp 10 thế giới), anh còn có hợp đồng với Công ty Victor 2.000 USD/tháng. Anh có hài lòng với điều này?
- Dĩ nhiên tôi vui khi có được nhiều tiền bằng công sức của mình. Nhưng để có được điều đó, hiện tôi đang bị một áp lực rất lớn từ tinh thần đến cả chuyện phải bỏ tiền dự các giải đấu trong hệ thống Super Series nhằm đảm bảo có mặt trong tốp 10 thế giới. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay tôi đã tham dự hai giải đấu ở Malaysia và Giải toàn Anh với chi phí khoảng 3.000 USD/giải. Tháng 4 tới đây, tôi tiếp tục tham dự Giải Úc Grand Prix Gold với tư cách đương kim vô địch.
* Chi tiêu của anh ở các giải đấu thế nào?
- Thử làm một thống kê thế này: vào tứ kết Giải toàn Anh vừa qua tôi nhận 2.100 USD. Sau khi trừ thuế, tiền thưởng này chỉ đủ cho tôi mua vé máy bay khứ hồi. Vì vậy, tôi rất dè sẻn trong chi tiêu. Chẳng hạn khi thuê phòng, tôi chỉ thuê loại rẻ nhất và phải gần nơi thi đấu để đảm bảo sức khỏe. Việc tiết kiệm chi phí khiến tôi gặp không ít khó khăn trong tập luyện và mỗi khi khởi động trước trận đấu.
Cụ thể dù là tay vợt hạt giống của giải nhưng để có người tập với mình, tôi phải lân la hết sân này đến sân khác xin “tập ké”. Ở Giải toàn Anh vừa qua, sau khi năn nỉ muốn “gãy lưỡi” ở trận đầu tôi được VĐV Ấn Độ làm “quân xanh”. Sang trận thứ hai tôi được một VĐV Indonesia giúp và đến trận thứ ba chuẩn bị vào tứ kết gặp Lin Dan, thấy thương cho tôi nên hai tay vợt nữ người Đài Loan đã tập chung.
* Ở Giải Úc Grand Prix Gold vào đầu tháng 4 tới, anh đã chuẩn bị thế nào để bảo vệ danh hiệu vô địch của mình?
- Ở giải này tôi được chọn làm hạt giống số 2. Hiện nay, nỗi lo lớn nhất của tôi là không có người hỗ trợ tập luyện cũng như không có người chăm sóc hồi phục thể lực - điều sẽ dẫn đến việc không đảm bảo thể lực thi đấu.
* Có ý kiến cho rằng đã đến lúc anh cần phải có người quản lý để đứng ra lo liệu những vấn đề khác nhằm giúp anh toàn tâm toàn ý đầu tư cho chuyên môn?
- Nếu được như vậy thì quá hay nhưng trong điều kiện hiện nay, chuyện có được một đội ngũ từ người quản lý, HLV chuyên môn, HLV thể lực... như các tay vợt khác trên thế giới với tôi chỉ là một giấc mơ.
TRUNG DÂN
Theo bà Huỳnh Ngọc Liên - phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM, trên thế giới hiện nay Tiến Minh là một trong những tay vợt phải một mình lo tất cả mọi việc từ thi đấu đến những công việc không tên khác... Cách đây hai năm, khi Tiến Minh bị rơi khỏi danh sách tham dự một giải đấu quan trọng do thủ tục, liên đoàn đã đặt ra vấn đề Tiến Minh phải có một người quản lý. Nhưng đến nay ý tưởng này vẫn chưa thành hiện thực. Qua tham khảo một số tay vợt đẳng cấp thế giới, khi có người quản lý các tay vợt chỉ tập trung thi đấu mà không bị sức ép lớn từ phía nhà tài trợ cũng như lo thủ tục tham dự giải. Điều này giúp họ thảnh thơi khi bước vào giải đấu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận