Theo Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 2.372 con sông lớn nhỏ có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 109 sông chính. Trong số này có 9 sông là sông Hồng, sông Thái Bình, sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai, sông Cửu Long và bốn nhánh sông là sông Đà, sông Lô, sông Sê San, sông Srê Pok đã tạo nên một lưu vực trên 10.000km2, chiếm khoảng 93% tổng diện tích của mạng lưới sông ngòi Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều các loại hồ tự nhiên, hồ đập, đầm phá, vực nước có kích thước khác nhau tùy thuộc vào mùa. Một số hồ lớn được biết đến như hồ Lắk rộng 10km2 tại tỉnh Đắk Lắk, Biển Hồ rộng 2,2km2 ở Gia Lai, hồ Ba Bể rộng 5km2 tại Bắc Kạn và hồ Tây rộng 4,5km2 tại Hà Nội. Các đầm phá lớn thường gặp ở cửa sông vùng duyên hải miền Trung như Tam Giang, Cầu Hai và Thị Nại.
Việt Nam còn có hàng ngàn hồ đập nhân tạo với tổng sức chứa lên đến 26 tỷ m3 nước. Sáu hồ lớn nhất có sức chứa trên 1 tỷ m3 đang được sử dụng để khai thác thủy điện là hồ Hòa Bình, Thác Bà, Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ và Ya Ly. Nhiều hồ và đập nhỏ hơn trên khắp toàn quốc phục vụ tưới tiêu như Cấm Sơn - Bắc Giang, Kể Gỗ - Hà Tĩnh và Phú Ninh - Quảng Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có hơn 3.500 hồ chứa lớn nhỏ và khoảng 650 hồ chứa cỡ lớn và trung bình dùng để sản xuất thủy điện, kiểm soát lũ lụt, giao thông thủy, thủy lợi và nuôi trồng thủy sản.
Nước ngầm là nguồn nước có tiềm năng trữ lượng lớn, đặc biệt là ở Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Tài nguyên nước ven biển và các vùng đất ngập nước nội địa có tầm quan trọng cao cho việc bảo tồn, duy trì chức năng sinh thái và đa dạng sinh học đất ngập nước, tiêu biểu như hồ Ba Bể, đất ngập nước Xuân Thủy, Tiền Hải, Bàu Sấu, Cần Giờ và Tràm Chim.
Mặc dù tài nguyên nước của Việt Nam có trữ lượng dồi dào, nhưng trên thực tế nguồn nước có thể sử dụng ngay lại có hạn vì phân bố không đều. Nhiều vùng bị thiếu nước sạch để sinh hoạt do ô nhiễm, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và các tác nhân khác.
Chất lượng nước bị suy giảm nghiêm trọng đã hủy hoại môi trường sống và đẩy con người đến gần các rủi ro nguy hiểm. Ước tính khoảng 37% lượng nước mất đi do lãng phí, thậm chí có nơi lên đến 50%. Nguyên nhân là một phần hệ thống tưới tiêu của Việt Nam được xây dựng từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước đến nay đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng. Trong khi đó, hệ thống tưới tiêu hiện tại chỉ có khả năng cung cấp nước cho khoảng 50 - 60% theo yêu cầu thiết kế được tưới.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã áp dụng một số cơ chế nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nước. Và kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò quan trọng của cộng đồng địa phương, với tư cách vừa là người trực tiếp sử dụng nước, vừa là người quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. Mặc dù còn nhiều bất cập về mặt pháp luật, thể chế và năng lực, nhưng cộng đồng địa phương đã chứng minh được tài nguyên nước sẽ được quản lý tốt hơn, nếu có sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận