17/03/2017 15:00 GMT+7

​Tăng cường sức đề kháng hạn chế mắc cảm cúm khi giao mùa

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Thời tiết giao mùa, nhiệt độ cũng như độ ẩm thay đổi thường xuyên và thất thường, đây cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ mắc các bệnh cảm cúm tăng cao.

Cảm cúm thông thường là nhiễm vi rút đường hô hấp trên, mũi và cổ họng gây ra (có rất nhiều chủng khác nhau, hơn 200 loại vi rút có thể gây ra cảm cúm thông thường). Đối tượng dễ mắc cảm cúm là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, những người có sức miễn dịch kém cũng dễ bị cảm cúm.

Bệnh xảy ra quanh năm song tần suất bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ đầu mùa thu đến cuối mùa xuân. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, ẩm thấp đột ngột, cơ thể không điều tiết thích ứng kịp thời nên dễ mắc cảm cúm.

Bệnh lây truyền từ người bị cúm sang người chưa nhiễm. Vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng hoặc mũi. Các vi rút có thể lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí khi một ai đó bị bệnh ho, hắt hơi, nói hoặc qua tiếp xúc trực tiếp lây lan qua đồ vật, cầm nắm dụng cụ, khăn, đồ chơi hoặc điện thoại.

Bệnh cảm cúm thường xuất hiện khoảng 1 – 3 ngày sau khi tiếp xúc với một vi rút cảm cúm. Các dấu hiệu và triệu chứng của cảm cúm thông thường có thể bao gồm: cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, hơi sốt, người mệt mỏi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa hoặc đau họng, ho…

Theo các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh cảm cúm lây truyền do vi rút cúm từ người bệnh phát tán vào môi trường xung quanh, gia tăng mạnh trong thời gian này là do thời tiết trở lạnh.

Để tăng cường sức đề kháng nhằm hạn chế mắc cảm cúm khi thời tiết giao mùa, cần lưu ý 6 biện pháp sau:

1. Giữ ấm cơ thể để đề phòng bệnh mùa lạnh

Hãy mặc quần áo dài, đội mũ, đi giày và đeo khẩu trang khi ra đường. Nên chọn

những quần áo làm từ vải len mỏng hoặc cotton vì chúng vừa có khả năng thấm hút mồ hôi, vừa có khả năng giữ ấm cho cơ thể. Luôn chú ý giữ ấm cho đôi chân, điều này rất quan trọng.

Hãy chuẩn bị sẵn trong túi mình một vài đôi tất mỏng để thay khi đến công sở vì chân có thể ra mồ hôi. Tuyệt đối không để chân ướt mồ hôi trong một khoảng thời gian quá dài vì nó sẽ tạo ra mùi khó chịu và cơ thể dễ bị nhiễm lạnh. Buổi tối, hãy ngâm mình trong bồn nước nóng từ 5 - 10 phút. Bạn sẽ có cảm giác thoải mái sau một ngày làm việc căng thẳng. Một cốc sữa nóng hay một chút rượu vang đỏ trước bữa ăn tối cũng có thể giúp cơ thể bạn chống lại các bệnh cảm cúm thông thường.

2. Bổ sung vitamin cho cơ thể

Trời trở lạnh, cơ thể bạn cần nhiều vitamin hơn. Hãy thường xuyên bổ sung vitamin cho cơ thể trong các bữa ăn hàng ngày đặc biệt là vitamin C. Vitamin C giúp tăng sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn gây bệnh cảm cúm. Vitamin C có nhiều trong sữa chua, cam, chanh, dưa bắp cải… Tuy nhiên, không nên ăn chúng khi đói vì sẽ ảnh hưởng đến dạ dày.

3. Ngủ đủ giấc

Mất ngủ hoặc ngủ quá ít đều ảnh hưởng đến sức khoẻ. Khi bạn mất ngủ, các tế bào trong cơ thể không kịp phục hồi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Sức đề kháng của cơ thể giảm, làm bạn dễ bị nhiễm bệnh. Hãy ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. Cố tránh những việc gây đầu óc căng thẳng. Stress cũng là nguyên nhân gây bệnh cho cơ thể. Trước khi đi ngủ, hãy ngâm châm vào chậu nước nóng có pha thêm chút muối.  Việc giữ ấm cho đôi chân sẽ tạo cho bạn một giấc ngủ ngon và sâu hơn.

4. Làm thoáng khí nơi ở

Việc đóng kín cửa nhà hay phòng làm việc cả ngày không hoàn toàn có lợi cho sức khoẻ. Không khí không được lưu thông làm căn phòng của bạn trở nên bí và ẩm ướt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Hàng ngày hãy mở cửa sổ từ 10 – 15 phút. Nó sẽ giúp căn phòng bạn trở nên thông thoáng. Ngoài ra cũng nên thường xuyên vệ sinh nơi ở và phòng làm việc của mình để chúng luôn sạch sẽ.

5. Hạn chế nguồn lây bệnh

Những nơi công cộng, đông người là nguồn lây lan chủ yếu của bệnh. Khi đi xe bus, bạn đừng quên đeo khẩu trang. Thường xuyên rửa mặt và tay sau khi tiếp xúc với nhiều người và sau khi đi làm về. Vi khuẩn có khả năng sống rất lâu trong các đồ dùng hàng ngày như: khẩu trang, khăn tay…, hãy thay khẩu trang và khăn tay hàng ngày. Tốt nhất, bạn hãy chuẩn bị cho mình những loại khăn giấy dùng một lần, nó sẽ giúp hạn chế đáng kể nguồn lây lan của bệnh.

6. Tăng cường vận động

Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp làm nóng cơ thể và lưu thông máu tránh được triệu chứng mệt mỏi và nhiễm trùng năng lượng. Quá trình tập luyện thể thao sẽ khiến cơ thể bị khát nước, giúp bạn uống nhiều nước hơn - điều này có tác dụng thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố một cách dễ dàng và giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực, phòng tránh bệnh tật đặc biệt là bệnh cảm lạnh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên