24/04/2015 08:55 GMT+7

Tài liệu dạy học hấp dẫn, dễ hiểu hơn sách giáo khoa

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TT - Không phải đến thời điểm này Sở GD-ĐT TP.HCM mới có ý tưởng làm bộ sách giáo khoa (SGK) cho thành phố.

Cô Lưu Thụy Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 8-4, hướng dẫn học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú, TP.HCM) học môn vật lý bằng “Tài liệu dạy học vật lý” do Sở GD-ĐT TP.HCM soạn vào chiều 23-4. Tài liệu này đưa vào giảng dạy từ năm 2011 thay sách giáo khoa vật lý - Ảnh: Như Hùng

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS HUỲNH CÔNG MINH, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM -  người đưa ra ý tưởng và tổ chức biên soạn bộ “SGK” (tên chính thức là Bộ tài liệu dạy học bậc THCS) của TP.HCM từ năm 2009. Ông Minh cho biết: 

- Từ thực tế dạy và học ở các trường phổ thông và trong quá trình quản lý, chúng tôi nhận thấy rằng khi cả nước cùng sử dụng một bộ sách thì việc phát huy vai trò tích cực, sự sáng tạo của giáo viên, học sinh gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, TP.HCM đang tích cực đổi mới nhà trường - đổi mới để hội nhập quốc tế, xây dựng nền giáo dục tiên tiến, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học. Muốn thực hiện tốt việc này cần có bốn yếu tố: đổi mới thi cử, trang thiết bị dạy học hiện đại, đổi mới cách làm việc của thầy cô giáo và yếu tố cuối cùng là tài liệu, SGK.

Thời điểm năm 2009, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương đổi mới thi cử; cơ sở vật chất - trang thiết bị thì UBND TP quan tâm đầu tư cho ngành GD-ĐT đầy đủ, đội ngũ giáo viên giỏi đã có, vấn đề còn lại là SGK. Do đó, chúng tôi bàn bạc và xin phép Bộ GD-ĐT cho biên soạn Bộ tài liệu dạy học bậc THCS. 

Chỉ có TP.HCM đăng ký viết SGK 

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trong số 63 sở GD-ĐT trên cả nước, hiện chỉ có Sở GD-ĐT TP.HCM có công văn gửi về bộ đăng ký viết SGK theo chương trình mới và Bộ GD-ĐT đã đồng ý.

“Bộ GD-ĐT khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân nếu có trình độ, tâm huyết đều có thể tham gia viết SGK. Sở GD-ĐT nếu hội tụ được đội ngũ những người đảm bảo các tiêu chí cơ bản về phẩm chất, trình độ khoa học, năng lực sư phạm đều có thể tham gia viết SGK” - ông Hiển cho biết. 

Để tránh xảy ra việc quá sai lệch về nội dung, chất lượng các bộ SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn, Bộ GD-ĐT sẽ góp ý về đề cương cho các nhóm viết sách. SGK của các tổ chức, cá nhân nếu được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt thì mới được sử dụng cho việc dạy học trong các nhà trường phổ thông.

* Thưa ông, tại sao lại bắt đầu từ bậc THCS mà không phải là bậc học khác? 

- Vì học sinh lớp 12 vẫn thi theo đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh đại học do Bộ GD-ĐT ra đề. Riêng bậc THCS có điều kiện thuận lợi hơn: các em không phải thi tốt nghiệp THCS mà thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD-ĐT ra đề.

Cách học và cách thi liên quan mật thiết với nhau. Do đó, chúng tôi xin thực hiện ở bậc THCS trước.  

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì quá thuận lợi cho việc thực hiện một bộ sách cho cả bậc phổ thông. 

* Vậy Bộ tài liệu dạy học của TP.HCM có gì khác so với SGK của Bộ GD-ĐT? 

- Mục đích của TP.HCM khi biên soạn Bộ tài liệu dạy học là tạo ra cuốn tài liệu thể hiện theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng (bám sát nội dung chương trình hiện hành của Bộ GD-ĐT) nhưng chỉ thay đổi cách thức tiếp cận với kiến thức ấy cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh học sinh TP.HCM.

Chủ trương của sở khi biên soạn Bộ tài liệu dạy học là làm sao giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính thực tiễn, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống.

Bộ tài liệu dạy học có thêm nhiều hình ảnh hấp dẫn, cách diễn giải dễ hiểu, ngôn ngữ gần gũi với người địa phương.

Có thể nói bộ sách là sự đúc kết những bài soạn từ các thầy cô giáo giỏi của  TP.

Chúng tôi có phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP để mời các nhà khoa học thẩm định, góp ý cho bộ sách.

Tóm lại, yêu cầu của bộ sách là phải đáp ứng được nhu cầu tự học của học sinh, tạo được “không gian” cho giáo viên thể hiện sự sáng tạo khi giảng dạy, học sinh thể hiện sự sáng tạo khi học tập. 

* Khi bắt tay vào thực hiện, Sở GD-ĐT có gặp khó khăn không? Và khi bộ sách ra đời có đáp ứng được mục tiêu ban đầu? 

- Cá nhân tôi thấy bộ sách rất tốt, thực hiện được mục tiêu chúng tôi mong đợi. Tuy nhiên, tôi nghĩ người nhận xét khách quan nhất là giáo viên, học sinh  - những người trực tiếp sử dụng nó. 

Riêng về khó khăn thì khá nhiều: hồi ấy chưa có chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK như bây giờ nên sở xin phép biên soạn Bộ tài liệu dạy học (chứ không được gọi là SGK) cho phù hợp với luật định. Lực lượng biên soạn sách hầu hết đều kiêm nhiệm, nên tiến độ thực hiện rất chậm.

Mãi đến năm 2011 mới cho ra đời bộ tài liệu dạy học môn vật lý, năm 2014 cho ra đời bộ tài liệu dạy học môn toán. Điều kiện về đầu tư cũng có nhiều cái đáng bàn.

Lúc đó cũng có một số đơn vị đề nghị đầu tư, nhưng chúng tôi chưa mạnh dạn chọn lựa một nhà đầu tư nhất định nào.

Cuối cùng, chúng tôi chọn giải pháp là anh em cứ viết thành sách, Nhà xuất bản Giáo Dục sẽ mua bản thảo và tổ chức in ấn, phát hành. 

Nếu bây giờ, Sở GD-ĐT TP đề nghị thực hiện một bộ sách riêng cho TP mà được Bộ GD-ĐT đồng ý thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều: khi đã có hành lang pháp lý thì việc tập hợp lực lượng viết sách sẽ dễ dàng hơn. Cách làm cũng sẽ quy củ, chuyên nghiệp hơn. 

* Bộ tài liệu dạy học của TP.HCM thời gian qua đã được nhiều trường THCS ở TP.HCM sử dụng như SGK. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh than rằng giá thành của nó đắt hơn gấp nhiều lần so với SGK của Bộ GD-ĐT. Ông nghĩ sao về vấn đề này? 

- Bộ tài liệu dạy học của Sở GD-ĐT TP có số trang nhiều hơn SGK hiện hành, tất cả đều in màu, in bằng giấy trắng và có nhiều hình ảnh phong phú, đa dạng. Mặt khác, vì hồi đó làm theo kiểu thăm dò, số lượng in cũng hạn chế nên giá thành cao.

Bây giờ, nếu được Bộ GD-ĐT chấp thuận cho làm bộ sách riêng, tôi nghĩ Sở GD-ĐT TP sẽ tự tin hơn, nếu in số lượng nhiều thì giá thành sẽ giảm. 

Học sinh lớp 8/4 Trường THCS Lê Anh Xuân, Q.Tân Phú, TP.HCM học môn vật lý bằng "Tài liệu dạy học vật lý" do Sở GD-ĐT TP.HCM soạn. Tài liệu này đã được đưa vào giảng dạy từ năm 2011 - Ảnh: Như Hùng

SGK như một cuốn truyện hay

Hồi năm lớp 6, mẹ mua cho em nguyên bộ SGK nên trong đó có cuốn SGK vật lý của Bộ GD-ĐT. Nếu phải so sánh hai cuốn sách thì em thích tài liệu dạy học (TLDH) vật lý 6 hơn vì nó đẹp và dễ xem hơn, có nhiều hình ảnh minh họa, kiến thức đa dạng, phong phú.

Trong đó, em thích nhất phần “Thế giới quanh ta”: có rất nhiều câu chuyện thú vị mà em chưa từng biết. Ví dụ câu chuyện về việc sử dụng lực đẩy Archimedes trong nước để kiểm chứng xem vương miện của nhà vua có phải làm bằng vàng nguyên chất hay không. 

Những câu chuyện như vậy khiến em nhận ra vật lý không khô khan như nhiều người từng nói, vật lý thật hữu ích vì có thể áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống rất nhiều. Nói chung em coi cuốn TLDH vật lý như một cuốn truyện hay, những lúc rảnh rỗi em hay lấy ra đọc vì nó có rất nhiều câu chuyện bổ ích. Nhờ nó mà em yêu thích học vật lý. 

Em BÙI THỊ MAI BÌNH 
(học sinh lớp 8/4 Trường THCS Lê Anh Xuân, Q.Tân Phú, TP.HCM)

TLDH vật lý có nhiều ưu điểm

 Theo tôi, TLDH vật lý có rất nhiều ưu điểm: kênh hình ảnh gần gũi, màu sắc đẹp, sách được in trên giấy tốt nên học sinh cũng nâng niu hơn và thích đọc hơn.

Đặc biệt, sách có phần kiến thức mở để học sinh tham khảo (ngoài kiến thức trọng tâm của bài học), có phần “Thế giới quanh ta” rất thực tế, thời sự và phù hợp với cuộc sống hiện đại (ví dụ sách lớp 6 có hình các cầu thủ nổi tiếng nên học sinh rất thích thú).

Mặc dù vậy, TLDH cũng vẫn còn một số khuyết điểm như chưa có tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên, chưa có đồ dùng dạy học (yếu tố này sẽ kích thích giáo viên sáng tạo, tự làm đồ dùng dạy học, nhưng nếu có đồ dùng cho giáo viên sẽ tốt hơn!). 

Riêng TLDH vật lý 9 năm nay thì hệ thống bài tập có đôi chỗ vẫn chưa phù hợp với khả năng của đa số học sinh. Còn TLDH vật lý 6, 7, 8 thì hiện tại tôi cảm thấy hài lòng rồi. 

Cô LƯU THỤY LAN
 (giáo viên môn vật lý Trường THCS Lê Anh Xuân, Q.Tân Phú)

Sách cập nhật thông tin thời sự

 Trước khi tiến hành biên soạn sách, chúng tôi đã thống nhất với nhau là phải giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính thực tiễn, ứng dụng nhưng vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT ban hành.

Khi biên soạn xong, đưa vào thử nghiệm, Sở GD-ĐT không áp đặt các trường phải sử dụng TLDH mà tùy điều kiện từng trường, nếu giáo viên thấy phù hợp thì sử dụng, không thì thôi.

Hằng năm, chúng tôi có lấy ý kiến của các giáo viên để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế dạy và học trong nhà trường phổ thông. Bên cạnh đó, sách cũng được cập nhật những thông tin thời sự cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. 

Ông PHẠM NGỌC TIẾN 
(phó trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM -
người chịu trách nhiệm chính trong việc
biên soạn bộ TLDH vật lý 6, 7, 8, 9
)

Sách TLDH toán sử dụng gần 1 năm học

Khi được mời tham gia viết sách TLDH toán, chúng tôi đã quán triệt hai mục tiêu. Thứ nhất, phải gắn toán học với thực tiễn chứ không áp đặt như SGK cũ. Toán học phải bắt đầu từ thực tế để gần gũi với cuộc sống của học sinh.

Vì vậy, sách phải dùng kênh hình rất nhiều, phải được in đẹp và in nhiều màu. Thứ hai, ở một mức độ nào đó phải chỉ ra những ứng dụng, liên kết giữa kiến thức toán học với những kiến thức ở các lĩnh vực khác trong đời sống. Nói nôm na là dạy tích hợp cho học sinh trong mức độ phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý các em. 

Trong quá trình biên soạn, nhóm biên soạn sách chúng tôi đã đưa cho một số nơi dạy thử, rồi lắng nghe góp ý của giáo viên, học sinh. Hiện tại, cuốn sách đã được sử dụng gần một năm học, chúng tôi cũng đang đợi góp ý từ các trường để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế.

TS NGUYỄN CAM 
(ĐH Sư phạm TP.HCM -
thành viên ban soạn thảo TLDH toán 6,
sử dụng từ năm học 2014-2015

 

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên