Kỳ 1: Đi tìm phong cách Kỳ 2: Kiến tạo hình ảnh
Phóng to |
Anh Nguyễn Long Hải và các “công dân nhỏ” của Trường Sa trong chuyến thăm và làm việc tại Trường Sa tháng 5-2013 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
* Cán bộ Đoàn đang rèn luyện nhiều thứ, nay lại gánh thêm “tám điều nên làm và tám điều không nên làm” liệu có nặng gánh?
- Nếu nhìn nhận việc thực hiện chỉ thị này như một trong những công việc hằng ngày của mình, xem rèn luyện trở thành việc làm thường xuyên, tự nhiên như cơm ăn, nước uống, tập thể dục hằng ngày thì tôi tin rằng không có cán bộ Đoàn nào thấy bị “nặng gánh”. Suy cho cùng, nội dung của chỉ thị thực chất là để chấn chỉnh tác phong, lề lối công tác, giúp cán bộ Đoàn sửa khiếm khuyết, hoàn thiện và tạo dựng hình ảnh đẹp cho chính mình.
* Đâu là lý do để Trung ương Đoàn ban hành chỉ thị này? Phải chăng vì đã có biểu hiện chưa đẹp, dư luận chưa hay về đội ngũ cán bộ Đoàn hiện nay?
- Cán bộ Đoàn là đội ngũ được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ làm công tác vận động, giáo dục thế hệ trẻ mà nhiều lần Đảng đã khẳng định xây dựng Đoàn chính là xây dựng Đảng trước một bước. Và việc xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn cũng không ngoài mục tiêu tạo nguồn cán bộ cho Đảng, chính quyền và các đoàn thể, góp phần xây dựng hệ thống chính trị.
Niềm vinh dự và tự hào ấy cũng là đòi hỏi để mỗi cán bộ Đoàn phải thật sự chú tâm học tập, kiên trì rèn luyện để vừa làm tốt nhiệm vụ hiện tại nhưng cũng là chuẩn bị cho quá trình công tác mai sau. Chỉ thị này vốn dĩ là để “xây” cái tốt, cũng chính là phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu.
* Như vậy chỉ thị này được khuyến khích hay bắt buộc thực hiện? Sẽ có chế tài nếu cán bộ Đoàn không làm theo, thưa anh?
- Không nói đến tính “bắt buộc” hay “khuyến khích” mà ở đây nói nhiều hơn đến phương pháp để vận động, tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trẻ công tác trong Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện tốt những quy định đã đề ra liên quan đến tác phong, lề lối công tác. Phương pháp này là dựa vào tập thể, dựa vào môi trường sinh hoạt Đoàn, tạo động lực và mục tiêu để người cán bộ Đoàn tự rèn luyện vươn lên. Bởi nội lực của người cán bộ, biết vượt lên chính mình, xây dựng hình ảnh đẹp để khẳng định mình là rất quan trọng.
Các nội dung diễn đạt dưới hình thức “nên và không nên” trong chỉ thị thật ra đã bao hàm trong đó những nội dung, điều cấm cụ thể mà nếu vi phạm thì chiếu theo các quy định khác sẽ xử lý kỷ luật hoặc nặng hơn tùy mức độ theo các quy định của Đảng, Nhà nước.
* Làm không khéo, việc thi hành chỉ thị sẽ rơi vào hình thức. Trung ương Đoàn sẽ đánh giá kết quả thực hiện của cán bộ Đoàn dựa vào cơ sở nào?
- Đúng như vậy. Muốn đạt được mục đích phải có sức mạnh của toàn Đoàn, trước hết là ý chí quyết tâm của đội ngũ cán bộ Đoàn với yêu cầu việc tổ chức thực hiện cần kiên trì, thường xuyên gắn với kiểm tra, giám sát. Chỉ thị yêu cầu mỗi cán bộ Đoàn xây dựng, đăng ký chương trình hành động hằng năm và chi bộ, chi đoàn hay tập thể lãnh đạo sẽ dựa vào kết quả đó để đánh giá trong kiểm điểm, nhận xét, đánh giá công chức, cán bộ hằng năm.
Ngoài ra sẽ dựa vào sự giám sát của cơ sở, của chính các bạn đoàn viên thanh niên về quá trình rèn luyện tác phong của cán bộ Đoàn tại nơi mình tham gia sinh hoạt. Hoặc thông qua sự phát hiện, tuyên truyền của các cơ quan báo chí về gương người tốt, việc tốt, những cán bộ Đoàn điển hình có tác phong đúng, phong cách chuẩn mực cũng sẽ là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện chỉ thị này.
* Trung ương Đoàn kỳ vọng gì vào kết quả thực hiện, cũng như ở đội ngũ cán bộ Đoàn khi chỉ thị này được triển khai trong toàn Đoàn?
- Rèn luyện tác phong, lề lối công tác có ích cho chính mỗi cán bộ Đoàn để trở thành người quản lý, người lao động có tính chuyên nghiệp cao, phù hợp với môi trường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thực tế những cán bộ bên cạnh trình độ, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn thì tác phong và tính kỷ luật trong công việc góp phần tạo nên sức hút rất lớn, không chỉ giúp họ làm tốt nhiệm vụ mà còn dễ được lựa chọn, đào tạo, bố trí khi trưởng thành, hết tuổi công tác Đoàn.
Chúng tôi mong cán bộ Đoàn sẽ làm tốt để tạo ra phong trào thi đua rèn luyện về tác phong, lề lối, xây dựng nên phong cách đẹp riêng có của người cán bộ Đoàn. Đây cũng là cơ hội thể hiện những “tính trội” của cán bộ Đoàn, những cá nhân tiêu biểu trong tập thể thanh niên và cán bộ, công chức nói chung.
Nên và không nên làm * Tám điều nên làm gồm: xung kích, trách nhiệm, gương mẫu, trung thực, sáng tạo, thân thiện, thường xuyên học tập, tích cực rèn luyện kỹ năng. * Tám điều không nên làm gồm: phát ngôn không đúng, làm việc hình thức - đối phó, quan liêu - hành chính hóa, thiếu khiêm tốn và không cầu thị, không chấp hành kỷ luật, thiếu tinh thần đoàn kết, thiếu ý chí đấu tranh và thiếu chuẩn mực trong lối sống. (trích chỉ thị số 01-CT/TWĐTN của Trung ương Đoàn về việc tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận