26/02/2011 15:20 GMT+7

Tay trong tay

 PHẠM THANH THÚY(K12 ĐHVH Hà Nội)
 PHẠM THANH THÚY(K12 ĐHVH Hà Nội)

AT - Nhà cũ của gia đình tôi nằm bên một con đường lớn. Đấy là bây giờ, ngày xưa, nó nhỏ thôi và có hai hàng cây phượng vĩ. Ông nội tôi kể ngày xưa khi đến dựng nhà ở đó, ông đã dạy ba tôi trồng và chăm sóc hai hàng cây phượng, mong sau này lớn lên chúng sẽ cho bóng mát và hoa đỏ.

w9Bf7Ntu.jpgPhóng to

Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh

Ông tôi lãng mạn, và còn nghe bà nội trêu rằng sở dĩ ông trồng phượng vì một mối tình không thành của ông tên là Phượng, chứ bóng mát nỗi gì cái thứ cây lá nhỏ li ti đó. Ông chỉ cười. Bà mất rồi, ông mới bảo thật ra người ngày xưa bà thương mà không lấy được mới tên là Phượng. Câu chuyện đó tôi nhớ hoài suốt cả tuổi thơ.

Năm tôi mười sáu tuổi, con lộ được mở rộng hơn trước rất nhiều. May là nó được mở rộng phía bên kia đường nên những cây phượng bên này không bị chặt bỏ. Năm mười sáu tuổi, tôi thường ngồi rất lâu bên cửa sổ căn buồng và viết những câu thơ đầu tiên về hạnh phúc: “Có ai cầm tay em đi qua mùa xuân/ Anh ở đầu bên kia tình yêu và nỗi nhớ…”.

... Tôi thường thức giấc vào lúc nửa đêm khi mẹ tan ca. Mẹ luôn ngồi bên giường, luồn bàn tay vào cái lưng nóng ấm của tôi và Giang. Bằng cách đó, mẹ gọi chúng tôi dậy và chị em tôi thậm chí còn chưa hết ngái ngủ, ngấu nghiến nhai hai nửa chiếc bánh mì nóng hổi mẹ đi làm về mua ở quán khuya nhà bà Nghinh góc phố. Bàn tay mẹ thô cứng như tay một người đàn ông. Khi ông nội còn sống, ông thường bảo mẹ tôi có số vất vả. Bàn tay như tay đàn ông thế là phải lo gánh vác gia đình. Bấy giờ hẳn ông nội không hề mong muốn điều đó thật sự xảy ra.

Nhưng điều ông nói đã xảy ra. Tôi càng nhớ lời ông sâu sắc hơn bao giờ hết trong cái đêm mùa đông khi ba tôi đã ra đi. Con đường nhỏ dài hun hút và thẫm đen như họng một con vật khổng lồ há sẵn và sẵn sàng nuốt chửng bất kỳ ai đi lọt. Bàn tay thô cứng của mẹ nắm chặt bàn tay của hai chị em tôi dắt đi như vô định.

Trên con đường đen thẫm đó, mẹ không nói một lời nào, tôi cũng sợ đến nỗi không thể nói một lời nào, nhưng không biết sức mạnh nào đã khiến tôi không khóc. Chúng tôi đến một cây cầu bắc ngang một dòng sông nhỏ chảy qua thị trấn. Mẹ cứ nắm chặt tay hai chị em tôi và đứng lặng im trên cầu, dưới chân cầu, dòng sông êm đềm và vô tư chảy.

“Nếu bây giờ mẹ con mình cùng nhảy xuống sông kia, các con có sợ không?”

“Không. Con không sợ đâu mẹ ạ.”

Tiếng Giang rắn rỏi đáp lại lời mẹ, như là em ấy không biết rằng nếu nhảy xuống sông là kết thúc cuộc đời.

Những cơn gió lạnh buốt vù vù thổi. Dòng sông câm lặng và tuồng như đón đợi. Một chiếc xe máy với ánh đèn loang loáng chầm chậm lướt qua. Từ ánh sáng vụt trôi nhanh đó, khuôn mặt gầy guộc của mẹ tôi lặng phắc và loáng ướt. Bàn tay mẹ vẫn siết chặt tay tôi. Như thể nếu đứng hết đêm thì cả ba mẹ con sẽ hóa đá, sẽ là chứng nhân vĩnh viễn kể tội phụ tình của cha tôi.

Sau này, kỳ lạ là tôi, mẹ và Giang, không một ai nhắc đến cái đêm mùa đông trên cầu đó mà tôi biết nó vẫn vẹn nguyên trong ký ức mỗi người.

Không lâu sau, mẹ bán ngôi nhà cũ và đưa chị em tôi đến một miền đất khác. Ngày chia tay trên bến xe, bọn bạn tôi có đứa khóc như thể tạm biệt nghĩa là không bao giờ gặp lại. Biết bao lời nhắn nhủ, biết bao nỗi nhớ thương, chỉ có Quang im lặng. Tôi sắp lên xe, Quang tiến đến bắt tay tôi sau cùng, như một người bạn: “Chúc cậu lên đường may mắn”.

Tôi ngồi bên cửa sổ xe và nhìn vạn vật vùn vụt trôi qua. Mảnh giấy Quang trao khi bắt tay như có lửa: “Mình sẽ không bao giờ quên cậu.”

Khi đó tôi mới nhận ra mình đã nhớ Quang biết nhường nào. Tôi là một người luôn luôn lỡ chuyến.

Thật vậy. Bạn cứ thử hình dung mình đợi một chuyến xe đã lâu nhưng rồi bạn lại để nó đi qua mất, bạn đã đuổi theo nhưng xe không dừng lại. Lúc đó bạn sẽ thấm thía thế nào là cảm giác của người bỏ lỡ cơ hội quý giá mà không cách nào cứu vãn được… Thường khi tôi bắt đầu nhớ một người nào đó, cũng là lúc họ bắt đầu quên tôi mất rồi.

Ngôi nhà mới nhỏ nhắn, có một mảnh vườn xinh xinh, nằm êm đềm cuối con ngõ nhỏ trong một thành phố cũng rất êm đềm. Chủ trước của ngôi nhà trồng rất nhiều hoa loa kèn màu đỏ. Tháng tư, hoa nở đỏ rực cả khu vườn. Năm tôi 20 tuổi, ngồi trong nhà đan khăn len cho mùa đông, nghe lũ bạn của Giang tranh cãi xem hoa loa kèn nở mùa nào trong năm. Chúng tranh cãi đến nỗi ông cụ nhà hàng xóm phải đứng bên kia bờ giậu bảo: “Hoa loa kèn nở quanh năm các cháu ạ.”

Bọn bạn Giang lại kháo nhau: Hẳn chủ cũ của ngôi nhà chúng tôi đang sống phải nặng ân tình lắm với loài hoa đó nên mới trồng nhiều thế trong vườn. Tôi lại nhớ đến ông bà nội với những mối tình không thành và những cây phượng đỏ. Năm tôi 20 tuổi, một hôm trở lại thành phố cũ, thấy con lộ lớn bây giờ có những chuyến xe buýt chạy qua. Một bến chờ xe buýt được đặt ngay gần ngôi nhà của tôi trước kia.

Ngày đông, trời đổ mưa rả rích. Những chuyến xe đến và đi mang theo những chiếc lá phượng vàng nhỏ xíu đậu trên mặt kính. Tôi như thấy ông bà nội tôi đi bên nhau bình yên, dưới lá phượng bay. Chợt thấy mong manh quá tình yêu. Tại sao có những thứ mất đi mới mãi là điều nuối tiếc?

Mẹ thường không hài lòng về tôi và vẫn bảo: “Sao mày không trông con Giang mà học hỏi? Con gái gì mà…”. Tôi chẳng biết nói gì để thanh minh cho mình. Ngoài 20 tuổi, gia tài của tôi chỉ có những nỗi buồn không tên và những cuộn len đủ màu sắc mùa đông nào tôi cũng chăm chỉ biến chúng thành những chiếc khăn, mũ, tất tay mà chẳng bao giờ dùng đến. Những thứ đó mỗi năm lại lớn thêm một chút, to ra một chút. Phần lớn trong số đó Giang giành mang tặng lũ bạn vô tư của Giang, đôi khi cho cả ai đó nữa.

Thi thoảng tôi hay có những ý nghĩ lạ lùng. Ví dụ như mỗi khi nhớ đến ba là tôi lại tự hỏi : Không biết bây giờ thằng Việt đang làm gì nhỉ?

Thằng Việt một vài lần trong năm được ba đưa đến thăm mẹ con tôi ở ngôi nhà mới. Nó thân với Giang, và Giang cũng thân với nó như chưa bao giờ biết vì nó mà gia đình nhỏ của chúng tôi tan vỡ. Thằng Việt thường tìm cách tránh tiếp xúc với tôi, nhưng nó lại hay nhìn trộm tôi, nhất là khi tôi tan sở trở về với công việc đan len. Nó có vẻ say mê với những mũi kim đan của tôi cùng những cuộn len màu.

Đôi khi nó say mê đến nỗi quên cả khoảng cách giữa hai chị em. Những lúc đó nó luôn nhìn tôi với đôi mắt to đầy e ngại. Một lần thằng Việt đến tìm Giang trong khi nó nghĩ không thể gặp tôi ở nhà. Nó diện gần như trọn bộ mũ, khăn và tất tay, mà nhìn qua tôi đã nhận ra chúng do chính tay mình đan. Thằng Việt khi đó hẳn lúng túng vô cùng, suốt bữa cơm nó không dám nhìn tôi một lần nào hết.

Tôi thường nghĩ đến thằng Việt với một nỗi buồn rất lạ. Tôi nhớ nó từng say sưa ngắm những cuộn len màu và những chiếc tất tay của tôi nằm trong giỏ mây đựng bánh kẹo ngày tết đã cũ. Tôi nhớ ánh mắt nó thường ngoái lại đầy nuối tiếc mỗi khi ba tôi dắt tay nó lên những chuyến xe để trở về bên người đàn bà đã sinh ra nó. Tôi không bao giờ để nó biết rằng tôi đã muốn biết bao được cầm đôi bàn tay bé nhỏ của nó để chỉ cách đan như thế nào để trở thành một cái khăn quàng cổ. Tôi đã mong muốn làm sao được cầm đôi bàn tay nhỏ bé đó để áp vào má. Tôi đã không bao giờ cho nó biết là tôi đã thương nó biết bao nhiêu.

Ba tôi mỗi lần cho thằng Việt đến với chúng tôi, đều dành nhiều thời gian tưới nước cho đám hoa loa kèn đỏ trong vườn. Mà hoa loa kèn đỏ thì không cần nhiều nước.

Tôi không một lời trách móc ba chuyện cũ. Cả khi ba xuất hiện tại nơi ở mới của chúng tôi cùng thằng Việt với cớ là cho chị em tôi sống chết phải biết có nhau. Cả khi bất ngờ bắt gặp ba bước ra từ buồng ngủ của mẹ với nét mặt bối rối. Tôi chỉ nghĩ nhiều về khu vườn xoan cũ, ngôi nhà cũ và thành phố cũ, về một tình yêu non trẻ vì thế mà cũng thành tình yêu cũ. Tôi nhớ nhiều hơn đến đêm đông ngày cũ, khi mẹ cầm tay tôi và

Giang đứng khóc trên cầu.

Nhưng đêm đông đó mẹ, tôi và

Giang không ai một lần nào nhắc đến.

Tôi là người ngoài cuộc đối với hai đứa em, một cùng cha cùng mẹ và một cùng cha khác mẹ. Thế cũng tốt, tôi dẫu sao cũng không muốn bận lòng. Thằng Việt có việc gì cũng kêu đến Giang, Giang bận, Giang quát nó: “Sao mày không nhờ chị Nghi đi. Gì cũng tao. Mệt quá!”. Thằng Việt buồn so: “Chị Nghi lạnh lùng, em chẳng làm sao gần được”

Tôi nghe, bỗng nhớ khi xưa từng nhận ra mình là một người luôn lỡ chuyến.

oOo

Bọn bạn cũ ở thành phố cũ của tôi hùn vốn mở một quán cà phê. Hôm khai trương chúng một mực đòi tôi về dự. Tôi trở về thành phố xưa. Chỉ con đường là còn chỗ đó, ngôi nhà xưa không còn, bến chờ xe buýt đã bị nhổ đi, cắm lại ở một chỗ khác hơi xa hơn một chút. Nhưng bên gốc một cây phượng già còn sót lại chính là quán cà phê mới của tụi bạn bây giờ.

Tôi ngồi trong góc quán ngắm phố dài với những cơn mưa lá. Tưởng tượng năm mười sáu tuổi tôi đã ngồi bên cửa sổ nhà mình và viết những câu thơ đầu tiên về hạnh phúc : “Có ai cầm tay em đi qua mùa xuân / Anh ở đầu bên kia tình yêu và nỗi nhớ”. Mới biết khi mười sáu tuổi, tôi không hề nghĩ đó là những câu thơ không hạnh phúc.

Bọn bạn quây lại bảo: “Sao Nghi không tô màu nóng cho tủ quần áo của mình đi?” Rồi chúng nó thở dài, có đứa tỏ ra cảm thông hơn, cầm tay tôi an ủi: “Đã đến lúc Nghi yêu lại và sống cho mình rồi.” Đứa lại quay qua chỉ anh chàng nhạc công đang ôm cây guitar gỗ với Biển nhớ, mênh mang: “Mà lạ. Anh chàng kia sao giống Quang đến thế!”.

“Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về…”

Chàng nhạc công hướng về phía tôi với một cái nhìn vời vợi. Như là Quang đã chết và linh hồn cậu ấy hóa thân vào đôi mắt kia.

Tôi ba mươi tuổi vẫn chưa lấy được chồng. Mẹ thằng Việt đến chơi, kéo mẹ tôi ra một chỗ thì thầm : “Em đi coi bói cho con bé rồi chị ạ. Thầy bảo nó cao số, lại có người âm cưới làm vợ, nên nếu không làm lễ cắt duyên âm thì không lấy được chồng đâu”.

Mẹ tôi trước đó không mê tín, vậy mà khi tôi ba mươi tuổi, trong khi bạn bè tôi ai nấy đã đề huề mà tôi vẫn lẻ loi với một tình yêu đã chết, bà đã phải thở dài: “Vậy làm thế nào hở dì?”

“Chị à. Hôm nay hai bà già đi làm lễ cắt duyên âm cho chị đó. Sắp lấy được chồng rồi. Sướng nhá”.

Tôi quắc mắt với Giang khiến con bé nín thinh. Nhưng kỳ lạ là chính đêm hôm đó tôi đã mơ gặp lại Quang. Từ ngày Quang lấy vợ, tôi không bao giờ mơ thấy cậu ấy. Cứ như thể giữa chúng tôi chưa bao giờ vương vấn một mối tình từ năm mười sáu tuổi. Đêm đó tôi mơ gặp Quang đến chơi cùng một đứa bé trai có vẻ đẹp như tiên đồng. Quang bảo: “Là Phi Long”. Tôi ngỡ ngàng: “Trời ơi. Nhóc đã lớn vầy sao?”. Thằng nhóc nhìn tôi im lặng. Và nó không hề nói một lời cho đến khi tôi tỉnh giấc và những người đã gặp trong giấc mơ biến mất.

Tôi gọi điện thoại cho Quang ngay sáng sớm, trước khi Quang đi làm: “Quang à. Anh vẫn lên chùa thăm Phi Long đấy chứ?”.

Đầu máy bên kia Quang im lặng.

Phi Long chết đã bảy năm. Chết trước khi được sinh ra làm người. Nếu được sinh ra, có thể nó đã là một chú bé xinh đẹp như chú bé tôi đã gặp trong giấc mơ đêm trước. Năm hai mươi ba tuổi, trước khi tôi và Quang định làm đám cưới ...

Mẹ Phi Long là bạn thân nhất của hai chúng tôi. Cô ấy cần một sự giúp đỡ.

Phi Long không được sinh ra trên đời dẫu Quang đã cưới mẹ nhóc - Quang bảo ngày nhóc đi, hai vợ chồng đã cho nhóc lên chùa. Năm nào cũng thăm viếng.

Tôi không yêu nổi một người nào nữa sau mối tình buồn với Quang. Không một người đàn ông nào khiến tôi quên được cậu ấy. Bọn bạn tôi bảo Quang và vợ cũng không hạnh phúc. Tại sao hai cậu không quên chuyện cũ mà đến với nhau đi?

Nên khi mẹ thằng Việt hoan hỉ rằng đã cắt được mối duyên âm theo tôi bao lâu rồi, tôi có thể lấy chồng mà không bị ai ngăn cản thì tôi chỉ biết ngậm cười xa xót. Ôi! Người đàn bà đã chia sẻ người đàn ông với mẹ tôi thật ra cũng có một trái tim nhân hậu, chỉ có bà không biết Quang chưa bao giờ là người âm cả.

Tôi gọi cho Quang bảo sắp lấy chồng. Quang im lặng, rồi bật lên một lời thảng thốt: “Nghi à. Em đừng vội thế. Em đừng lấy chồng... Đợi anh…”.

Tháng tư. Hoa loa kèn nở đỏ rực cả khu vườn. Ba tôi càng chăm chỉ tưới hoa. Một hôm, chàng nhạc công tìm đến thành phố nhỏ của tôi, cùng tôi đứng ngắm vườn hoa loa kèn đỏ.

Từ đó tôi không đan len nữa.

Mùa xuân năm ấy cả nhà tổ chức liên hoan mừng thằng Việt đi du học. Trước khi lên đường, nó đem đến tặng tôi một tấm thảm trải nền bằng len do chính tay nó đan. Tấm thảm đan khéo bức tranh một đôi trai gái tay trong tay đứng giữa vườn hoa loa kèn đỏ rực. Nó đặt tên tấm thảm là Hạnh Phúc.

REZ5MhfY.jpgPhóng to

Áo Trắngsố 3 (số 89 bộ mới) ra ngày 15/02/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 PHẠM THANH THÚY(K12 ĐHVH Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên