23/11/2008 06:45 GMT+7

Sương khói đời người

HÀ VĂN ĐẠO (Đà Lạt)
HÀ VĂN ĐẠO (Đà Lạt)

AT - Em tên gì?

VWJ76AeH.jpgPhóng to
Minh họa: Hiệp Phong
AT - Em tên gì?

- Tên Đạo, thưa thầy.

- Em tên gì?

- Em trả lời rồi, thưa thầy!

- Chưa đủ, tôi muốn nghe cả họ lẫn tên. Em trả lời vậy, láo! Bây giờ, về ngay! Tôi cho mười điểm môn cãi, ghi sổ đen

Lần đầu tiên thầy Hoàng vô lớp. Người thầy cao to, vạm vỡ, nhưng hay có biểu hiện của những cơn đau, thỉnh thoảng hay nổi cáu, mà tôi không sợ nổi cáu. Có cô giáo mới ở Vinh về lên giảng văn toàn đọc văn mẫu. Tôi không ghi, đọc báo chơi. Cô đuổi. Nhưng tôi cãi mới chịu về: “Cô cứ đọc văn mẫu thế học sinh về nhà cũng đọc được”.Vậy là từ đó lớp 12E đặt cho tôi biệt danh “Đạo hay cãi”.

Hồi thầy Hoàng mới về tôi ghét lắm. Mà “ghét của nào trời trao của ấy”. Rồi ngày càng thấy đó là thứ “của” thật sự. Giống như nhiều thầy khác, thầy Hoàng cũng mang cặp kính dày, cũng nghiêm trang khi lên lớp, cũng thương yêu học trò. Nhưng thầy có nhiều cái đặc biệt.

Đôi bàn tay bè bè, sần sùi chỉ có tám ngón. Ngón út và ngón trỏ bàn tay phải của thầy đã bị mảnh bom của bọn Mỹ cắt đi. Những buổi lên lớp, bàn tay chỉ có ba ngón cầm phấn mỏi, thầy run run. Thầy nhờ anh thợ rèn đầu cổng trường chế cho cái ống thiếc đầu bé để kẹp viên phấn vào, đầu kia to hơn một chút thầy đặt giữa lòng bàn tay nắm lại mỗi lần viết bảng. Có lần tay tì mạnh viên phấn tụt vô trong, thầy cứ loay hoay mãi không được. Ghé miệng thổi, thổi mãi không ra. Cả lớp ồ lên cười, thầy chạy đi nhờ bác bảo vệ lấy viên phấn ra, kẹp chặt lại.

Ngày ở chiến trường về, bố mẹ thầy đều đã mất, khó hiểu thay thầy cứ mãi ở một mình với căn nhà lá cheo leo nơi cuối làng. Mỗi đêm mưa cứ phập phồng, không yên. Mỗi đận có lũ, nhà thầy là nơi nước ngập đầu tiên. Ngày hai buổi với chiếc xe phượng hoàng cọc cạch đạp đến trường, lưng thầy cứ vồng cong mỗi lần lên dốc, bao giờ qua một con dốc thầy cũng giải lao năm phút. Nói là giải lao, nhưng tôi biết thầy ngồi để nghỉ thở. Bữa nào cũng quần tây, áo sơmi sờn với dây lưng xù xì bằng da bò, một kỷ vật hồi bộ đội.

Hôm tôi đến thăm thầy, thầy ốm nặng. Chẳng giống mấy thầy khác ngồi vẫy học sinh, thầy lòm khòm ra mở cửa. Gia tài thầy, cái sang trọng nhất là chiếc cặp mới, sở tặng thầy trong đợt hội thi giáo viên giỏi. Thầy trầm ngâm trỏ ngón tay về phía xa, nơi có hồ nước, mặt lặng lờ: “Có những lúc con người một mình, tịnh tâm cuộc sống sẽ nặng hơn về ý nghĩa”. Chiều mùa đông gió cứ cồn lên dữ dội. Thầy phải mặc cả áo bông và áo cánh ra ngoài, thầy không thích ồn ào. Mà cũng lạ, thầy chẳng sắm gì cho riêng mình. Dành một phần lương đủ ăn, còn bao nhiêu thầy góp xây dựng làng văn hóa với thư viện trường học hết.

Có lần trong hội làng, thầy được bầu là đại diện gương mẫu. Thầy chỉ xin một điều: “Bao năm ở chiến trường, giờ về có một mình. Chỉ mong khi nào tôi ra đi bà con cho tôi cỗ quan tài, khiêng tôi ra nghĩa địa, khi nào đi qua mộ, thắp cho nén nhang đỡ cô quạnh”. Thầy phải xin ư? Bao năm thầy góp cho làng, cho trường học...

“Cho đi là của mình, xin về là xin của người khác”. Thầy thường nói vậy. Cuộc sống vất vả quá, ai cũng tất bật mà nhiều khi quên đi một ngọn đèn le lói, cô đơn. Học trò bao lứa ra trường, có người quay về, có người không. Thầy vẫn miệt mài, cặm cụi. Nếu không có thầy, bao đứa trẻ làng đã thành mù chữ. Cuộc sống tưởng bình yên như cái khát khao giản dị của thầy. Vậy mà...

Cả làng chẳng ai tin, thầy Hoàng mất trộm, nhà thầy có gì đâu, hóa ra mất cái vali cũ. Chắc trộm tưởng có gì quý giá. Thầy cũng chẳng quan tâm và lại miệt mài. Hình ảnh thầy cứ như người chèo đò. Quặn thắt lúc chùng chiềng, cười hóm hỉnh và hạnh phúc trước mỗi lứa trò bình yên qua sông. Bữa đám cưới chị gái tôi, nhà ồn ào quá tôi sang nhà thầy ngủ, thấy thầy thức cả đêm.

Thầy kể cho tôi về vô vi, về Lão Tử: “Cái có là cái không, cái không là cái có ”. Hạnh phúc là nếm trải chua cay, đắng chát. Đời thầy không có gì nhưng lại có. Thầy có bao nhiêu học trò. Nhắc đến học trò chợt mắt thầy nhòa đi, rồi thầy nức nở từng cơn nấc già nua, yếu ớt. Tôi gạn hỏi, thầy vội vàng rút cái khăn mùi soa có thêu hai chữ “Thủy chung ”, dưới góc đề 1972, quẹt từng đường dài trên hai gò má. Tôi cố gạn hỏi mà thầy không nói, đôi mắt thầy buồn bã và thăm thẳm như trời thu.

Sáng hôm sau không thấy thầy lên lớp. Ông giám đốc sở đang thăm trường, không muốn đụng mặt thầy. Nghe mấy cô giáo kể trộm sau lưng ông giám đốc là thầy Hoàng đã không tôn trọng giám đốc, cứ mày mày, tao tao, trò trò, thầy thầy... Cậy giáo viên cũ mà. Nghe thật thắt lòng. Hình thức quan trọng đến thế ư? Sao con người cứ phải vì hình thức mà vò tim nhau cho quặn đau đến thế.

Những con người như thầy Hoàng đã bao năm đứng bên miệng hố của sự sống và cái chết, thậm chí đổ máu giành sự bình yên cho người khác. Những người cả đời lao lực vì học sinh mà không bằng hai chữ “giám đốc” kia ư? Nhiều khi sao tình cảm và quyền lực cứ là hai đường song song. Từ đó thầy Hoàng ít nói hơn.

Cho tới một hôm trời mưa to, sắp bão. Cả làng đang chuẩn bị mừng thọ trước cho thầy sắp sáu mươi. Cô Liên bỗng đâu chạy ra giữa làng bảo thầy làm cô chửa. Cô không có chồng, ở cạnh nhà thầy. Cả làng giật thót, hoang mang. Nhưng cô mang ra bao bằng chứng, nhiều đêm khuya thầy sang nhà cô và làm cô chửa. Thầy bảo cô nhờ sang nhà chỉ thư pháp, thầy thật thà, ai chả biết. Khổ nỗi bằng chứng đâu, cô Liên thì thề thốt luôn mồm.

Ông hiệu trưởng bảo thầy: “Tiếc cho thầy quá, giữ được đến giờ rồi mà... Thôi ! Cứ trung thực đi ông Hoàng ạ! Ngành sẽ kỷ luật nhẹ, cho ông nghỉ hưu sớm. Khổ, cũng trả trách ông được. Lửa gần rơm mà...”. Thầy đứng phắt dậy, một cái nhìn rực lên dữ dội chất chứa một tiếng hét đau khổ không thành tiếng. Hôm điều trần trước làng và nhận kỷ luật nghỉ sớm, thầy chỉ ngậm ngùi: “Vậy là mọi người đã không tin tôi!”.

Dư luận, đàm tiếu nhiều khi ác hơn thuốc độc. Nó bóp thầy quắt queo, lẩn thẩn. Nỗi cô đơn và sự tủi phận đã hằn sâu trên gương mặt thầy khắc khổ. Đôi mắt thầy trũng xuống, vằn vện chồng chéo vết chân chim. Thầy lang thang đi tìm cái vali như chứng minh một điều gì, nhưng chẳng thấy đâu. Suốt ngày thầy ngồi nơi xó nhà, thầy ngại đi ra đường. Vì nhiều người bây giờ không còn gọi thầy như trước mà gọi lão, gọi ông. Cô Hoa làm máy xát lúa bảo thầy già mà còn đú đởn. Rồi cô Linh hàng xén bảo thầy: Cứ tưởng thầy đức cao, vọng trọng, hóa ra là... Thậm chí có đứa học sinh còn gọi thầy là: giáo dê!

Khi lũ về chẳng còn ai nhớ thầy ở cuối làng, ở miệng lũ. Lúc thầy đang chống gậy lội vào làng, nghe tiếng kêu cứu của mẹ cô Liên ở huyện khác sang chơi, sức thầy cũng đã cạn nhưng thầy vẫn làm chỗ víu trụ cho mẹ cô Liên thoát chết. Khi dân quân tới, thầy chỉ còn đủ sức thở một hơi thở tàn. Cái xác chết duy nhất của làng trong mùa lũ.

“Nghĩa tử là nghĩa tận”. Chết rồi cũng cho người ta làm con ma sạch sẽ. Làng tập trung đến tắm rửa và khâm liệm. Trong khi tắm rửa người ta đã thấy thầy... không còn cái của đàn ông. Nó chỉ còn là một vết sẹo nhăn nhúm, với một cái lỗ làm nhiệm vụ thoát thải.

Chẳng ai nói được câu gì, lặng phắc. Mấy người đi đào huyệt tìm được cái vali của thầy ở bìa rừng. Còn lại là tờ giấy chứng thương của sư đoàn: “Đồng chí Trần Đức Hoàng, giáo viên nhập ngũ. Bị thương nặng ở trận càn 1972, mất cơ quan sinh dục”. Tờ giấy bay lên và rơi nhẹ như một chiếc lá xuống khăn liệm.

Tôi ôm ghì thầy, muốn vả tờ giấy vào cái mặt cô Liên đểu giả kia. Sao thầy không chứng minh? Sao thầy còn nhận khai sinh cho đứa con hoang của cô ta?...Bây giờ tôi mới thấm lời thầy, mới thấm cái con người tĩnh lặng và sống theo vô vi: “Cái không làm nên cái có”.

Sau lũ mọi vật xơ xác, thê lương. Người ta đốt hương trên mộ thầy thành những vòng hoa khói trắng. Cả làng đã ngậm ngùi đưa thầy về nơi vĩnh hằng, về cõi an nhiên bằng nước mắt. Thầy ơi! Có lẽ thầy đã nở nụ cười thanh thản như cái tĩnh lặng, bao dung mà thầy đã dạy người đời.

PbyuLvRe.jpgPhóng to

Áo Trắng số 36(ra ngày 15-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HÀ VĂN ĐẠO (Đà Lạt)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên