Tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh có tổng mức đầu tư 48 tỉ đồng đang trong giai đoạn hoàn thành - Ảnh: THÁI THỊNH
Trước hết, tôi nghĩ rằng việc xây tượng đài hay các công trình để kỷ niệm, ghi ơn những người có công với nước là điều đáng làm. Nhưng có cách ghi ơn nào khác thay cho cách xây tượng đài hàng chục, hàng trăm tỉ đồng phơi nắng phơi mưa?
Giữa dòng dư luận về vụ này, như bao lần, chúng ta lại đọc thấy mấy chữ cảm thán: "Lại là tượng đài!". Người ta ngán tượng đài không chỉ vì đã có quá nhiều tượng không đủ sức khơi gợi cảm xúc hoặc cũng không ai ngắm mãi tượng đài hoành tráng và tốn kém ấy.
Ngán vì ai cũng hiểu những điều này nhưng danh sách tượng đài hàng chục tỉ vẫn cứ dài ra giữa lúc người dân mong những công trình, dự án dân sinh hữu ích. Ở huyện nghèo như địa phương trong câu chuyện hôm nay, học sinh có còn thiếu trường học, địa phương đủ bệnh viện chưa?
Một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt là "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Bởi vậy, việc xây dựng các tượng đài để ghi công, để tỏ lòng tri ân những người đã xả thân vì nước là một việc làm hoàn toàn hợp đạo lý. Thế nhưng, chắc chắn những công trình ấy phải là những tượng đài được nhân dân đồng tình ủng hộ. Với tượng đài lần này có 30% vốn xã hội hóa.
Xã hội hóa cũng là tiền bạc, công sức của doanh nghiệp, của xã hội. Tại sao lại không dùng những nguồn lực xã hội hóa ấy để xây dựng trường học, bệnh viện, công viên… mà cứ nhất thiết phải xây tượng đài?
Và nếu có xây để tưởng nhớ, cũng không cần phải quá hoành tráng mà phải phù hợp với khả năng địa phương, đồng thời cần nhắm tới mục đích, đối tượng, sự tri ân và giáo dục truyền thống.
Lịch sử đã đủ dài để có thể khẳng định rằng lòng kính trọng, sự tưởng nhớ của hậu thế với tiền nhân không phải ở nơi tượng đài hoành tráng, mà ở trong trái tim, trong khối óc của mỗi người dân.
Nếu có một viện dưỡng lão, một dự án hỗ trợ người nghèo mang tên một anh hùng, một cuộc khởi nghĩa cũng là cách nhắc người đời nhớ và tự hào về lịch sử. Và càng kính trọng hơn người xưa, tự hào người hôm nay đã chi tiền vào công trình lợi ích thiết thực cho đời sống.
Nhiều nước cũng có tượng đài, các công trình tưởng niệm, nhưng hầu hết họ làm rất nhỏ gọn và bền đẹp. Có thể tượng nhỏ ở công viên, đường phố với vài dòng chữ, người dân và du khách tiện ghé qua dừng lại để đọc và hiểu.
Nghĩ cho cùng, tượng đài không có lỗi. Nếu thay đổi được hoặc quyết từ chối ngay từ lúc phê duyệt dự án tượng đài tốn kém quá mức, thiết nghĩ là đã xây tượng đài trong lòng dân. Đó là tượng đài trường tồn, tiếng thơm còn mãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận