![]() |
Một bệnh nhi bị nhiễm Rubella với những mụn nước đặc trưng dưới lòng bàn chân |
Nguyên nhân: chất lượng văcxin?
“Để đảm bảo an toàn tiêm phòng văcxin cho nhân dân, tạm ngừng ngay việc tiêm văcxin Priorix phòng sởi, quai bị, rubella do GlaxoSmithKline Biologicals S.A sản xuất cho tới khi Bộ Y tế thông báo tiếp tục sử dụng loại văcxin này” - hôm qua 11-5, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình đã ký thông báo khẩn như trên gửi các sở y tế trên toàn quốc.
Theo Cục Y tế dự phòng, các trẻ 13-16 tháng tuổi vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong vài ngày vừa qua sau khi tiêm văcxin nói trên đều có biểu hiện sốt cao, sưng tấy chỗ tiêm và nghi nhiễm khuẩn huyết. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu hiện tượng nói trên xảy ra với nhiều trường hợp, một trong những nguyên nhân được nghĩ đến nhiều là chất lượng văcxin.
Hai chuyên gia an toàn văcxin sang VN Chiều 11-5, bà Nguyễn Thị Tường Vi - giám đốc phụ trách bộ phận văcxin, Công ty GSK - cho biết văcxin Priorix được sản xuất tại Bỉ. Từ năm 2002 đến nay đã nhập khẩu vào VN 139.064 liều, được phân phối bởi Công ty Zuellig Pharma VN. Số lượng văcxin còn tồn kho đến ngày 11-5 là 49.623 liều. Số lượng của lô Prionix A 69 CA409A (văcxin chích cho ba trẻ bị tai biến nằm trong lô này - PV) là 11.000 liều, nhập vào VN tháng 11-2005. Tính đến ngày 11-5 đã được phân phối đến các đơn vị y tế trên toàn quốc với hơn 5.000 liều đã được sử dụng, còn gần 6.000 liều đang nằm ở kho của Công ty Zuellig Pharma. Theo yêu cầu của Sở Y tế, GSK cũng đã thông báo đơn vị phân phối tạm ngưng phân phối văcxin này. Ngoài ra, GSK tại VN cũng đã thông báo tình hình về công ty mẹ tại Bỉ. Trong ngày 10 và 11-5 đã có hai chuyên gia y khoa phụ trách về vấn đề an toàn văcxin bay từ Bỉ sang để phối hợp với cơ quan chức năng VN và TP.HCM điều tra nguyên nhân. |
Theo thông tin chúng tôi được biết, trong ngày 10-5, ngoài bệnh nhi (BN) N.T.B., 13 tháng tuổi, vào cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng I đã tử vong tối cùng ngày (hai bệnh nhi còn lại hôn mê), có thêm ba BN khác bị tai biến sau chích ngừa phải nhập viện.
Đó là bé N.V.D., 15 tháng, được chích ngừa sáng 10-5 tại trạm y tế phường 10, do Trung tâm Y tế Q.5 lúc đó chưa nhận được thông tin về việc có một số trẻ bị tai biến; bé P.T.N., hơn 13 tháng, được chích ngừa tại trạm y tế phường 4 vào ngày 4-5; và bé L.N.T.N., 15 tháng, được chích ngừa tại trạm y tế phường 9 vào ngày 9-5. Cả ba bé này khi được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Nhi Đồng 1 đều trong tình trạng sốt cao hơn 390C, sưng nề cánh tay bên chích.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết hiện nay cả ba bé nhập viện ngày 10-5 đang được theo dõi và điều trị kháng sinh tích cực, nơi sưng nề cánh tay không lan rộng, chưa có biến chứng nghiêm trọng. Về sức khỏe của BN H.C.V., 16 tháng tuổi và N.M.Q., 13 tháng tuổi, nhập viện ngày 9-5 có cải thiện hơn một chút về tri giác, mạch, huyết áp, nhưng vẫn còn thở máy.
Chờ kiểm nghiệm
Sở Y tế TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị tất cả các đơn vị hiện có loại văcxin Priorix (ngừa quai bị, sởi, rubella) của Công ty GlaxoSmithKline (GSK) tạm thời ngưng ngay việc sử dụng, tiến hành kiểm kê, niêm phong và chờ chỉ đạo tiếp theo của sở.
Sở Y tế cũng báo cáo Bộ Y tế và lãnh đạo UBND TP.HCM vụ BN bị tai biến sốc nặng sau tiêm ngừa văcxin Priorix. Đồng thời gửi công văn đến trưởng văn phòng đại diện Công ty GSK tại VN thông báo việc Sở Y tế quyết định tạm ngưng sử dụng lọai văcxin Priorix, yêu cầu Công ty GSK cùng hợp tác trong quá trình xem xét tìm nguyên nhân xảy ra tai biến. Ngoài ra, ngay trong ngày 11-5 phải cung cấp các thông tin liên quan về văcxin Priorix đã phân phối tại TP.HCM trong thời gian qua.
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đây là sự cố nghiêm trọng chưa từng xảy ra. Sở Y tế đã liên hệ với Viện Pasteur TP.HCM và Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS đề nghị hỗ trợ, phối hợp tìm nguyên nhân.
Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS yêu cầu sở gửi mẫu văcxin về đơn vị kiểm nghiệm của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, ở góc độ quản lý, sở cũng kiểm nghiệm chất lượng văcxin này. Việc điều tra, xác định nguyên nhân sẽ được tiến hành khẩn trương và khách quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận