18/03/2006 02:12 GMT+7

Tại sao chỉ có kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nền tảng?

NGUYỄN VĂN TUẤT(chuyên viên cao cấp)
NGUYỄN VĂN TUẤT(chuyên viên cao cấp)

TT - Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng xác định: ‘‘Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Nghiên cứu đoạn văn trên chúng tôi thấy: việc xác định phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là hoàn toàn đúng đắn, bởi đó là một trong những yếu tố đảm bảo cho nền kinh tế thị trường của nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên ở đây cần phải nhấn mạnh thêm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không phải là kinh tế nhà nước chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân, mà là kinh tế nhà nước nắm lấy những lĩnh vực then chốt như kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

Còn nói rằng chỉ có kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân thì không đủ sức thuyết phục vì:

- Một là, cách đặt vấn đề như vậy làm cho người dân cảm thấy hình như vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Rằng chỉ có kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể mới dần trở thành nền tảng của kinh tế quốc dân.

Còn các thành phần kinh tế khác: kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn nước ngoài thì không phải là nền tảng. Điều này không phù hợp với quan điểm được đề cập ngay trong dự thảo văn kiện Đại hội X của Đảng: ‘‘Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”.

- Hai là, trong thực tiễn kinh tế nhà nước đang được tiếp tục đổi mới. Các doanh nghiệp nhà nước đang được sắp xếp, cấu trúc lại theo hướng chỉ giữ lại doanh nghiệp 100% vốn ở một số lĩnh vực cần thiết, còn lại là cổ phần hóa, một số có thể bán, khoán hoặc cho thuê (có nghĩa là chuyển hình thức sở hữu).

Vì thế tỉ trọng kinh tế nhà nước có thể giảm xuống. Kinh tế tập thể hiện nay chiếm một tỉ trọng chưa đáng kể, triển vọng phát triển trong tương lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân cả về số lượng doanh nghiệp, tỉ trọng GDP, thu hút nguồn nhân lực, xuất khẩu hàng hóa, đóng góp cho ngân sách...

Theo chúng tôi, vai trò quan trọng của mỗi thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân không thể xác định theo mong muốn chủ quan mà chính là do sự đóng góp của mỗi thành phần vào nền kinh tế chung của cả nước qui định.

NGUYỄN VĂN TUẤT(chuyên viên cao cấp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên