27/10/2018 09:23 GMT+7

Tàu cá hết đường đánh bắt bất hợp pháp

TIẾN TRÌNH - HOÀNG QUÂN
TIẾN TRÌNH - HOÀNG QUÂN

TTO - Gắn thiết bị theo dõi hành trình, tước giấy phép khai thác và công khai danh tính tàu cá vi phạm là một số giải pháp được Cà Mau, Kiên Giang... áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển nước bạn.

Tàu cá hết đường đánh bắt bất hợp pháp - Ảnh 1.

Sẽ có 1.500 tàu cá đánh bắt xa bờ của Cà Mau được gắn thiết bị giám sát hoạt động - Ảnh: LÊ KHOA

Thông qua các giải pháp này, hải sản có đầy đủ cơ sở để được chứng nhận nguồn gốc đánh bắt. 

Đây là những nỗ lực nhằm góp phần giúp hải sản VN thoát khỏi việc bị các nước EU áp "thẻ vàng" (IUU).

Quản lý tàu cá qua điện thoại

Sau khi gắn thiết bị cho con tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB) của gia đình, ông Lê Thanh Tùng - chủ tàu CM 91018 (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) - cho biết không còn lo lắng chuyện tài công sẽ tổ chức đánh bắt ở vùng biển nước khác, bởi ông có thể ở nhà theo dõi hoạt động của tàu qua điện thoại. 

Mọi thông tin hải trình đều được cập nhật. "Tàu tui trước giờ không vi phạm đánh bắt sang nước bạn. Nhưng có khi ra khơi, anh em mê cá quá mà đi ra khỏi vùng biển nước mình là không nên" - ông Tùng nói.

Ông Tùng là một trong số những ngư dân đầu tiên của tỉnh Cà Mau gắn thiết bị theo dõi tàu cá. 

Các chủ tàu này đã ký cam kết không vi phạm lãnh hải nước bạn và tuân thủ rất nghiêm thời gian qua. 

Ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết từ hoạt động hiệu quả của các ngư dân đã gắn thiết bị theo dõi hải trình, địa phương này sẽ buộc tất cả tàu cá hoạt động ĐBXB gắn thiết bị quản lý tàu cá này nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chỉ trên màn hình máy tính, anh Nguyễn Việt Triều - phó Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Cà Mau - cho chúng tôi thấy các đốm xanh đang sáng trên vùng biển Cà Mau, Kiên Giang. 

Đó là vị trí của 19 tàu ĐBXB đã được lắp thiết bị giám sát. Chạm vào các điểm xanh, anh Triều cho biết ngay vị trí chính xác và thông tin của con tàu: tốc độ di chuyển, nhiên liệu tiêu hao và dự trữ, hải trình đã đi, số lượng hải sản đã đánh bắt, hình ảnh trực tiếp từ camera trên tàu, vị trí phương tiện gần nhất có thể giúp đỡ.

Khi con tàu tiến đến gần vùng biển nước bạn, thiết bị sẽ tự động phát tín hiệu cảnh báo. Các thông tin này luôn hiện 24/24 giờ, chủ phương tiện ở đất liền có thể xem bằng điện thoại di động. 

Ngoài ra, các tín hiệu tàu cá đã gắn thiết bị luôn được hiển thị trên màn hình quản lý được đặt tại Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và Sở NN&PTNT Cà Mau. 

Những thông tin trực tiếp đó là bằng chứng xác thực nhất rằng phương tiện đang hoạt động trên vùng lãnh hải Việt Nam và là những thông tin pháp lý chính xác nhất để bảo vệ hoạt động đánh bắt của ngư dân.

Theo anh Triều, khi thuyền trưởng nhập thông tin kiểm soát lượng hải sản đã đánh bắt cùng với lịch sử hải trình hoạt động của phương tiện lưu trên thiết bị, dữ liệu này sẽ là căn cứ xác thực để cơ quan chức năng chứng nhận nguồn gốc hải sản. 

Không những thế, vị trí chính xác của con tàu luôn được cập nhật còn giúp chủ phương tiện, cơ quan chức năng triển khai cứu nạn cứu hộ mỗi khi phương tiện gặp nạn, sự cố.

Tàu cá hết đường đánh bắt bất hợp pháp - Ảnh 2.

Một cán bộ Chi cục Thủy sản Cà Mau theo dõi tọa độ hoạt động của các tàu cá được gắn thiết bị quản lý từ xa - Ảnh: HOÀNG QUÂN

Nên có chính sách hỗ trợ ngư dân

Theo ông Nguyễn Tiến Hải - chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chuyện quản lý tàu thuyền Cà Mau đã được địa phương này tính toán từ trước khi hải sản VN bị các nước EU áp IUU. 

Vào năm 2016, nhân chuyến công tác tại Thái Lan, ông Hải cùng với lãnh đạo một số tỉnh phía Nam được mời tham quan Trung tâm Chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp đặt tại Bangkok. 

Đây là trung tâm quản lý việc đánh bắt hải sản của Thái Lan, có nhiệm vụ quản lý giám sát 24/24 giờ đối với các tàu thuyền trong và ngoài nước, do Bộ tư lệnh hải quân Hoàng gia Thái Lan quản lý, trực tiếp chỉ đạo là thủ tướng Thái Lan.

Sau chuyến tham quan này, ông Hải trở lại để tìm hiểu kỹ hơn hoạt động của trung tâm, rồi tiếp tục cử đoàn cán bộ sang Thái Lan học mô hình quản lý của bạn để về áp dụng tại Cà Mau. 

Một lãnh đạo Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết phải số hóa dữ liệu tàu cá do thực trạng quản lý tàu trong nước. 

Dù mỗi năm đã có hàng chục cuộc tuyên truyền vận động, cam kết không đánh bắt vi phạm vùng biển nước bạn kèm theo đó là chế tài xử phạt rất nặng, nhưng việc tàu thuyền của Cà Mau đánh bắt vi phạm chủ quyền nước khác vẫn diễn ra.

Ông Lê Viết Sử, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết đến hết tháng 12-2018, địa phương này sẽ triển khai lắp đặt cho khoảng 1.500 tàu đánh bắt trên biển có chiều dài từ 15m trở lên (theo Luật thủy sản) trong số 4.500 phương tiện của Cà Mau. 

Các phương tiện thuộc diện bắt buộc sẽ cương quyết không cho ra khơi nếu không lắp thiết bị. 

Kế hoạch được triển khai sẽ không những là cơ sở đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của châu Âu về nguồn gốc hải sản, mà còn là tiền đề quan trọng để Cà Mau quy hoạch khai thác thủy hải sản trên biển theo hướng bền vững, hiện đại.

Ngoài ra, theo ông Sử, Cà Mau còn khoảng 3.000 phương tiện không thuộc diện bắt buộc. 

Đây sẽ là kẽ hở cho những ngư dân "lách luật" đánh bắt hải sản ở vùng biển nước khác mà địa phương khó kiểm soát. 

Do đó, ông Sử cho rằng cần có những điều chỉnh luật phù hợp tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong công tác kiểm soát, giám sát, nhất là các phương tiện câu mực, đánh bắt nhỏ có chiều dài dưới 15m. 

"Ngoài ra, nên có chính sách trợ giá cho ngư dân trong mua sắm thiết bị giám sát nhằm hỗ trợ bà con tự giác chấp hành" - ông Sử nói.

Tịch thu giấy phép khai thác, công khai tàu cá vi phạm

Ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - cho biết việc công khai danh tính tàu cá vi phạm, đồng thời tịch thu giấy phép khai thác hải sản là những biện pháp kiên quyết mà địa phương này đang áp dụng nhằm từng bước chấm dứt việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Ngoài ra, địa phương này cũng xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban ngành có liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố để xảy ra việc tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài.

Điều tra, xác minh, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép.

Kiên Giang cũng bắt đầu xây dựng hệ thống thông tin giám sát tàu cá hoạt động trên biển, lộ trình bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tất cả tàu cá hoạt động xa bờ, vận hành thiết bị này kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản Kiên Giang 24/24 giờ theo quy định.

Bắt buộc chủ tàu cá hoạt động trên biển hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, nhật ký tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và báo cáo khai thác, dịch vụ theo đúng quy định.

K.NAM

Phạt nặng tàu vi phạm

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Cà Mau, số tiền xử phạt các tàu trên địa bàn vi phạm vùng biển nước ngoài trong năm 2016 là hơn 4 tỉ đồng và năm 2017 là gần 5 tỉ...

Từ đầu năm 2018 đến nay, số vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm đáng kể.

Mỗi năm, Bộ đội biên phòng Cà Mau đã phối hợp với Sở NN&PTNT mở hàng chục cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, buộc hàng ngàn ngư dân ký cam kết không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.

Lê Khoa

Gắn số hiệu giả tàu cá Khánh Hòa đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài Gắn số hiệu giả tàu cá Khánh Hòa đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài

TTO - Chi cục Thủy sản Khánh Hòa xác minh thông tin từ Tổng cục Thủy sản, Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao về 3 tàu cá mang số hiệu Khánh Hòa hoạt động trái phép trên vùng biển Đài Loan, Brunei, Malaysia bị bắt giữ nhưng thông tin đều không chính xác.

TIẾN TRÌNH - HOÀNG QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên