08/08/2012 06:18 GMT+7

Tạ ơn đời, tạ ơn mẹ

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - 1 Tối 6-8 - một buổi tối đầu tuần vốn không phù hợp với chuyện đi xem hát, nhưng Nhà hát TP.HCM lại sáng đèn và đông kịt người. Khán giả đến ngồi kín khán phòng, kể cả những chiếc ghế khuất sau cột hay tít trên tầng ba.

Kim Cương trở lại

GRFCfepT.jpgPhóng to

NSND Kim Cương trong vòng vây khán giả sau đêm diễn - Ảnh: T.T.D.

Tối 6-8 - một buổi tối đầu tuần vốn không phù hợp với chuyện đi xem hát, nhưng Nhà hát TP.HCM lại sáng đèn và đông kịt người. Khán giả đến ngồi kín khán phòng, kể cả những chiếc ghế khuất sau cột hay tít trên tầng ba.

Giữa những hàng ghế trang trọng có rất nhiều vị khán giả là những cụ ông, cụ bà có lẽ đã lâu mới được con cháu dẫn đi xem hát. Vì không đủ chỗ ngồi nên ban tổ chức phải xếp thêm ghế phụ dọc các lối đi và hành lang, ở những vị trí đó là khá nhiều gương mặt nghệ sĩ quen thuộc. Cánh báo chí cũng đến rất đông và tận dụng gần như mọi ngóc ngách còn trống để tác nghiệp.

Trước đó, vé của chương trình này đã được bán hết sạch chỉ trong vài ngày sau khi thông báo, đến nỗi chủ nhân của chương trình phải... mua lại một vài vé để tặng vài người bạn. Và điện thoại thì réo liên tục xen giữa những bộn bề công việc của bà trước ngày chương trình khai màn. Ðó là chuyện xảy ra trong chương trình Tạ ơn đời (*) - ba suất diễn cuối cùng để tri ân và từ biệt khán giả của NSND Kim Cương.

Trà hoa nữ Lá sầu riêng là hai vở kịch nổi tiếng của Ðoàn kịch nói Kim Cương, được chính NSND Kim Cương viết, dựng và diễn. Ðó là hai câu chuyện khác nhau về thân phận của hai người phụ nữ giữa cuộc đời, một là cô vũ nữ Y Lan khét tiếng ở đất Sài Gòn, một lại là cô Diệu hiền lành, nghèo khổ ở một vùng quê. Và cho dù là một cô gái giang hồ hay một bà mẹ quê ở đợ thì điều duy nhất còn lại trong họ sau bao dâu bể chính là tình thương, sự chịu đựng và hi sinh phi thường.

Ở những suất diễn cuối cùng của đời mình, NSND Kim Cương đã trở lại với Y Lan và Diệu trong chính cái ý nghĩa ấy. Khán giả - phần lớn là xem bằng hoài niệm - đã vừa xem Y Lan của trích đoạn Trà hoa nữ phiên bản 2012 vừa nhớ về nhân dáng của Y Lan của nhiều chục năm trước, và thầm ái ngại vì bao nhiêu năm tháng đã đi qua, kỳ nữ Kim Cương đã thấm mệt trong những động tác trên sân khấu.

Nhưng với Lá sầu riêng thì khác, khi bà bước ra trong bộ áo dài đen của một bà Diệu 55 tuổi ở màn cuối thì những tràng pháo tay đã vang lên mừng tủi. Ðây chính xác là bà Diệu hiền lành, cam chịu và thương con vô bờ mà bao nhiêu thế hệ khán giả đã biết, nhớ và mong gặp lại. Chỉ hơi tiếc một điều, với những khán giả trẻ vốn thường chỉ biết đến Kim Cương qua hình ảnh và những lời kể thì Tạ ơn đời có vẻ không dành cho họ, bởi câu chuyện về một Kim Cương "kỳ nữ" vẫn là câu chuyện của "người xưa" mà thiếu hẳn một chân dung rõ ràng và đầy đủ ngay trong kịch bản chương trình.

Tạ ơn đời mở đầu bằng ca khúc Ðường xa vạn dặm do Ðức Tuấn hát, như là nỗi lòng của NSND Kim Cương sau tám năm người mẹ thân yêu của mình là NSND Bảy Nam ra đi. Giữa chương trình, ca sĩ Cẩm Ly lại cất lên những câu vọng cổ do soạn giả NSND Viễn Châu viết về tâm sự của Kim Cương khi diễn lại Lá sầu riêng mà không còn mẹ bên cạnh. Ðến cuối chương trình, khán giả đã không cầm được nước mắt khi xem lại những thước phim tư liệu quý về NSND Bảy Nam khi bà cùng con gái diễn Lá sầu riêng lần cuối cùng vào mùa xuân năm 1998. Ở tuổi 90, bà Bảy Nam nhỏ bé và cô đơn giữa những hàng ghế trống, đau lòng nói lời từ biệt sân khấu, từ biệt khán giả sau hơn 70 năm gắn bó.

Trong những ngày này, cứ mỗi lần nhắc đến mẹ, Kim Cương lại khóc đến khan cả giọng. Ðến nỗi êkíp thực hiện chương trình Tạ ơn đời cứ sợ bà sẽ không thể làm chủ cảm xúc trong những suất diễn cuối cùng này. Còn nhớ có lần trò chuyện với Kim Cương tại nhà riêng, bà đã tâm sự rằng: "Suốt nhiều năm nay dù má không còn nữa, nhưng cứ mỗi khi gặp phải chuyện gì là tôi lại chạy sang phòng má như một phản xạ của bao kiếp trước. Má mất đi đã để lại trong lòng tôi một quãng đường xa vạn dặm không cách gì bù đắp nổi...". Và cũng chẳng có gì có thể thay thế hay bù đắp cho chỗ trống của kịch Kim Cương từ sau những suất diễn cuối cùng này. Vậy nên, sự trở lại này đã thật đáng quý và đáng giá.

BUSrXrj2.jpgPhóng to

Mẹ trên sân khấu Kim Cương

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ cũng phát hành cuốn sách Mẹ trên sân khấu Kim Cương (ảnh) tập hợp ba kịch bản Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ Bông hồng cài áo, cùng nhiều hình ảnh tư liệu và những bài viết về phong cách kịch Kim Cương. Sách dày 290 trang, được in trên giấy couché, bìa cứng, khổ 24x24. NXB cho biết đây là quyển sách được dốc sức thực hiện trong thời gian ba tuần nhằm góp phần với NSND Kim Cương “tri ân mẹ” và “tạ ơn đời”, nên NXB quyết định bán với giá đặc biệt (200.000 đồng), giúp khán giả dễ có điều kiện mua và trực tiếp đọc những kịch bản nổi tiếng từng xem trên sân khấu Kim Cương.

(*) Chương trình được công diễn tiếp tục vào đêm nay 8-8 tại Nhà hát thành phố.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên