Phóng to |
Trẻ em chơi game online - Ảnh: T.T.D |
Tôi được mời dạy với giá 150.000-200.000 đồng/tiết. Các em được cha mẹ chăm chút đến ngộp thở, được đầu tư học tập đến gia sư còn phải sợ! Thường các em đạt danh hiệu học sinh giỏi ở bậc tiểu học và những năm đầu của cấp II. Cuối cấp II, đầu cấp III việc học sa sút hẳn. Đến khi ba mẹ biết được, các em đã bỏ học theo game từ lâu...
Tôi đã theo hỏi han, bám sát từng em và biết những sự thật đáng buồn. Các em hoàn toàn nhận mình có lỗi chứ không đổ thừa tại ai. Em Đ., con một công chức bậc cao, bộc bạch: "Học nhiều quá cô à, sáng mở mắt dậy đã thấy chữ học. Từ lớp 1 đã học suốt ngày... Đến cấp II học luôn cả ngày chủ nhật. Một lần em thử lén mẹ bỏ học thêm, vào tiệm net chơi game, thấy thích, chơi tiếp rồi nghiện luôn. Giờ bỏ không được... tới đâu thì tới, cô ơi...".
Em H. thì bảo rằng: "Lên lớp càng cao, bài càng khó mà mẹ cứ bắt em đứng nhất lớp. Một bữa, em chỉ được 5 điểm môn lý, mẹ chửi hoài, em chán quá. Một ngày trống tiết cuối, mẹ chưa đến đón, em vào tiệm net chơi... rồi mê luôn".
Em T.H. tâm sự với tôi: "Em không đủ sức vào trường chuyên mà mẹ cứ bắt em thi vào. Cuối cùng em rớt, mẹ cứ chì chiết bảo em không có ý chí tiến thân, hậu đậu... Em chơi game vì trong đó em được là chính mình...".
Như vậy có phải nhiều trường hợp học sinh mê game bắt nguồn từ áp lực học hành, áp lực thành công của cha mẹ? Làm sao các em không bê tha vào thế giới ảo khi thực tế các em không có phút giây thảnh thơi? Có đi làm gia sư tôi mới biết các em bị cha mẹ ép học đến mức nào. Cô dạy văn vừa ra khỏi phòng, thầy dạy toán bước vào. Thầy dạy toán vừa bước ra, cô dạy tiếng Anh lại bước vào... Có em, cha mẹ mời bốn thầy dạy toán, lý, hóa, Anh, rồi mời thêm bốn thầy khác chỉ các em làm bài tập của bốn thầy kia giao! Có em, ngoài tám thầy vừa dạy vừa giao bài và giải bài tập, còn thêm một gia sư có nhiệm vụ trả bài các môn thuộc lòng và một gia sư kiểm tra lại các bài tập trong lớp!
Cha mẹ thì như vậy, còn nhà trường đâu? Ban đầu thầy cô còn điểm danh, giáo viên chủ nhiệm còn mời phụ huynh. Thế nhưng, đa số phụ huynh bận việc hoặc chỉ siết thêm tiền bạc, sự tự do của các em... Hậu quả là việc gì đến phải đến, một số em liều mạng, bỏ luôn học hành để rồi "ra sao thì ra".
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại xem liệu chúng ta có quá kỳ vọng, khe khắt với con cái để chúng phải sa vào thế giới ảo không. Đã đến lúc chúng ta nhìn lại liệu chương trình giáo dục có phù hợp và đủ gây hứng thú để kéo các em ra khỏi sự thu hút của game không? Tại sao các nước phương Tây, trẻ em, thanh niên... chỉ chơi game chừng mực, chuyện bỏ học vì game khá hiếm. Nạn bỏ học theo game chỉ xuất hiện ở những nước có áp lực học tập cũng như kỳ vọng thành công của bố mẹ đặt trên vai người trẻ quá cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, VN...?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận