25/12/2022 14:11 GMT+7

Tây Ninh và Bình Dương gần hơn nhờ cầu vượt sông Sài Gòn và đường 1.000 tỉ đồng

BÁ SƠN
BÁ SƠN

Cả hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương đều chủ động làm đường phía địa phận của mình để kết nối với cây cầu vượt sông Sài Gòn, nhằm rút ngắn khoảng cách lưu thông, kết nối vùng Đông Nam Bộ.

Tây Ninh và Bình Dương gần hơn nhờ cầu vượt sông Sài Gòn và đường 1.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Cầu vượt sông Sài Gòn như "dải lụa" kết nối Tây Ninh - Bình Dương dài khoảng 800m, bao gồm cầu và đường dẫn đã sẵn sàng để chính thức thông xe sau hơn hai năm xây dựng - Ảnh: HÙNG SƠN

Ngày 25-12, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết dự án xây dựng cầu vượt sông Sài Gòn kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, và phần đường nối với cầu phía Bình Dương đã hoàn thành. 

Về phía tỉnh Tây Ninh, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh cũng cho biết đã vừa mở rộng, vừa mở mới một số đoạn của đường Đất Sét - Bến Củi để kết nối với cầu.

Cầu vượt sông Sài Gòn nối Tây Ninh - Bình Dương có quy mô 6 làn xe, dài hơn 330m, có đường dẫn phía Bình Dương dài hơn 377m và đường dẫn phía Tây Ninh dài hơn 92m.

Vị trí xây cầu vượt là tại đoạn giáp ranh huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương và huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Việc đi lại giữa hai tỉnh sẽ gần hơn do phương tiện từ đường ĐT744 (Bình Dương) không phải đi vòng qua thị trấn Dầu Tiếng để đến Dương Minh Châu (Tây Ninh), mà có thể đi thẳng qua cây cầu mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tấn Tài - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh - còn cho biết với cây cầu mới, hàng hóa từ Tây Ninh đi sân bay Long Thành (Đồng Nai) và các cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ rút ngắn khoảng cách khoảng 20-30km, nhờ đó rút ngắn thời gian vì không phải đi qua quốc lộ 22, 22B thường xuyên kẹt xe, mà có thể băng qua cầu để "đi tắt" tới sân bay và cảng thông qua các tuyến đường phía Bình Dương.

Tây Ninh và Bình Dương gần hơn nhờ cầu vượt sông Sài Gòn và đường 1.000 tỉ đồng - Ảnh 2.

Sơ đồ cầu vượt sông Sài Gòn và đường dẫn đã được hai tỉnh Bình Dương, Tây Ninh xây dựng (trong khoanh đỏ) sẽ giúp phương tiện không phải đi vòng (theo đường màu xanh). Ngoài ra, dự án còn kết nối với các tuyến đường khác tạo cung đường mới để phương tiện từ Tây Ninh đi sân bay, cảng có thể lựa chọn, để tránh được các tuyến đường kẹt xe - Ảnh: BÁ SƠN chụp lại

Để "chia lửa" cho công trình kết nối vùng này, hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh cùng thu xếp ngân sách để thực hiện với tổng kinh phí dự kiến gần 1.000 tỉ đồng.

Tại Bình Dương, tổng kinh phí 411 tỉ đồng để xây dựng cầu và phần đường kết nối từ cầu tới đường ĐT744, khởi công tháng 10-2020. Đường kết nối với cầu phía Bình Dương có vận tốc thiết kế 80km/h, ngoài ra còn có đường dân sinh dưới dạ cầu được thiết kế với vận tốc 20km/h hiện đã được đầu tư xong.

Tại Tây Ninh, tổng mức đầu tư hơn 517 tỉ đồng (dự kiến) cho dự án mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi dài toàn tuyến hơn 16,9km, khởi công tháng 8-2018 để kết nối đồng bộ với cầu. Theo quy hoạch, tuyến đường Đất Sét - Bến Củi có 6 làn xe, nhưng trước mắt đầu tư 4 làn xe và giải phóng sẵn mặt bằng để sau này mở rộng.

Tới nay, đường Đất Sét - Bến Củi đã được tỉnh Tây Ninh cơ bản thông xe kỹ thuật 4 làn (chỉ còn một số vị trí mới giải phóng xong mặt bằng, đang thi công). Riêng đoạn đường Đất Sét - Bến Củi từ UBND xã Bến Củi ra cầu vượt sông Sài Gòn phần lớn là đường mở mới đã xong để đồng bộ với ngày thông xe cầu (dự kiến cuối tháng 12-2022).

Tây Ninh và Bình Dương gần hơn nhờ cầu vượt sông Sài Gòn và đường 1.000 tỉ đồng - Ảnh 3.

Cầu và đường kết nối được đầu tư quy mô 6 làn xe để thuận tiện cho nhân dân và xe vận chuyển hàng hóa lưu thông - Ảnh: HÙNG SƠN

Tây Ninh và Bình Dương gần hơn nhờ cầu vượt sông Sài Gòn và đường 1.000 tỉ đồng - Ảnh 4.

Các kỹ sư và công nhân đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để sẵn sàng cho ngày thông xe, không chỉ cầu mà còn cả đường kết nối phía Bình Dương và Tây Ninh (dự kiến cuối tháng 12-2022) - Ảnh: HÙNG SƠN

Tây Ninh và Bình Dương gần hơn nhờ cầu vượt sông Sài Gòn và đường 1.000 tỉ đồng - Ảnh 5.

Đường dân sinh cũng đã được xây dựng xong dưới dạ cầu để bà con thuận tiện đi lại - Ảnh: HÙNG SƠN

Tây Ninh và Bình Dương gần hơn nhờ cầu vượt sông Sài Gòn và đường 1.000 tỉ đồng - Ảnh 6.

Cầu nối Tây Ninh - Bình Dương được xây dựng tại thượng nguồn sông Sài Gòn, có tĩnh không cao để cho tàu bè vẫn có thể qua lại - Ảnh: HÙNG SƠN

Làm cầu đường 6 làn xe nối Bình Dương - Tây Ninh Làm cầu đường 6 làn xe nối Bình Dương - Tây Ninh

TTO - Để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và liên kết vùng, hai tỉnh Bình Dương - Tây Ninh đã chung tay thúc đẩy dự án cầu và đường kết nối với quy mô lớn.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên