27/07/2010 08:15 GMT+7

Tài biến báo thần tình của Nguyễn Huy Lượng

KIỀU VĂN
KIỀU VĂN

TTC - Nguyễn Huy Lượng người làng Phú Thụy, huyện Gia Lâm (Hà Nội), làm quan dưới triều Lê, sau theo giúp Tây Sơn, cùng làm quan với các nhân vật lỗi lạc như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích... Ông là tác giả của tác phẩm “Tụng Tây Hồ Phú” nổi tiếng, ca ngợi Thăng Long rực rỡ dưới triều đại Quang Trung.

YCPTDKib.jpgPhóng to

Hồi còn trẻ, Lượng có một người quen cũng được học hành tử tế nhưng phải cái hơi... “tối dạ”.

Hôm ấy, anh này được ông bố vợ tương lai nhắn gọi đến nhà dự bữa tiệc chiêu đãi các bậc văn nhân thành Thăng Long! Anh chàng biết mình thể nào cũng bị ông bố vợ “thử tài” trước mặt các quan khách. Chẳng còn hồn vía nào, anh ta chạy sang cầu cứu “cậu Lượng”! Lượng cười nói:

- Thôi, anh đừng lo! Hôm ấy, tôi sẽ cùng đi với anh, nếu có gì bí tắc, tôi sẽ gà cho! Anh chàng giẫy nẩy:

- Trước hàng trăm cặp mắt quan chiêm như vậy thì cậu gà cháu làm sao được?

- Gà được chứ? Nghe tôi dặn đây: Nếu ông nhạc hỏi anh bất luận câu gì mà anh tự thấy không trả lời được thì cứ thản nhiên nói một câu... ba lăng nhăng gì đó, rồi tôi sẽ tán vào cho thành ý tứ hẳn hoi...

Quả nhiên giữa đông đủ khách khứa, ông bố vợ đưa cho anh con rể tương lai một tờ giấy viết một vế đối:

- Giậu rào mắt cáo, mèo chui lọt. (Một vế đối rất khó: Hai cặp có nghĩa tương đồng là “giậu - rào” “cáo - mèo”, lại nữa, “mắt cáo” là từ dùng theo nghĩa bóng: đan mắt cáo...).

Chẳng những chàng rể mà cả cử tọa xung quanh cũng đều bí như bị gặp trời mưa trước vế đối hiểm hóc ấy.

Cậu Lượng đột ngột lên tiếng giục chàng rể:

- Ông ra “cái giậu” đấy, đối đi thôi còn chờ gì nữa!

Chàng rể đưa mắt nhìn quanh, chợt trông thấy một cái rổ ở góc nhà, sực nhớ lời cậu đã dặn, bèn nói liều một câu rất chi là vu vơ:

- Chậc! Hãy xem cái rổ kia kìa!

Thấy vế đối chẳng ra đầu cua tai nheo gì, mọi người bò ra cười. Ông nhạc tương lai sửng sốt nhìn chòng chọc vào mặt rể. Song, cậu Lượng bỗng cất tiếng:

- Tuyệt! Đối thế là cực chỉnh! Mọi người thôi cười, dán hết cả mắt vào cậu. Ông bố vợ cũng lấy làm lạ hỏi:

- Bác nói anh ta đối hay ở chỗ nào? Sao tôi tịnh không thấy tăm hơi gì? Lúc bấy giờ cậu Lượng mới từ tốn đứng dậy phân tích rạch ròi:

- Xin phép cụ và chư huynh! Anh bạn tôi đây vốn từ lâu đã học được câu các cụ ta xưa dạy rằng: “Người khôn ăn nói nửa chừng!”. Anh ấy lấy “cái rổ” để đối lại “cái giậu”, là chí phải: Vế ra là “Giậu rào mắt cáo, mèo chui lọt” mà đối thành “Rổ nứt lòng tôm, tép nhảy qua” thì thử hỏi còn chê bai bắt bẻ vào chỗ nào?!

Bấy giờ mọi người mới “ồ” lên một tiếng đầy thán phục với tài đối của chàng rể!

KIỀU VĂN

fSs0hJDh.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 408 (ra ngày 15-7-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

KIỀU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên