Lấy chuyện bà Tưng, Ngọc Trinh làm đề thi“Bà Tưng", Ngọc Trinh vào đề thi:: Có vẻ nằm ngoài nhận thức phổ thông của HSĐề thi mở phải đảm bảo tính nhân văn
Tác giả nhận định về đề thi môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 của Bộ Giáo dục - đào tạo: “Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam...” Nhưng đến đề thi chọn học sinh giỏi văn lớp 12 năm học 2013-2014 của Sở GD-ĐT Hải Phòng đưa phát ngôn của người mẫu Ngọc Trinh và Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) và yêu cầu học sinh “viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”, thì tác giả lại cho rằng “hình ảnh không đẹp và những phát ngôn thực dụng của hai cô được đưa vào e còn điều chưa ổn”.
Thực tế là ở cả hai đề thi đều thể hiện được tính thực tiễn, tính giáo dục, được thể hiện suy nghĩ của mình về các vấn đề xã hội, giới trẻ. Như thế, có thể nói đề thi chọn học sinh giỏi của Hải Phòng đã kế thừa, phát huy đề thi tốt nghiệp theo cách “mạnh dạn, táo bạo” hơn.
Tác giả bài viết cho rằng nội dung đề thi “nằm ngoài nhận thức phổ thông của học sinh”. Tuy nhiên người viết cũng nên nhớ rằng đây không phải là đề thi cho tất cả học sinh phổ thông. Đây là đề thi chọn học sinh giỏi, mà để chọn được học sinh giỏi cần cái gì đó trên mức phổ thông đại trà. Ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, người làm bài thi cũng cần vận dụng những vấn đề thực tiễn sinh động của đời sống để làm sáng tỏ vấn đề. Đó là sự liên hệ thực tế, chính ở đây thí sinh mới phát huy rõ nhất tư duy gợi mở, sáng tạo, để lại dấu ấn riêng - yếu tố cần có của một học sinh giỏi văn.
Người viết cho rằng vấn đề: “yêu, tiền, gái trẻ - đại gia” là vấn đề rộng, nhạy cảm, đó là vấn đề của các nhà tâm lý học, xã hội học thì tôi lại nhắc cho tác giả nhớ rằng đây là đề thi chọn học sinh giỏi; do đó các em cần không gian đủ rộng để thể hiện suy nghĩ, quan điểm của bản thân. Trước đây, những vấn đề được xem là nhạy cảm như: giáo dục giới tính, tình yêu tuổi học trò... thường không được quan tâm đúng mức, có những vấn đề không quản lý được là cấm đoán, phớt lờ đi. Từ đó nhiều học sinh có nhận thức sai lệch, không đầy đủ nên để lại những hậu quả đáng tiếc.
Hơn nữa, những phát ngôn, quan điểm là của giới trẻ, do đó điều đầu tiên chúng ta cần làm là lắng nghe ý kiến của đa số người trẻ xem họ đang nghĩ gì, làm gì; từ đó sẽ có những định hướng, uốn nắn những suy nghĩ, cách nhìn nhận, thể hiện chưa chuẩn mực. Như vậy, những vấn đề liên quan đến giới trẻ sẽ không có “vùng cấm” để người trẻ bày tỏ quan điểm, suy nghĩ bản thân.
Nền giáo dục VN đang tìm hướng đổi mới, trong đó có vấn đề đổi mới trong cách dạy văn và học văn. Những đề thi “mở” sẽ khuyến khích học sinh “mở lòng mình” một cách chân thực, xúc động nhất. Thời tôi đi học, ngay cả khi đã là một sinh viên chuyên ngành ngữ văn, trừ một số ít các bạn có năng khiếu thật sự về văn chương, còn đại đa số chúng tôi học văn, làm văn gần như theo những khuôn mẫu.
Không là những bài làm chép ra từ sách văn mẫu thì cách biểu đạt, lối suy nghĩ cũng theo những công thức nhất định. Ví dụ như phân tích giá trị nhân đạo của một tác phẩm thì chỉ cần tìm các yếu tố như: tình yêu thương con người, đùm bọc lẫn nhau, giúp người gặp nạn, nhường cơm sẻ áo... thể hiện trong tác phẩm. Từ những yếu tố như trên mang áp vào bất kỳ tác phẩm nào cần phân tích giá trị nhân đạo sẽ có một bài làm đạt điểm trên trung bình.
Người viết bài nay thiết nghĩ: bên cạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp đưa vào nhà trường nhằm giáo dục học sinh giữ gìn và phát huy cũng cần đặt ra những vấn đề thời sự, liên quan đến các em để chính các em được đưa ra những suy nghĩ, quan điểm, nhận định của bản thân, như thế những giờ dạy, học tẻ nhạt, khuôn mẫu sẽ dần biến mất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận