![]() |
Tháng 9-2004, một phái đoàn của Sở Giao thông công chánh TP.HCM đã đến thăm dự án đang xây hệ thống xe điện ngầm Laval ở Montreal, Canada.
Bài viết này nhằm giải thích một hệ thống vận tải công cộng đầy hứa hẹn, mà tác giả tin rằng sẽ là giải pháp thích hợp cho nạn kẹt xe và ô nhiễm hiện nay ở TP.HCM.
Hệ thống này được phát triển tại Đức và đã được chứng minh trong 25 năm thử nghiệm và hoạt động. Hệ thống tàu cao tốc Maglev kinh doanh đầu tiên đã hoạt động mới đây tại Thượng Hải, Trung Quốc. Tại đó, tàu dự trù chạy từ sân bay về trung tâm thành phố, nghĩa là trong giờ cao điểm tại Thượng Hải, mất 7,5 phút để chạy quãng đường 30km.
Maglev là từ viết tắt của magnetic levitation, dùng điện từ để “lướt nổi lên”. Các lực điện từ nâng tàu lên khỏi đất và làm cho nó khỏi ma sát làm giảm vận tốc, do đó nó có thể chạy nhanh gấp ba lần so với tàu lửa bình thường. Nó có thể chạy đến 500km/giờ. Khả năng gia tốc và giảm tốc nhanh gấp bốn lần so với tàu lửa bình thường, cho phép tàu dừng nhiều lần hơn mà không mất thì giờ hơn, cũng như cho phép thời gian chuyến đi được ngắn hơn nhiều. Vì hệ thống đẩy của tàu nằm phía dưới đường dẫn, Maglev có khả năng chạy trong mọi thời tiết. Hệ thống tàu hoàn thành công việc mà dường như không cần các bộ phận chuyển động.
Tàu Maglev hầu như không có tiếng ồn, chạy trên đường dẫn thấp bình thường hoặc trên đường dẫn trên cao, hầu như không có việc đụng nhau và hành khách không phải cài dây an toàn. Điều này làm cho tàu Maglev trở thành một phương tiện vận tải nhanh nhất và an toàn nhất hiện nay.
Một lợi điểm khác của tàu Maglev là có thể leo độ dốc tới 10%, lớn gấp ba lần so với tàu lửa bình thường. Việc đi tàu cũng giống như đi metro, nghĩa là chiều dài tối thiểu của tàu Maglev có thể là hai khoang chứa đến 300 hành khách (việc kéo dài tàu đến 10 khoang có thể chở 1.500 hành khách mà không giảm vận tốc, trong khi hệ thống metro sáu toa có thể chở khoảng 1.000 người).
![]() |
Tàu Maglev vận tốc khoảng 400km/giờ tại Nhật Bản |
Metro và hệ thống vận tải trên đường ray nhẹ (LRT) là các công nghệ của thế kỷ trước, bánh xe va chạm với đường ray trong nhiều năm sử dụng sẽ mòn, do đó cần tốn nhiều tiền để bảo dưỡng. Trong khi đó tàu Maglev lướt nổi, được sóng điện từ đẩy chạy và đỡ nâng, không tốn tiền bảo dưỡng.
Nhờ xóa bỏ nguồn ma sát của lực đẩy truyền thống, mức tin cậy của tàu Maglev sẽ cao hơn và ít sửa chữa hỏng hóc hơn. Giá cả xây dựng hệ thống một tàu cao tốc Maglev khá hợp lý (25 triệu USD/km). Hệ thống metro phải tốn tới 60-100 triệu USD/km, tàu lửa bình thường là 25-40 triệu USD/km và tàu LRT là 20-30 triệu USD/km.
Tàu cao tốc Maglev với 425km/giờ do Đức chế tạo chạy tại Thượng Hải là một mô hình tốt. Nó chạy êm và nhanh hơn nhiều so với xe trên xa lộ hoặc tàu lửa bình thường, đủ nhanh để có thể cạnh tranh với chuyến đi bằng máy bay trong khoảng 1.000km. Một tàu Maglev với vận tốc ít hơn (100km/giờ) mới được chế tạo tại Nagoya, Nhật Bản, và sẽ chở khách đến chín trạm dọc đường dài 9km.
Loại tàu trên cao này khá lý tưởng để xem phong cảnh, và có đường dành riêng cùng nhiều trạm dừng. Nó có thể chạy ở đường cua gắt hơn so với các loại vận tải cao tốc khác và chạy yên tĩnh trên các cộng đồng dân cư xa lộ. Các hệ thống này được kiểm soát và hoạt động bằng máy điện toán, vốn làm cho chúng đáng tin cậy hơn hệ thống điều khiển bằng tay. Cả hai loại tàu Maglev này loại trừ được một số chi phí nơi các hệ thống vận tải khác.
Tàu Maglev có thể nối TP.HCM với các tỉnh phụ cận một cách nhanh chóng và tiết kiệm, sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống và việc di chuyển của công nhân TP.HCM, thu hút và tạo ra các khu công nghiệp mới, tạo thêm công ăn việc làm và củng cố hình ảnh của thành phố này trong khu vực.
Hệ thống tàu Maglev trên cao có thể thiết kế dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để giảm áp lực cho đường phố và xa lộ đông xe cộ. Một hệ thống tàu Maglev tương tự nhưng với tốc độ thấp hơn có thể được dùng như xương sống của một hệ thống vận tải công cộng lớn hơn cho cả thành phố, sẽ được thiết kế và xây dựng cho TP.HCM. Như thế, công nghệ xuất hiện để đáp ứng các nhu cầu vận chuyển ngày càng lớn của chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận