![]() |
Văn bản kiểm định an toàn kỹ thuật toa xe ghi rõ đầu đấm móc nối có nguồn gốc Ấn Độ, chứ không phải Trung Quốc như đại diện Tổng công ty Đường sắt nhiều lần khẳng định trước tòa - Ảnh: Đ.Toàn |
Luật sư Tôn Nữ Thu Hà và luật sư Vĩnh Thái trong hai ngày qua đã liên tục thẩm vấn phía đại diện Tổng công ty Đường sắt VN xung quanh đầu đấm móc nối này, kể cả với giám định viên của Viện Khoa học hình sự. Giám định viên Hà Văn San nói sở dĩ giám định “chỉ một phần lưỡi móc của đầu đấm móc nối mà không phải toàn bộ, là bởi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ yêu cầu ngang đó”.
Và sự thật là đầu đấm móc nối toa số 3 đã bị hàn, ông Trần Đức Giao, tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội - người được ủy quyền phát ngôn hợp pháp của ngành đường sắt VN, đã thừa nhận.
Ông Nguyễn Đức Phượng (Hà Nội) - nạn nhân của vụ tai nạn tàu E1 khi gia đình ông có bốn người chết, năm người bị thương khi cả gia đình (12 người) đi cưới vợ cho con - bức xúc bày tỏ: “Nếu đã bị hàn thì rõ ràng tinh thể thép bên trong đã bị biến dạng, tòa cần làm rõ chất lượng của đầu đấm móc nối này!”.
Về nguồn gốc của chiếc đầu đấm móc nối, ông Giao trả lời tại tòa là “sản xuất tại Trung Quốc, theo đặt hàng của Tổng công ty Đường sắt VN”, tuy nhiên khi luật sư yêu cầu đưa các hồ sơ, giấy tờ liên quan và cả hồ sơ thiết kế, chứng từ nhập khẩu, hợp đồng mua bán... thì ông Giao trả lời “hiện chưa có”.
Tối qua, luật sư Tôn Nữ Thu Hà cho hay ngành đường sắt vẫn chưa đưa ra được hồ sơ nhập khẩu đầu đấm móc nối, nếu không trưng ra được người ta có quyền nghi ngờ về khả năng nhập lậu các linh kiện này. Như vậy, cùng với mối hàn như đã thấy ở phần đầu đấm móc nối, tính mạng của hàng trăm hành khách đã đặt lên các móc nối không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, điều nguy hiểm là phần bị hàn lại nằm trong phần tải của đoàn tàu tải trọng đến 1.250 tấn. |
Đại diện ngành đường sắt VN đã “bó tay” trước câu hỏi của luật sư Hà khi bà công bố tư liệu rằng vào tháng 5-1999, ngành đường sắt bắt đầu nhập về 922 cái đầu đấm móc nối, trong đó có 916 cái không phát hiện các vết nứt, rạn, trầy xước... “vậy thì sáu cái còn lại đã đi đâu?”.
Hồ sơ mà đại diện ngành đường sắt VN cung cấp cho tòa vào sáng 28 - 4, gọi là bản vẽ và thẩm định chất lượng thì đó là của... toa số 2 chứ không phải số 3 như họ khẳng định. Chủ tọa Bùi Quốc Hiệp nhiều lần hỏi tài liệu này diễn giải cho toa số 2 hay 3 thì đại diện ngành đường sắt thú nhận: “Đấy chỉ là cái kiểu như đầu đấm toa số 3 vậy thôi ạ?".
Xem tất cả các tin bài liên quan tại đây
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận