Tôi đã chứng kiến người nông dân miền núi cả tháng chỉ chi tiêu 5.000 đồng (năm 2001) để mua muối và dầu hoả, còn mọi thứ tự cung tự cấp hết. Đi về nông thôn, lên miền núi thấy rõ cái nghèo dồn lên người dân. Tại thành phố thì ngoài các khu phố lớn và khu đô thị (chỉ dành cho người giàu và quan chức), còn lại cũng rõ ràng cảnh nghèo.
Rõ ràng chúng ta có vấn đề về công bằng xã hội, thể hiện ở hình ảnh người nông dân, đồng bào thiểu số, người thu nhập thấp ngày càng bị bỏ xa. Đất canh tác ngày một mất đi, công cụ sản xuất người dân ngày càng hiếm hoi. Đã có cơ quan nào của Chính phủ làm phép số cộng đơn giản xem bao nhiêu hecta ruộng canh tác bị biến thành nhà ở, làm nhà máy, trong khi nước ta đồi núi là chủ yếu? Vì thế, nguyên nhân cái nghèo ở đâu chúng ta có lẽ ai cũng biết mà lại khó chỉ ra. Xin các bạn chỉ hộ xem sao!
Chúng ta nghèo vì cái tâm chúng ta chưa tốt? Người phương Tây có câu "Giá trị của định chế không phụ thuộc vào định chế nhưng phụ thuộc vào người áp dụng định chế đó", hay nói cách khác, "giá trị của một tổ chức không phụ thuộc vào học thuyết mà tổ chức ấy theo đuổi nhưng phụ thuộc vào hệ thống người quản lý hệ thống ấy". Bao nhiêu lâu chúng ta vẫn có cái nhìn phân biệt mù quáng, u tối và nặng nề trong việc chọn và sử dụng người công bộc phục vụ đất nước, chúng ta vẫn cứ tiến vào thế kỷ 21 với miếng giẻ rách là sức ì nặng nề tự duy và hành động và tự nghĩ ra là chúng ta có nhiều cái đáng tự hào biết bao.
Hồ Chí Minh là người sáng suốt khi trong những ngày đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tiếp quản có chọn lọc thành phần ưu tú của xã hội đương thời, nên bộ máy quản lý nhà nước lúc bấy giờ mang tính "hợp chủng quốc" nhất trong lịch sử Việt Nam và có những thành tựu rất đáng ghi nhận trong tình hình đương thời mà sau này không hề có.
Vào lúc mà Đại học mở TP.HCM mới được mở, rất nhiều Việt kiều trí thức cao nghĩ rằng Việt Nam đã thay đổi và họ kéo nhau về nước hy vọng làm cái gì đó, đầu tiên là các trường đại học. Nhưng khi làm chung với nhau, vấn đề “quân tử, tiểu nhân” xuất hiện mâu thuẫn và thế là mọi chuyện trở về trước kia. Chung quy lại vẫn là con người, "giá trị của một định chế không phụ thuộc vào định chế nhưng phụ thuộc vào người áp dụng định chế đó".
Đã 30 năm thống nhất đất nước, chiến tranh đã là dĩ vãng, thế nhưng sao cùng khoảng thời gian ấy, Đức và Nhật Bản sau thế chiến thứ 2 lại giàu lên nhanh chóng? Nhìn sang Hàn Quốc, sau chiến tranh Triều Tiên khoảng năm 1953, đến thập niên 80 đã trở thành một nước công nghiệp đáng nể mà thế giới cũng thường nhắc đến như một hiện tượng.
Việt Nam cũng cùng thời gian là 30 năm sau chiến tranh, nhưng sao Việt Nam lại nghèo đến như vậy? Tôi là một người Việt sống xa quê hương khá lâu, có xa quê hương nhìn lại tôi mới cảm thấy lo lắng nhiều và trăn trở nhiều cho tương lai đất nước. Vì lý do gì chúng ta tụt hậu đến như vậy? Người Việt mình chắc không nói đến nhưng ai cũng biết rồi, dân trí và trình độ không thua bất kì ai, bằng chứng là các cuộc tranh tài trí tuệ khắp thế giới mấy chục năm qua, từ bất kì lĩnh vực nào, ngay cả lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao như các cuộc thi Robocon, Việt Nam lần đầu tham gia đã đoạt được giải cao và cũng là quốc gia đứng đầu trong số lần tham gia cuộc thi.
Dân trí thì như vậy, vậy tại sao chúng ta lại nghèo? Có phải có vấn đề gì đó nằm ở cung cách quản lý? Điều tôi trăn trở nhiều nhất đó là chúng ta cứ phải đi học của nước này một chút, nước kia một chút. Tại sao chúng ta không thể tự mình đưa ra một phương pháp nào đó do chính chúng ta làm? Nhân tài của Việt Nam không ít, tại sao mọi thứ đều phải cứ chờ và học từ Trung Quốc, như vậy thì biết bao giờ chúng ta vượt qua được ai?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận