02/11/2015 14:32 GMT+7

​Tặng 5.000 sổ tay giáo dục gia đình

MINH HUYỀN
MINH HUYỀN

TTO - Nhịp điệu cuộc sống của trẻ em như thế nào? Thế nào là dạy con... Những điều thú vị có trong cuốn sách “Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản”. 5.000 cuốn sẽ đến tay bạn đọc Việt Nam miễn phí.

Trang viết về gia đình của cuốn sách

Cuốn sách được Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản biên soạn. Tại Nhật, sách cũng được phát miễn phí tới từng hộ gia đình Nhật có con ở độ tuổi từ sơ sinh cho đến thanh thiếu niên.

Sách cung cấp cho các bậc cha mẹ những kiến thức tối quan trọng đi kèm những hình ảnh vui nhộn như: gia đình là gì, nhịp điệu cuộc sống của trẻ em như thế nào, thế nào là dạy con, làm sao để trẻ trưởng thành trong an toàn và khỏe mạnh, vấn đề vui chơi của trẻ, cha mẹ nên quan tâm tới trẻ như thế nào, cá tính và ước mơ của trẻ...

Bạn có nhu cầu nhận sách tặng thì đến sự kiện tặng sách tại Khách sạn Nikko, 84 Trần Nhân Tông, Hà Nội ngày 15-11 từ 8g30-10g30. Chương trình do Công ty CP Sách và Truyền thông Quảng Văn tổ chức.

Trong số 5.000 cuốn sách in đợt đầu, có 2000 cuốn là tặng cho các cá nhân, tổ chức đã ủng hộ dự án. 3.000 cuốn còn lại sẽ được tặng cho Chương trình Sách hoá nông thôn, Không gian đọc, thư viện cộng đồng và các độc giả phù hợp với các tiêu chí: gia đình có mẹ đang mang bầu, có con trong độ tuổi mầm non và tiểu học.

Một số điểm hay của cuốn sách:

1. Gia đình là gì?

Là nơi trẻ được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương, bao bọc và khoan dung. Nếu được hỏi “Ước mơ lớn nhất của con là gì?”, em bé nào cũng sẽ nói được vui vẻ bên cha mẹ thân yêu. Đây chính là điều một em bé cần, và đây cũng là điều các bậc cha mẹ cần phải biết.

Giàu - nghèo, nông thôn - thành phố, miền xuôi - miền ngược, quan chức - thường dân... tất cả đều không quan trọng, điều cấp thiết nhất mà một em bé cần chính là được ở bên cha mẹ, được cha mẹ thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương.

2. Nhịp điệu cuộc sống của trẻ em như thế nào?

Phần này giúp các bậc cha mẹ biết rằng ngủ đủ giấc, có một bữa sáng đủ chất và ăn đúng giờ có sự liên quan mật thiết đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Hãy cho trẻ “ngủ sớm, dậy sớm và ăn sáng” để trẻ hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh, khoa học.

3. Thế nào là dạy con?

Điều này theo giai đoạn, lúc còn sơ sinh, còn ẵm ngửa trên tay, trẻ cần hơi ấm của cha mẹ, cần sự bao bọc chở che của cha mẹ, lớn hơn trẻ cần cha mẹ làm bầu bạn chơi cùng, cần cha mẹ lắng nghe, cần cha mẹ khen ngợi và khẳng định...

Đừng để trẻ lớn lên cùng tivi, lấy tivi làm bầu bạn. Hãy dạy trẻ biết tôn trọng đồ của người khác, ăn trộm là hành vi xấu, ma túy là có hại. Hãy nghiêm khắc với những việc trẻ làm sai, đó chính là sự dạy bảo đúng đắn. Nhưng đừng chửi đánh trẻ một cách vô cớ, vì đó không phải là tình yêu cha mẹ dành cho con.

Khi con lớn hơn, con dần tách ra xa khỏi cha mẹ, lúc đó hãy nghĩ tới việc con “cãi” lại mình là chứng tỏ con đã trở thành người có ý thức độc lập, không còn phụ thuộc, bảo sao nghe vậy nữa; để biết cách thay đổi theo con. Dạy con là nô dịch con hay biết thay đổi theo độ tuổi con lớn lên, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách làm của cha mẹ.

4. Làm sao để trẻ trưởng thành trong an toàn và khỏe mạnh?

Muốn làm được vậy, cha mẹ hãy luôn chú ý đến vấn đề dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho con, dạy con biết tránh xa những điều nguy hiểm xung quanh mình. Nhưng đừng tô màu đen cho nó, vì như vậy trẻ sẽ nhút nhát, sợ sệt, mà hãy nói thật chân thành và cách phòng tránh để trẻ hiểu. Bữa cơm gia đình bên cha mẹ hằng ngày với trẻ cũng rất quan trọng, vì vậy cha mẹ hãy cố gắng cho con điều đó.

5. Vấn đề vui chơi của trẻ?

Hãy cho trẻ vận động nhiều, phù hợp theo độ tuổi, và dành nhiều thời gian cho con ra ngoài thiên nhiên. Bởi, chính thiên nhiên là người thầy thiết thực và vĩ đại nhất với trẻ.Vui chơi nhiều với bạn cùng trang lứa cũng giúp trẻ biết cách kết nối với thế giới bên ngoài, biết giao tiếp và chơi với người khác.

Đừng để trẻ uể oải ngồi nhà lặng câm trước màn hình tivi, thay vào đó hãy cho trẻ vui chơi với bạn, được chạy nhảy bên ngoài. Hãy cho trẻ đi chơi càng nhiều càng tốt, hãy dành thời gian chơi với trẻ, vì quá trình chơi là quá trình trẻ học mọi thứ của cuộc sống.

6. Cha mẹ nên quan tâm tới trẻ như thế nào?

Phần này giúp các bậc cha mẹ dạy kĩ năng sống cho con. Trẻ học cách hành xử với mọi người từ cha mẹ, vì vậy muốn trẻ biết tri ân, biết giúp đỡ mọi người, biết sống hào sảng, biết quan tâm, biết thấu hiểu,... thì trước hết cha mẹ cũng phải làm được điều đó. Trẻ sẽ kì vọng vào cha mẹ cũng như cha mẹ kì vọng vào trẻ.

Vì vậy, đứng trước một đứa trẻ cha mẹ hãy học cách để làm gương cho con. Muốn quan tâm đến người khác, cha mẹ hãy dạy trẻ trước hết phải biết quan tâm chăm sóc chính bản thân mình, phải có niềm tin vào mình, bởi khi đó trẻ mới biết cách làm bạn và quan tâm đến người khác.

7. Cá tính và ước mơ của trẻ?

Mỗi trẻ mỗi cá tính mỗi ước mơ, vì vậy hãy tôn trọng điều đó.Đừng ca bài ca “con người ta” khiến trẻ tổn thương, cũng đừng ép trẻ phải thực hiện ước mơ của mình. Hãy để trẻ sống cuộc đời của chúng, chứ đừng bắt trẻ sống cuộc đời của cha mẹ…

Bìa cuốn sách
Sự quan tâm trong gia đình
Nguồn năng lượng 

 

MINH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên