Tôi ngồi dưới một bụi chuối, lòng hoang mang vì một nỗi đau thầm kín.
Phóng to |
Minh họa: Văn Xuân Lộc |
- Tại sao con khóc?
Tôi giật mình. Thằng Hùng con bà Hai xóm trên, tóc tai như quạ đánh, ở trần lòi xương sườn, mặc mỗi chiếc quần đùi rộng rinh mặc khính của ai đó. Đôi chân trần của nó bám đầy đất, hẳn là mới trốn ngủ trưa nhong ra đồng đây mà. Trước đây tôi đã từng thấy nó bị ông Chín rượt chạy tóe khói vì tội để trâu ăn lúa nhà ổng. Thấy vậy chứ tôi cũng chưa bao giờ nói chuyện với nó. Tôi cúi xuống, quẹt nước mắt.
- Khóc gì kệ tui.
Thằng Hùng lì lợm, chẳng nói chẳng rằng, ngồi phịch xuống đối diện, rồi ngó chằm chằm vô mặt tôi. Tôi bực quá hét lên:
- Dòm cái gì?
- A, mới gãy răng phải không? - Nó tròn xoe mắt reo lên.
Tôi cứng họng, ngậm chặt miệng, quỷ thần ơi!
oOo
Buổi trưa hôm ấy hóa ra lại đáng nhớ. Hùng bảo tôi ngậm một ít nước muối, súc miệng xong xuôi rồi dắt tôi ra sau bếp, đứng nghiêm trang y như ông nội và khấn:
“Hú chuột!
Răng cũ về mày, răng mới về tao
Răng mày làm sao, răng tao làm vậy!”.
Vừa dứt câu, nó thảy chiếc răng sữa của tôi lên mái nhà nghe cộp một cái. Nó kêu hồi năm ngoái má tao cũng làm vậy, rồi ngoác mồm cười phớ lớ.
Kể từ đó, tôi chơi thân với Hùng, chính xác là hai chị em tôi chơi thân với Hùng. Bà chị hơn tôi hai tuổi, có vẻ rất khoái cái thằng bạn đen nhẻm và ngộ nghĩnh này. Chúng tôi là những đứa bạn thật sự đầu tiên của Hùng. Ngoài chị em tôi, chẳng đứa nào trong làng này chơi với nó. Hùng hơi… không bình thường, có lẽ là bẩm sinh. Chỉ có chị em tôi là không nói nó “Khùng”, và chỉ có nó mới không chọc tôi là “Sún”.
Thỉnh thoảng Hùng hay lên cơn tưng tửng, nghe nói bà Hai nợ tứ tung chỉ để chạy chữa cho nó mà vẫn chưa khỏi, Nhưng những lúc bình thường, nó lại là đứa hiền như cục đất, vui vẻ và khéo tay. Buổi trưa, ba đứa chúng tôi thường trốn mẹ đi chơi, lúc thì hái ổi hái xoài, lúc thì bắt dế, thả diều, chơi bán hàng, bắt cá. Đặc biệt, Hùng biết tôi thích hoa xuyến chi nên nó thường ra đồng cỏ hái tặng tôi. Mỗi lần tặng, nó chẳng nói gì hết, chỉ cười. Có lần mải mê hái thêm nên nó suýt bị rắn cắn, tôi ở gần đó cũng đạp phải một ổ kiến, mát trời ông địa! Vì vụ đó mà tụi tôi đều ăn đòn, bị bắt hứa là không chơi dại kiểu như thế nữa. Chúng tôi nước mắt lưng tròng hứa lia lịa nhưng rồi sau đó lại kéo nhau đi hái cái này bắt cái kia như thường. Con nít thường mau quên…
oOo
Hè, chị em chúng tôi tranh thủ về thăm ba mẹ sau đợt thi. Trời chiều mát mẻ, gió hiu hiu thổi vòm lá xào xạc trên mái. Chị tôi cầm bình nước chăm sóc cho mấy chậu hoa be bé ở thềm nhà. Còn tôi thu dọn mớ áo quần phơi ngoài dây. Tôi đang huyên thuyên về những quán chè quán ốc sinh viên ở Huế thì im bặt khi nghe tiếng leng keng quen thuộc ngoài đường.
- Chị, em trốn đây, nói là em không có ở nhà nghe!
Tôi vội vã nói và chuồn thẳng vô nhà, nấp ở góc cửa.
- Chào chị Trang - giọng nói vui vẻ cất lên.
- Chào Hùng - chị tôi giả bộ ngừng tay trả lời - em mới ở ủy ban về hả?
- Dạ, em mới đi họp về. Có cái thư mời ba chị dự đại hội sắp tới ở ủy ban nè, nhờ chị đưa cho chú, nhắc chú đi đúng giờ nha.
Chị tôi cười và nhận tờ giấy học trò, nghiêm túc đọc những dòng vẽ ngoằn ngoèo trong đó.
- Ừa, chị nhớ, cám ơn Hùng.
- Ờ chị ơi… - Hùng nói nhỏ - Có Văn ở nhà hông?
Tôi thót tim khi nghe đến tên mình.
- Nó đi chơi rồi em, có gì không chị nhắn giùm.
- Ờ… dạ không có gì. Chào chị em về.
Hùng ra đường và vừa đi vừa nghêu ngao “Thông báo thông báo, thông báo mới đây…”. Tôi nghe cái giọng càng lúc càng nhỏ đi mới thở phào và dám đi ra. Chị nhìn tôi, thở dài.
Thật ra từ lâu tôi đã biết Hùng có tình cảm đặc biệt với tôi, nhưng tôi vẫn cố phớt lờ để tình bạn được như xưa. Trong làng cũng có vài anh chàng thích chị em chúng tôi. Chúng tôi chơi cũng ác, lúc các chàng ấy thay nhau đến nhà “nói chuyện” thì tụi tôi “đổi vai”. Ai thích chị thì em ra tiếp, ai thích em thì chị ra tiếp, vì chúng tôi nhìn rất giống nhau, như sinh đôi vậy. Thế mà các chàng ấy chẳng ai nhận ra, cứ ngồi say sưa tán hươu tán vượn. Chỉ trừ Hùng. Lúc tôi đi học đại học ở Huế, có lần Hùng đến nhà tôi, xin gặp ba mẹ tôi và nghiêm chỉnh nói:
- Thưa cô chú, con xin thưa chuyện trọng đại, đó là con muốn lấy Văn làm vợ. Con xin phép ý kiến của cô chú.
Đã thế, hôm kia khi tôi vừa về, Hùng còn đến tận nhà nói: “Mong cô chú cho con được cưới Văn, con đã chuẩn bị sẵn máy bay đưa Văn qua Mỹ rồi”. Tôi còn biết làm thế nào!
- Chẳng ai ép duyên được, nhưng sao thấy tội nó quá - chị tôi chép miệng, đặt bình nước xuống.
oOo
Hai hôm sau, bà Hai hộc tốc chạy xuống nhà tôi, vừa vô đến nhà là bà khóc nấc lên, cầm tay van xin mẹ tôi.
- Chị ơi em xin chị, nhờ chị cho bé Văn qua nhà em dỗ thằng Hùng, chứ mấy ngày nay nó chả ăn uống gì, lại lên cơn nữa. Không thì con em nó chết mất.
Bà lại khóc vật vã, mái tóc đã bạc quá nửa, xác xơ. Suy nghĩ mãi, tôi mới quyết định đi gặp Hùng. Căn nhà vách đất ngày nào bây giờ lại càng tơi tả cũ nát hơn. Mấy ngọn rau cải mọc bên hông nhà còi cọc, teo tóp một màu xanh ngả vàng, nhăn nhúm. Vừa vào ngõ, tôi đã nghe Hùng gào lên:
- Con không có điên! Sao bố mẹ lại muốn đưa con vô nhà thương điên?
Rồi sau đó là tiếng ông bố của Hùng năn nỉ đứa con ăn cơm, tiếng khóc đau đớn của Hùng và tiếng đập bàn đập ghế huyên náo cả một góc đường. Tôi nhìn bà Hai, rồi bước vào. Mọi thứ trong nhà đều bừa bộn, chăn màn bị kéo xệ nửa trên nửa dưới, ghế văng lung tung, tô chén từ mấy ngày qua khô khốc nằm chỏng chơ khắp nhà. Hùng nhìn thấy tôi, bỗng khựng lại, đờ đẫn. Ánh nhìn tê dại và đau đớn của Hùng như lưỡi dao cắt vào tim tôi, nụ cười trong veo của bạn tôi đã chìm vào nỗi khổ tâm, cô độc và tủi nhục từ nhỏ đến lớn. Tôi cố gắng cười gượng, khuyên Hùng bình tĩnh và ăn uống. Hùng vẫn đứng đó, nghiêng đầu.
- Văn sẽ lấy Hùng chứ?
Hùng nói dồn dập.
- Không phải không? Văn cũng chê Hùng nghèo, không có tiền không có xe, lại ở nhà thương điên, đúng không? Văn đâu có thương Hùng, phải mà.
Tôi cay đắng im lặng, cầm tô cháo thuyết phục Hùng ăn. Bao nhiêu yêu cầu bao nhiêu câu hỏi gì của Hùng tôi cũng đều ừ, bất kể nó có nghĩa gì, vì trong đầu tôi chẳng còn gì nữa. Cuối cùng, Hùng cũng dịu bớt, và bắt đầu chịu ăn.
- Văn sẽ lấy mình, thiệt hả? - Vừa húp miếng cháo đầu tiên, Hùng len lén hỏi lại.
- Ừ.
- Văn không khinh thường Hùng hả?
- Ừ.
- Vậy mình sẽ làm chồng tốt của Văn, rồi tặng Văn rất nhiều hoa xuyến chi - Hùng vừa húp cháo, vừa cười khanh khách về một ước mơ đẹp, thỉnh thoảng lại lén nhìn tôi như sợ một giấc mơ vụt bay.
oOo
Tôi đạp xe về căn nhà trọ trong một buổi chiều thơm mùi hoa cỏ cố đô. Những dãy nhà cổ rêu phong nối nhau san sát và dậy lên một không khí xưa cũ. Tôi thích cái cảm giác đó. Thời gian cứ đi theo quỹ đạo của nó, con người cũng phải tự tìm cách lớn lên. Vào cổng, tôi hét lên sung sướng khi nhìn thấy một bức thư đề địa chỉ ở quê gửi ra. Tôi lập tức nhét bức thư vào cặp, dắt xe ra và đạp xe ra bờ sông Hương. Mỗi khi đọc thư hoặc truyện, tôi thường ra bờ sông ngồi, ở một vạt cỏ mềm và trông ra một bờ toàn cỏ lau thả mình trong gió. Tôi mở thư.
“Văn,
Tuần trước, Hùng đã mất vì bị xe đụng. Mong con đừng quá đau buồn.
Gia đình bên ấy chuyển nhà, và họ tìm ra cái này, nhờ mẹ gửi ra cho con.
Thương con nhiều”
Tôi ngồi im. Gió lay những ngọn lau xào xạc bên bờ sông. Từ nay tôi không còn gặp Hùng nữa, nụ cười hiền như cục đất đó cũng tan biến như giấc mơ vụt bay của Hùng ngày ấy, còn giờ là của tôi. Sau bức thư là một trang giấy nguệch ngoạc những nét chữ mới tập, và một bông hoa xuyến chi ép khô. Hùng là người rất khéo tay.
Tôi bật khóc. Lần này, chẳng ai hỏi tôi “Tại sao con khóc?”.
Áo Trắng số 6 ra ngày 01/04/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận