06/11/2011 06:47 GMT+7

"Tay ngang" trở thành sếp

THANH XUÂN
THANH XUÂN

TT - PGS.TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, là một trong 12 người được trao giải thưởng Lãnh đạo công nghệ thông tin Đông Nam Á tiêu biểu năm 2011 (CIO Asean Awards 2011). Tuy nhiên, bản thân ông không phải là người được đào tạo chính quy về công nghệ thông tin.

1LxUoJhD.jpgPhóng to
PGS.TS Đỗ Văn Xê theo dõi vận hành hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu theo học chế tín chỉ của trường - Ảnh: Thanh Xuân

Từ năm 2007, PGS.TS Đỗ Văn Xê và lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ nhận ra rằng các phần mềm hiện tại không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ, chỉ hoạt động được trong mạng cục bộ và lệ thuộc khá nhiều vào hệ điều hành Windows. Trong khi đó, các hệ phần mềm thương mại hiện có trên thị trường lúc này chưa thật hoàn thiện, chi phí đầu tư khá tốn kém.

Thầy trò cùng hưởng lợi

Từ thực tế khá bức xúc trên, PGS.TS Đỗ Văn Xê đã mạnh dạn đứng ra chủ trì và bắt tay thực hiện ngay dự án xây dựng hệ thống thông tin tích hợp mới phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ theo học chế tín chỉ.

Theo ông, hệ thống thông tin tích hợp mới phải đảm bảo các tiêu chí như: phục vụ việc quản lý tất cả hoạt động của nhà trường theo hệ thống tín chỉ cho các loại hình đào tạo; hệ thống phải hoạt động trên nền web, không phụ thuộc nền tảng hệ điều hành Windows hay Lunix, Unix và phải được thiết kế theo dạng module trên nền cơ sở dữ liệu Oracle tích hợp trong toàn trường... Đặc biệt, hệ thống phải có khả năng điều chỉnh nhanh chóng để thích nghi với các thay đổi trong chính sách của Bộ GD-ĐT và quy trình quản lý đào tạo của trường trong giai đoạn đầu chuyển đổi hình thức đào tạo.

Hơn 45.000 người hưởng lợi

Ban tổ chức giải thưởng đánh giá với hiểu biết sâu sắc về công nghệ thông tin và phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, TS Xê đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết kế và hoàn chỉnh hệ thống tích hợp công nghệ thông tin của Trường ĐH Cần Thơ. Ngoài ra, là người điều hành với tầm nhìn xa và khả năng vận dụng sáng tạo, TS Xê đã xây dựng hệ thống thông tin tích hợp, triển khai ứng dụng phần mềm nguồn mở và tận dụng dịch vụ miễn phí của Google App để triển khai xây dựng hệ thống email cho toàn thể cán bộ và sinh viên của trường.

Thành công từ dự án của ông hiện mang lại lợi ích cho trên 45.000 người (bao gồm cán bộ, giảng viên, sinh viên chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa).

Bên cạnh việc triển khai cùng lúc hệ thống thông tin tích hợp và ứng dụng phần mềm nguồn mở, ông Xê và các cộng sự đã chủ động liên hệ với Google để mở domain @ctu.edu.vn dành cho cán bộ và domain @student.ctu.edu.vn dành cho sinh viên. Kể từ đó, tất cả cán bộ và sinh viên của trường đều sử dụng email để trao đổi thông tin liên lạc, tài liệu cũng như kinh nghiệm giảng dạy.

“Từ khi xác lập hệ thống thông tin tích hợp, tất cả hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của trường được lưu trữ và tích lũy trên máy chủ của trường. Sinh viên có thể chủ động xây dựng kế hoạch học tập toàn khóa, xác định học kỳ nào học cái gì, tiến độ học tập ra sao, dự kiến khi nào sẽ tốt nghiệp... Các giảng viên làm công tác cố vấn học tập có thể theo dõi và nắm bắt tình hình học tập của sinh viên để kiểm tra và định hướng. Khối lượng công tác giảng dạy của từng cán bộ được ghi nhận trên máy chủ và là căn cứ dùng để chi trả tiền dạy vượt giờ cho cán bộ giảng dạy” - PGS.TS Đỗ Văn Xê chia sẻ một số kết quả của dự án.

Xuất thân từ dân trồng trọt

PGS.TS Đỗ Văn Xê cho biết bản thân ông là dân tốt nghiệp ĐH chuyên ngành trồng trọt và không được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng rất đam mê công nghệ thông tin và toán học.

Cũng chính vì niềm đam mê ấy nên ngay từ khi học lớp 7, ông đã tự mày mò học sửa chữa điện tử và áp dụng sửa chữa các loại máy tính đơn giản. Đến khi trở thành giảng viên trẻ Trường ĐH Cần Thơ, ông được nhà trường cử sang Philippines học khóa ngắn hạn về phân tích thống kê bằng máy tính và một kế hoạch quản lý dữ liệu do chương trình Mekong tài trợ.

Về nước năm 1993, trên nền kiến thức đã học, thầy giáo trẻ Đỗ Văn Xê tiếp tục nghiên cứu cả phần mềm lẫn phần cứng và đã từng lập trình để giải quyết các vấn đề phức tạp như lập trình quản lý toàn bộ công việc đo đạc đất đai, quản lý dữ liệu, in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Sở Địa chính Trà Vinh; lập trình quản lý xe của cảnh sát giao thông TP Cần Thơ; lập trình về quản lý tội phạm của tòa án...

Tại Trường ĐH Cần Thơ, ông là người đặt nền móng công nghệ thông tin của trường từ lúc khởi đầu vào năm 1995, bắt đầu bằng việc xây dựng mạng cáp quang dựa vào nguồn kinh phí của chương trình hợp tác với Hà Lan, giúp việc kết nối các đơn vị trong trường một cách thuận lợi.

THANH XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên