Ngay trong tháng 10 này, các địa phương trong các vùng chuyên canh cà phê ở Tây Nguyên đã có kế hoạch thành lập các tổ, nhóm hộ gia đình đổi công thu hái cà phê, đồng thời về quê vận động người thân cùng lên tham gia thu hoạch, tránh tình trạng khan hiếm lao động như những năm trước.
Các nông hộ, các doanh nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng mới hàng trăm nghìn m2 sân phơi bằng ximăng hoặc lát gạch để hạn chế dần tình trạng phơi cà phê trên sân đất ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Bên cạnh đó, các nông hộ, các doanh nghiệp cũng sửa chữa hàng chục nghìn m2 nhà kho, mua sắm mới hàng triệu bao bì, tấm bạt nilon, tu bổ, sửa chữa lại các phương tiện thiết bị thu hái, vận chuyển cà phê tươi.
Hàng ngàn nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên còn mua sắm mới các loại máy chế biến, máy sấy cà phê để góp phần nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu. Các đơn vị doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã kịp thời tu bổ, sửa chữa lại 24 nhà máy chế biến cà phê để chuẩn bị phục vụ tốt yêu cầu thu hoạch, chế biến cà phê nhân xuất khẩu.
Các địa phương cũng tăng cường công tác bảo vệ để vườn cây có tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên mới đưa vào thu hái đại trà. Hiện nay, ở những vùng cà phê tập trung, ngoài lực lượng dân quân của xã, các nông hộ còn liên kết luân phiên tổ chức tuần tra, canh gác nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng trộm cắp cà phê.
Theo ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên có gần 551.670 ha cà phê, chủ yếu đã cho thu hoạch, trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất, với trên 202.000 ha, diện tích cho sản phẩm 191.575 ha, sản lượng 450.000 tấn cà phê nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận