Hội thảo do Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ và Báo SGGP phối hợp tổ chức
![]() |
Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy Phan Xuân Biên (bên trái) phát biểu tại hội thảo |
Hơn 60 báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn đã làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mâu thuẫn xã hội; mâu thuẫn, xung đột giữa các nhóm giai tầng xã hội ở TP.HCM nói riêng và nước ta nói chung trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết cụ thể. Xin trích đăng một số ý kiến tại hội thảo.
TS Nguyễn Thế Cường: Đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các nhóm, giai tầng xã hội
Trong quá trình phát triển, xã hội luôn nảy sinh các mâu thuẫn. Khi một lớp mâu thuẫn được giải quyết hoặc dịu đi thì một lớp mâu thuẫn khác xuất hiện, lớp nọ kế tiếp lớp kia đòi hỏi giải quyết. Giải quyết mâu thuẫn chính là động lực của sự phát triển và phải đạt mục tiêu hài hòa về lợi ích giữa các nhóm, giai tầng xã hội chứ không phải triệt tiêu lợi ích của bất cứ nhóm, giai tầng nào. Lợi ích của tất cả các nhóm, giai tầng trong xã hội đều cần được tôn trọng và bảo vệ nhưng lợi ích dân tộc vẫn phải được đặt lên trên hết.
Nếu giải quyết tốt những mâu thuẫn không đối kháng thì xã hội sẽ phát triển, nếu giải quyết không tốt thì mâu thuẫn có thể trở thành đối kháng và có thể dẫn xã hội đi tới thoái hóa, thậm chí suy sụp. Giải quyết tốt mâu thuẫn chính là làm tăng sự thống nhất hài hòa giữa lợi ích đối lập đến tột đỉnh, triệt giảm sự xung đột đấu tranh giữa chúng đến mức nhỏ nhất có thể. Cơ sở để giải quyết tốt mọi mâu thuẫn trong xã hội chính là văn hóa và do đó biện pháp dân chủ sẽ là thích hợp và hiệu quả nhất.
ThS Vũ Thế Truyền: Giải quyết sự gia tăng phân hóa giàu nghèo
Từ khi chúng ta thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, những chủ trương chính sách mới trong kinh tế cũng đã để lại một số vấn đề về công bằng xã hội mà nếu không giải quyết một cách thỏa đáng, chúng sẽ biến thành mâu thuẫn giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Trước hết là xu hướng gia tăng sự phân hóa giàu nghèo giữa tầng lớp có thu nhập cao và tầng lớp có thu nhập thấp trong nước… Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng do cơ hội và thành quả tăng trưởng kinh tế không được chia sẻ một cách đồng đều mà lại theo hướng có lợi cho nhóm người vốn đã có cuộc sống dư dật, khá giả hơn…
Thứ hai là sự phân hóa thu nhập có xu hướng gia tăng giữa các vùng miền khác nhau, đặc biệt là giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng đồng bằng với vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số…
Thứ ba là trong xu hướng gia tăng khoảng cách giàu nghèo, trong 20% số hộ thu nhập cao nhất xuất hiện ngày càng nhiều những biểu hiện làm giàu bất chính như tham nhũng, buôn lậu, làm ăn phi pháp, gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, gây bất bình, phẫn nộ trong quần chúng…
Thứ tư là sự đầu tư và sự hưởng thụ về giáo dục, sức khỏe và các dịch vụ khác ngày càng nghiêng về phía người có nhiều tiền sống ở thành thị… Để giải quyết gia tăng phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư, cần nhiều biện pháp đồng bộ: Thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo, trong đó chú trọng việc tạo cơ hội và năng lực cho người nghèo; đẩy mạnh đầu tư giáo dục, y tế và các công trình công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tinh giảm biên chế, cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý hành chính nhà nước, thực hiện cải cách tiền lương...
ThS Vũ Thị Mai Oanh: Đảm bảo quyền lợi của người lao động
TP.HCM hiện có 29.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng chỉ có 500 doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Chỉ có 46% người lao động thuộc khu vực kinh tế quốc doanh tham gia bảo hiểm xã hội. Các chính sách điều tiết thị trường sức lao động chưa phát huy tác dụng một cách triệt để, nhất là thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, quyền lợi của người lao động còn bị vi phạm, có nơi ở mức nghiêm trọng, mang tính hệ thống, thách thức dư luận xã hội nhưng chậm được xử lý thích đáng, dẫn đến xung đột lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Những cuộc đình công tại các khu công nghiệp đặt ra cho chính quyền thành phố sớm hoàn thiện bộ máy quản lý và quản lý có hiệu quả thị trường lao động, khắc phục tính chất tự phát và phát huy khả năng tự điều tiết của thị trường này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Thị Tường Vân: Nâng cao vị thế của người lao động
Hiện nay, mâu thuẫn giữa người lao động với người sử dụng lao động biểu hiện rất đa dạng và phức tạp nhưng đều xuất phát từ lợi ích kinh tế. Để hạn chế mâu thuẫn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm cải thiện và nâng cao vị thế của người lao động. Dung hòa những mâu thuẫn lợi ích để cả hai bên đều tìm được tiếng nói chung là cơ sở để có được sự phát triển bền vững, ổn định.
Mục tiêu phát triển bền vững của TP.HCM phải được tiếp cận một cách toàn diện theo nguyên tắc tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Người lao động là lực lượng chủ yếu làm nên sự tăng trưởng kinh tế, song lại là người hưởng thụ một cách chưa xứng đáng với những thành quả do lao động của họ làm nên. Thực trạng này rõ ràng mâu thuẫn với bản chất của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN mà nước ta đang xây dựng.
Trích phát biểu khai mạc hội thảo của PGS-TS Phan Xuân Biên, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM Trong tiến trình đổi mới, cùng với đổi mới tư duy kinh tế, Đảng ta có nhiều đổi mới trong nhận thức về vấn đề xã hội, thực hiện chính sách xã hội. Nổi bật là quan điểm: phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, xem trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần cũng xuất hiện nhiều giai tầng, nhiều nhóm cư dân, xã hội khác nhau. Lợi ích giữa các nhóm có cái chung và cái riêng. Chúng ta cũng đã có sự thay đổi quan điểm trong vấn đề giàu nghèo. Từ chỗ không chấp nhận có sự phân hóa giàu-nghèo đã đi đến khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo, coi việc một bộ phận dân cư giàu trước là cần thiết cho sự phát triển. Chúng ta cũng đã thay đổi quan điểm về cơ cấu xã hội: Từ chỗ muốn nhanh chóng xây dựng một cơ cấu xã hội “thuần nhất” chỉ có giai cấp công nhân, nông dân tập thể và tầng lớp trí thức, đã đi đến quan niệm về việc xây dựng một cộng đồng xã hội đa dạng trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đều có nghĩa vụ, quyền lợi chính đáng, đoàn kết chặt chẽ, góp phần xây dựng nước VN giàu mạnh. Điều đó có nghĩa rằng cơ bản sẽ có sự thống nhất, có sự đồng thuận trong các thành phần dân cư, các giai tầng xã hội. Nhưng, từ nhận thức ấy đến thực tiễn không phải đơn giản, không thể giải quyết một sớm một chiều. Rõ ràng trong thời gian qua, nhất là qua 20 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như Đảng ta đã khẳng định, có rất nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa giải quyết tốt. Bài toán phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện công bằng xã hội; giữa nhu cầu phát triển xã hội hiện đại với lợi ích từng người dân, từng cộng đồng… vẫn chưa có lời giải tốt. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa lại những thành tựu to lớn, là điều kiện vật chất quan trọng để giải quyết các vấn đề văn hóa xã hội, đồng thời cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có sự khác biệt, dẫn đến va chạm, xung đột về lợi ích. Xóa đói giảm nghèo là một điểm son, là thành tựu lớn của VN, song tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại, tình trạng tái nghèo còn nhiều. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi đang có xu hướng ngày càng dãn ra (1993, 20% số hộ có thu nhập cao nhất gấp 4,43 lần 20% số hộ thu nhập thấp nhất, đến 1996 – 7,3 lần; 2005 – 9 lần). Bất bình đẳng xã hội, nhất là trong phân phối về mặt vật chất, trước hết là tài sản, thu nhập đang là một tồn tại khách quan trong xã hội. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, tính đồng thuận, sự thống nhất là cơ bản, nhưng chưa loại trừ hết sự khác biệt, chênh lệch dẫn đến mâu thuẫn, xung đột. TP.HCM là trung tâm về nhiều mặt của cả nước, nơi đi đầu về phát triển kinh tế, nơi có mức GDP bình quân đầu người khá cao (gấp 3 lần mức bình quân cả nước), nơi dấy lên nhiều phong trào xã hội quan trọng, có sức lan tỏa lớn, đặc biệt là chăm lo cho người nghèo, giải quyết công ăn việc làm, đào tạo nghề v.v… Từ đó xã hội TP.HCM luôn ổn định và không ngừng phát triển, song cũng như bao địa phương khác, cộng thêm những đặc trưng riêng của đô thị, nhất là đô thị lớn nhất nước, là một trong những cực phát triển của đất nước, biết bao vấn đề xã hội cũng không kém phần bức xúc cần phải giải quyết. Mục đích của hội thảo là từ thực trạng về sự bất bình đẳng xã hội, nhất là về lợi ích vật chất, đời sống tinh thần, cái chung-riêng, sự phân hóa giàu nghèo, xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan của tình trạng đó, phân tích các cơ sở lý luận và thực tiễn dưới góc nhìn khoa học chung và chuyên biệt; đánh giá mức độ mâu thuẫn trong lợi ích, xu hướng phát triển của nó, từ đó tìm các giải pháp để giải quyết các mâu thuẫn, tăng sự đồng thuận, phù hợp với đường lối của Đảng, đồng thời sát hợp với nền kinh tế thị trường mà ta đang thực hiện. Các giải pháp cần có sự đồng bộ trên nhiều mặt, vừa mang tính căn cơ vừa có hiệu quả xã hội cao, thiết thực, vừa phù hợp với truyền thống dân tộc vừa sát với xu hướng của xã hội hiện đại, chú ý thỏa đáng đến sự hài hòa về lợi ích chung và riêng, của quốc gia, xã hội, cộng đồng và cá nhân… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận