16/02/2020 11:50 GMT+7

Tấm bánh quê ôm ấp tình thân

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Có một nghệ nhân bánh dân gian đã sáng tạo ra những món ngon bằng tất cả tình yêu thương hiện hữu hình dáng ông bà, cha mẹ và những ký ức tuổi thơ.

Tấm bánh quê ôm ấp tình thân - Ảnh 1.

Bà Xiếu Tiên, chị Bé Bảy và gia đình đang gói bánh tét nhân sâm - Ảnh: MINH TÂM

Đó là chị Lê Thị Bé Bảy, 36 tuổi, ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, Cần Thơ - người vừa được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là đầu bếp tiêu biểu năm 2019.

Bàn tay bà, tay mẹ nâng bàn tay con

Đêm quê bầu trời trong vắt cao lồng lộng, cả gia đình 3 thế hệ của chị Bé Bảy quây quần bên nhau gói bánh tét nhân sâm và bánh phu thê. Gói xong, mọi người bỏ bánh vào nồi, bên đống lửa đỏ tí tách, cháy bập bùng, mẹ của chị, bà Xiếu Tiên, kể cho con cháu nghe về những buổi tối tết xưa hiếm hoi ngồi cùng cha mẹ canh nồi bánh tét. Bà kết thúc câu chuyện: "Còn cơ hội để gần gũi và yêu thương như vầy, mấy đứa phải biết quý nghe hôn".

Ông Bàn Đức Hoa là thầy thuốc. Bà Dương Thị Tám giỏi tài nấu nướng. Ông từ xứ khác lưu lạc đến Hậu Giang rồi nên duyên chồng vợ với bà Tám. Khi Xiếu Tiên đang được tượng hình trong bụng mẹ thì chiến tranh, gia đình loạn lạc. Ông qua Campuchia, cưới thêm vợ. Chín năm trôi qua, ông biết được vợ con còn sống, nên rước cả hai qua Campuchia chung sống. Ở xứ người được 3 năm, ngoài nỗi nhớ quê cùng với những mâu thuẫn với người vợ thứ nên bà Tám dắt bé Xiếu Tiên 12 tuổi về quê nhà Hậu Giang. Sau đó, họ bặt tin nhau.

Thời gian trôi, bà Tám khuất bóng, cô bé Xiếu Tiên năm nào trở thành bà Xiếu Tiên 45 tuổi, có chồng và 5 đứa con, bất ngờ nhận được thư cha gửi về từ nước Mỹ xa xôi. Lúc đó, bà mới biết cha may mắn sống sót, sang nước Mỹ định cư. Niềm vui dâng tràn khi ông Hoa định ngày về quê hương thăm con cháu. Nhưng ông đột ngột qua đời, ước mơ được ôm chầm lấy cha già cho thỏa lòng mong nhớ vĩnh viễn tan biến.

Để nuôi đàn con 5 đứa, ngoài làm ruộng, bà Xiếu Tiên tiếp tục kế sinh nhai của mẹ là nghề làm bánh phu thê. Quê nghèo nên những cái bánh lúc ấy chỉ giản đơn, bột nếp bên ngoài, đậu xanh bên trong. Mười một tuổi, chị Lê Thị Bé Bảy đội bánh đi bán. Bánh ngon rẻ, cộng thêm tài rao bánh của Bé Bảy nên hôm nào cũng bán hết sạch. 

Cứ vậy, những cái bánh quê đượm đầy tình nghĩa đã nâng bước chân cô bé đến trường, rồi rời quê lên làm việc ở Cần Thơ.

Ngoài giờ làm việc, chị gói bánh bán để đỡ nhớ quê, cũng để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Khi được cơ quan cử đi thi trong lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2015, chị đã làm ra món bánh phu thê nhân mặn: da bánh gồm bột nếp, ngũ cốc, hành lá và nước cốt dừa; nhân bánh gồm lạp xưởng, trứng muối, thịt nạc, đậu xanh… 

Sự hài hòa của các nguyên liệu cùng những bí kíp riêng đã tạo ra bánh phu thê nhân mặn độc đáo giúp cô bé bán bánh dạo ngày xưa đoạt huy chương vàng trong cuộc thi lần đó.

Bánh tét kết nối gia đình

Những năm tháng tuổi già, có lẽ do nỗi khao khát được ôm lấy cha sau mấy chục năm trời xa cách không được thực hiện khiến bà Xiếu Tiên hay thờ thẫn, quay quắt nên nhiều khi bà ngồi lặng lẽ nước mắt chảy quanh. Thương mẹ, chị Bé Bảy nghĩ phải làm một loại bánh nào đó để mẹ - con - cháu có thể kết nối với ông ngoại của mình. 

Nhớ lại khi 7 tuổi, món quà của ông từ nước ngoài lúc nào cũng có hộp nhân sâm nên chị bật ra ý tưởng làm ra bánh tét bằng cách lấy nhân sâm làm nguyên liệu chính, để giữ gìn ký ức của mẹ, cũng là của chị về ông ngoại của mình.

Suốt cả tháng ròng, trải qua vô số thất bại để rồi hai mẹ con đã thành công khi làm ra những đòn bánh tét có hồng đẳng sâm, nếp dẻo, hoa đậu biếc, sen, bắp, lòng đỏ trứng, thịt gà phối trộn nhau, vừa có hương vị quyến rũ lạ lùng và quan trọng là có giá trị dinh dưỡng cao. 

Kiều bào ở các nước như Nhật, Mỹ, Pháp về thăm quê, ăn bánh tét thấy thích nên mua mang theo giới thiệu cho khách nước ngoài. Và tùy theo quốc gia, chị không dùng thịt mà dùng hồng đẳng sâm, ngũ cốc hoặc có quốc gia không bỏ trứng vào bánh mà chỉ cần hồng đẳng sâm, hạt sen.

Từ ngày bánh tét hồng đẳng sâm ra đời, bà Xiếu Tiên ngồi gói với con cháu trong trạng thái thong dong, vui vẻ. Những ngày rằm, người mẹ xúc động đem bánh dâng cúng, báo cha già rằng từ củ nhân sâm, con cháu đã tạo ra bánh độc đáo để có nghề sống tốt, cho bà được ký ức về những ngày sống 3 năm ngắn ngủi với cha.

Những ngày ngồi gói bánh chính là khoảnh khắc sum vầy ấm áp nhất bởi sợi dây tình cảm gắn kết các thành viên 3 thế hệ trong gia đình với tổ tiên ông bà.

Món cháo giải cảm của mẹ

Chị Bé Bảy nhớ ngày xưa nhà nghèo nên mẹ tẩm bổ cho các con bằng món cá tra do cha bắt dưới mương nhà. Dưới tài nấu nướng của mẹ, cá tra biến thành đủ món ngon tuyệt trần đời như cá tra nấu canh chua, cá tra hấp tương, hoặc khô cá tra dùng trong những ngày mưa bão.

Mỗi khi chị cảm, mẹ thường nấu cháo cá tra cho chị ăn giải cảm, những tô cháo cá tra dưới bàn tay yêu thương của mẹ khiến chị hít hà, xì xụp ăn sạch.

Năm 2017, tại một cuộc thi nấu ăn với nguyên liệu chính là cá tra, chị Bé Bảy đã đăng ký dự thi với 2 món: cá tra hấp ngũ vị và cháo cá tra. Trong đó, món cá tra hấp lá sen chấm với 5 loại nước xốt có 5 màu khác nhau. Những món ăn độc đáo này giúp chị đoạt giải 3.

Từ những món ăn dân dã mang mong ước bồi bổ của bà mẹ quê dành cho những đứa con thơ được sáng tạo, biến thành đặc sản ở vài nhà hàng, khách sạn, khu du lịch đất Tây đô...

'Nữ tướng đưa đò' đất Cồn Sơn

TTO - Gần 40 năm qua, con đò mang tên Tư Sơn rẽ dòng sông Hậu đưa khách sang sông, và không biết bao nhiêu lớp trẻ ở Cồn Sơn được cắp sách đến trường trên con đò của bà Tư ở bến Cô Bắc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên