Chuyện như sau: “Giờ trả bài tập làm văn của tuần trước, đề bài văn “Hãy phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao”, cả lớp chỉ có sáu bài trên trung bình. Điểm 7 duy nhất thuộc về nhỏ bạn ngồi đầu bàn. Còn lại thì khỏi phải nói, toàn 2, 3, 4 đứng xếp hàng.
Tất cả ngỡ ngàng và cảm thấy xấu hổ khi đọc lời cô giáo phê. Nếu đứa ngồi cạnh nhau mà giống bài nhau thì còn bảo là chép bài. Đằng này, đứa ngồi tận bàn cuối cùng cô lại phê giống đứa ngồi bàn đầu; hay cách nhau mấy bàn, khác dãy mà vẫn cứ na ná nhau. Cô gạch hẳn những đoạn giống nhau và đề tên “người anh em” vào đấy.
Tôi chưa hiểu mô tê gì thì cậu em phân trần: “Học sinh bây giờ học văn buồn cười lắm chị ạ. Bài tập soạn văn ở nhà thì cứ chép sách “để học tốt...” (nó còn cố nhái “để học... dốt”). Còn khi làm bài kiểm tra thì cứ “quay” sách. Sách tham khảo nhiều thế nhưng vẫn trùng vì chép nhưng không suy nghĩ, cứ đem những đoạn hay ở sách này sách kia mà tương vào”.
Tôi lại nghĩ đến một mẩu chuyện vui: khi trả bài tập làm văn, thầy giáo tức giận quát: “Tại sao bài văn tả con mèo của em lại giống hệt như bài của bạn Tùng?”. “Dạ, vì chúng em cùng tả chung một… con mèo ạ!”.
Rốt cuộc, chỉ tội nghiệp cho học sinh không còn biết đến những con mèo khác, không phát triển được óc sáng tạo và tư duy của mình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận