![]() |
Mẹ đi hội chợ sách cùng con - Ảnh: Thuận Thắng |
"Bữa trước mẹ xem điểm thi học kỳ 1 của em đã la mắng rất dữ. Mẹ hỏi vì sao em chỉ được 5 điểm môn sử, 5,5 điểm môn địa. Mẹ bảo em chỉ đi xách dép cho mấy bạn 10A2. Sau này lớn lên em sẽ đi hốt rác. Sao mẹ lại nói như vậy được chứ, em là con của mẹ cơ mà? Mẹ chưa bao giờ nói đến cái tốt của em, chỉ săm soi mặt tối của vấn đề. Mẹ có biết để được điểm thi tiếng Anh cao nhất lớp là điều không phải dễ. Hay mẹ chỉ coi em là đứa lười học bài, lười làm việc nhà, suốt ngày chúi đầu vào máy vi tính và lớn lên sẽ đi hốt rác?" - T., học sinh lớp 10 một trường THPT thuộc Q.Bình Thạnh, TP.HCM, tâm sự.
Theo T.: "Cả bố và mẹ đều không hiểu em. Rất hiếm hoi, có thể cả tuần bố mẹ mới sực nhớ ra sự có mặt của em trong nhà. Thế là bắt đầu đợt giảng bài, la và mắng rồi trách móc, than thở. Nghe rất mệt. Cũng có bữa bố mẹ đi làm về sớm nhưng em lại sợ giáp mặt với bố mẹ, sợ nghe giảng bài cả giờ. Thế nên em đóng cửa phòng và quay tấm bảng: "Ðang học bài, đừng làm phiền!" ra ngoài cửa để được yên thân".
"Bố mẹ tôi lúc nào cũng bắt tôi làm theo ý thích của mình, nhưng có bao giờ bố mẹ hiểu chúng tôi đang nghĩ gì và muốn gì? Xin phép để được tham dự một buổi trao quà cho trẻ em mồ côi ở ngoại thành (do Ðoàn trường tổ chức) mà tôi chưa kịp nói hết câu bố đã gạt phăng: "Bố sẽ cho con tiền để đóng góp gấp đôi các bạn nhưng con phải ở nhà học bài. Năm nay là năm cuối cấp, con đừng phí thời gian vào những chuyện vô bổ như vậy".
Tại sao bố lại nghĩ chuyện đó là vô bổ? Mình khấm khá hơn, đầy đủ hơn thì san sẻ tình cảm cho người khó khăn hơn chứ. Vài cái bánh đối với trẻ nghèo chắc cũng quý, nhưng quý hơn vẫn là chuyện các em được vui chơi với chúng tôi. Chúng tôi sẽ tổ chức trò chơi tập thể, sẽ dạy các em học hát... Rồi qua chuyến đi, bạn bè chúng tôi cũng thân thiết hơn... Sao bố không hiểu được chuyện đó?" - bức xúc của T.H., học sinh lớp 12 Trường THPT NK, không phải cá biệt.
Và từ nỗi buồn của chính gia đình, các bạn đã tìm đến những hoạt động bên ngoài vui vẻ và thoải mái hơn. Q.N., học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.4 (TP.HCM), thú thật: "Biết bạn đó rất quậy, ham chơi hơn ham học (mình từng nghe lời bạn cúp tiết mấy lần) nhưng mình không nghỉ chơi với bạn ấy được. Bạn rất tốt với mình, hiểu mình và sẵn sàng nghe mình nói mọi lúc mọi nơi, thậm chí bạn sẵn sàng nghe điện thoại của mình cả giờ giữa đêm khuya". T.T., học sinh lớp 9 Trường tư thục NTN (TP.HCM), kể: "Mẹ tôi luôn yêu cầu tôi phải học và học. Mẹ nói không cần tôi quan tâm đến bất cứ cái gì khác ngoài học. Ngay cả bà nội ốm, tôi muốn sang thăm nhưng mẹ cũng cản bảo phải ở nhà học bài, để ba đi với mẹ. Mẹ làm như tôi là máy học ấy".
Do vậy: "Học xong tôi không muốn về nhà, muốn đi chơi cho thỏa thích để giải tỏa tất cả những uẩn khúc, nỗi niềm. Bố mẹ thường lên án chúng tôi bị bệnh "thần tượng hóa" rằng "học không lo học, suốt ngày đi họp mặt fan club của ca sĩ. Ca sĩ M.T. đã làm được gì cho con mà con tốn thời gian, tốn tiền bạc vào những chuyện tầm phào như vậy?". Thật sự tôi rất muốn trả lời: "Chị T. không làm con buồn như khi bố mẹ quát con. Chị T. không làm con cảm thấy tuyệt vọng và cô đơn như ba mẹ. Chị T. luôn tạo cho con cảm giác vui vẻ, hồi hộp, hưng phấn. Khi gặp chị T. chưa lần nào con buồn, không vui hay khó chịu..." - T. tâm sự.
Tại sao các em ra nông nỗi này? Tại ai? Đừng nên đổ trách nhiệm cho gia đình, học đường... mà chúng ta, những người lớn, đang dẫn dắt các em đi đâu về đâu, đang giáo dục các em thành những con người thế nào... 1. Chương trình giáo dục dài và nặng. Đã vậy các em còn là nạn nhân của bệnh thành tích. Kiến thức cũ chưa thông đã “được” đẩy lên lớp. Những lỗ hổng kiến thức chồng chéo nhau khiến các em không còn hứng thú học tập. Nội dung học tập lại quá xa rời thực tế... Càng học các em càng mất căn bản, càng thấy như mình sa lầy trong biển học mênh mông. Thầy nói thầy hiểu. Học sinh đâm chán nản. Thế là quậy phá... 2. Thầy cô không còn là tấm gương khi trong “cơ chế giáo dục” còn đó những giờ thao giảng mà thầy cô, học sinh là những kịch sĩ. Vì áp lực thi đua, thầy cô và cả nhà trường tuồn đáp án hay sửa điểm. Môi trường học đường vì thế không còn bản chất trong sáng từ ngàn xưa nữa. Từ nhỏ các em quá quen với những hành động thiếu trung thực chỉ vì hai chữ thi đua, học thêm... Trong mắt các em người thầy đã rớt giá. 3. Những giá trị đạo đức gia đình không còn nữa. Ngày xưa hầu như không nghe hai từ ly hôn. Hôm nay một chút bất hòa nhỏ: ly hôn. Cha mẹ đưa nhau ra tòa xé hôn thú mà không hề nghĩ đến cảm nghĩ của con cái, không hề quan tâm đến cuộc sống tình cảm, không cần hiểu tâm lý đang lớn lên của các em. 4. Nền tảng đạo đức xã hội không còn. Hằng ngày ra rả trên tivi đề cao lối sống sành điệu, cuộc sống hưởng thụ, xa hoa... Cuộc sống thực dụng khiến cha mẹ lao vào kiếm tiền bằng mọi cách. Nơi đây gây tai nạn cho người dân, nơi kia điện rò rỉ, cây ngã... người lớn thường đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Hiếm thấy người lớn đứng ra nhận trách nhiệm, nêu gương tốt cho người trẻ. 5. Thầy cô không còn là điểm tựa khi các em mất niềm tin vào gia đình, vào con người xung quanh. Chương trình dài và nặng, thầy cô còn đâu hơi sức để tìm hiểu, an ủi, uốn nắn... học sinh. 6. Thầy cô mất đi vị trí người thầy. Khi học sinh không làm bài, học bài, trốn học... thầy cô không thể la mắng. Vì như thế là “xúc phạm đến nhân phẩm của các em”. Thậm chí học trò hỗn với thầy cô? Hãy lờ đi, hãy ráng chịu đựng. La mắng nó thưa là chết. Vì thế học sinh không học, thầy cô cứ bỏ mặc...cho đến khi các em bị đuổi học hoặc tự động nghỉ học. Có ai thấy rằng ngay trong gia đình các em như những người trọ. Vào trường học, các em là những gánh nặng. Các em bị bỏ rơi ngay chính trong gia đình, học đường. Ra xã hội sẽ có em nghĩ đến “trả thù đời”. Những người trẻ hư hỏng không phải hoàn toàn do thầy cô giáo. Đừng đặt “chuẩn” với thầy cô. Đừng tham vọng tiến sĩ hóa xã hội... Điều chúng ta cần làm là thay đổi cơ chế giáo dục. Hãy giáo dục các em thành những con người đúng nghĩa. Môi trường giáo dục trong sạch là chất xúc tác để xã hội và gia đình được nâng cấp về nhận thức và đạo đức. Bởi những con người xây dựng gia đình và xã hội ngày mai trước tiên họ đã có nền tảng vững chắc trong ý thức giáo dục nhân cách ngay từ trường học. Nền tảng tạo dựng nhân cách chính là ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, cụ thể là trường lớp. NGUYỄN NGỌC HÀ |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Lại thêm video clip "nữ sinh đánh nhau" gây xôn xaoNữ sinh đánh bạn, quay phim chuyền tay nhauVụ nữ sinh bị đánh hội đồng tại Hà Nội: công an đã tìm ra clip gốcYêu cầu các sở GD - ĐT ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học sinhClip nữ sinh bị đánh “hội đồng”: Công an đã xác định 2 học sinh ngồi xemSự thờ ơ dung dưỡng cho cái xấuVụ clip nữ sinh bị đánh hội đồng: Đã xác định 10 cá nhân liên quanVụ clip "nữ sinh đánh nhau": chỉ vì mâu thuẫn nhỏ!Vụ nữ sinh trong đoạn phim bị đánh “hội đồng”: Cảnh cáo, hạ hạnh kiểmSự vô cảm đang tăng lên?Người lớn vô cảm, người trẻ bắt chướcThờ ơ với chính mìnhVô cảm đến từ đâu?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận