19/09/2020 06:35 GMT+7

Sử Việt quá hấp dẫn nhưng phim cổ trang Việt vẫn nhiều nỗi sợ, nhiều khao khát

Mi Ly
Mi Ly

TTO - Nhà sản xuất phim cổ trang Việt e ngại khi làm phim giữa 'trùng trùng điệp điệp thử thách' vì định kiến của khán giả và những đòi hỏi chuyên môn.

Sử Việt quá hấp dẫn nhưng phim cổ trang Việt vẫn nhiều nỗi sợ, nhiều khao khát - Ảnh 1.

Từ trái qua phải: Hình ảnh trong các phim Quỳnh hoa nhất dạ, Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Trạng Tí - Ảnh: ĐPCC

Trong 10 năm qua, có chưa đến 10 phim cổ trang Việt ra rạp với chất lượng phần lớn gây tranh cãi. Phim tốt hiếm hoi là Thiên mệnh anh hùng (2012) của Victor Vũ lại không thành công tại rạp.

Trong khi đó, các phim doanh thu cao hoặc có lãi như Mỹ nhân kế, Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Mẹ chồng, Trạng Quỳnh chưa gây ấn tượng về nội dung.

Ta phải thay đổi cả bầu trời và mặt đất. Những người làm phim cổ trang đều rất dũng cảm.

Đạo diễn ĐỖ THÀNH AN

Bị so sánh với phim Trung, Hàn

Nhà sản xuất Tài Đỗ (Công ty Liveon, đơn vị sản xuất Mẹ chồng Quỳnh hoa nhất dạ) nói với Tuổi Trẻ: "Có rất nhiều khó khăn khi theo đuổi một dự án cổ trang: bối cảnh không có sẵn, số lượng phục trang khổng lồ cho cả tuyến chính và tuyến phụ, kỹ xảo hậu kỳ phức tạp luôn là những yếu tố thách thức nhà làm phim. Nhưng khó khăn lớn nhất chính là tâm lý khán giả.

Phim cổ trang Trung Quốc và Hàn Quốc phổ biến với khán giả Việt suốt hàng chục năm qua. Điều này khiến phim cổ trang Việt dễ bị so sánh, mổ xẻ khắt khe khiến nhiều nhà làm phim nản chí. Kinh phí cao cùng trùng trùng điệp điệp thử thách từ khán giả là lý do dòng phim cổ trang trở thành một bài toán khó mà người làm phim sợ giải".

"Tôi rất sợ làm phim cổ trang vì nó quá khó. Phục trang, bối cảnh, tất tần tật. Ta phải thay đổi cả bầu trời và mặt đất. Những người làm phim cổ trang đều rất dũng cảm" - đạo diễn Đỗ Thành An giải thích khi phóng tác Truyện Kiều của Nguyễn Du thành phim hiện đại Kiều @.

Việt Nam từng có phim cổ trang hấp dẫn Đêm hội Long Trì (1989) của đạo diễn Hải Ninh, do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất. Nhưng trong 10 năm gần đây, khi dòng phim tư nhân dần chiếm lĩnh thị trường, sản xuất phim đã trở thành kinh doanh đúng nghĩa. Một khi áp lực doanh thu xuất hiện, mọi thứ không còn đơn giản.

Mới đây, đạo diễn Victor Vũ đăng hình ảnh tiểu thuyết lịch sử Ấn kiếm hồng nhan của nhà văn Hồng Thái và tiết lộ mong muốn làm phim cổ trang lịch sử.

Nhà văn Hồng Thái là cha vợ của đạo diễn, là nhà giáo dạy sử và tác giả nhiều tiểu thuyết lịch sử. Vì thế, nhiều khán giả mong đợi đạo diễn của Thiên mệnh anh hùng trở lại với dòng phim cổ trang mà anh từng thành công về chuyên môn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nữ diễn viên Đinh Ngọc Diệp - người vợ kiêm cộng sự lâu năm của Victor Vũ - cho biết: "Hi vọng vài năm nữa anh Victor sẽ có cơ hội làm phim cổ trang vì đây là dòng phim anh rất thích. Chuyển thể sách thành phim không khó nhưng anh mong tìm được nhà đầu tư có cùng tâm huyết".

Lịch sử Việt Nam vẫn quá hấp dẫn

Nhà sản xuất - diễn viên chính Thanh Hằng chia sẻ lý do làm Quỳnh hoa nhất dạ: "Sau lần viếng thăm nơi thờ cúng thái hậu Dương Vân Nga hai năm trước, tôi rất muốn làm một bộ phim về người phụ nữ quyền lực của hai triều Đinh - Lê.

Tôi muốn cùng êkip mang đến một tác phẩm không chỉ khắc họa rõ nét về người phụ nữ có vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam, mà còn ngợi ca cả sự hào hùng của đất nước vào thời điểm đó".

Rõ ràng, lịch sử hay truyện cổ Việt Nam không thiếu chất liệu hấp dẫn cho nhà làm phim. Đặc biệt khi kịch bản gốc của Việt Nam vừa thiếu vừa yếu như hiện nay. Chuyển thể hay phóng tác cho kịch bản phim là điều đáng làm.

Tấm Cám - Chuyện chưa kể làm tốt phương diện sản xuất và truyền thông: phim sử dụng hiệu quả kinh phí, có doanh thu tốt (66,5 tỉ đồng) và tạo nên câu chuyện truyền thông nóng hổi "Liệu rạp có chèn ép phim Việt?". Nhưng về nội dung, phim dở, nhiều sạn.

Cũng phóng tác từ truyện cổ dân gian nhưng Trạng Quỳnh (2019) của đạo diễn Đức Thịnh là nỗi thất vọng lớn dù đạt doanh thu 100 tỉ đồng. Phim có thể xếp vào nhóm "thảm họa" vì kịch bản hỗn độn, hình ảnh thiếu chân thực.

Một khó khăn khác của dòng phim cổ trang là thường bị soi xét khắt khe về sử liệu. Do đó, vài phim Việt đi theo hơi hướng "fantasy" (kỳ ảo) thay vì dã sử để tránh các tranh cãi này. Chẳng hạn, Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng lấy bối cảnh một điền trang không rõ vùng miền, thời kỳ. Do đó, trang phục trong phim không vấp phải tranh cãi.

Ban đầu, Quỳnh hoa nhất dạ cũng bị nhầm tưởng là phim fantasy khi tung ra clip đậm chất kỳ ảo, sáng tạo chi tiết hoa quỳnh nở trong ngày Dương Vân Nga chào đời. Thế nhưng, nhà phát hành khẳng định đây là phim dã sử.

Ra rạp tết 2021 là Trạng Tí của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, phim chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Nhưng phim cũng gắn với những đặc điểm mang tính thời đại và vùng miền hơn như yếm, áo tứ thân, tóc để chỏm, áo mũ trạng nguyên, đầm sen và làng quê Ninh Bình, ca khúc Cò lả...

Trạng Tí cũng được nhà sản xuất Ngô Thanh Vân nhấn mạnh vào tính thuần Việt, với tham vọng tạo nên "vũ trụ điện ảnh cổ tích".

Bất chấp khó khăn, những câu chuyện và nhân vật hấp dẫn trong lịch sử hay truyện cổ Việt Nam luôn tạo cảm hứng lớn lao để các nhà làm phim dấn thân.

thien menh anh hung 18-9 1(read-only) copy

Phim Thiên mệnh anh hùng

Sau gần 10 năm, Thiên mệnh anh hùng (2012) của Victor Vũ vẫn là phim cổ trang Việt có chất lượng tốt nhất. Bộ phim có kinh phí trên 20 tỉ đồng (đến nay vẫn là một khoản đầu tư lớn của phim Việt), nhưng được cho lỗ trên 10 tỉ đồng.

Đến nay, doanh thu của Thiên mệnh anh hùng vẫn là bí mật. Mặc dù vậy, giải Cánh diều vàng 2012 và Bông sen bạc 2013 là sự công nhận chuyên môn xứng đáng cho bộ phim.

'Trạng Tí' tung những hình ảnh đầu tiên của Tí, Sửu, Dần, Mẹo

TTO - Phim điện ảnh Trạng Tí của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân tung clip đầu tiên về bộ tứ Tí, Sửu, Dần, Mẹo nổi tiếng trong truyện tranh Thần đồng đất Việt.

Mi Ly
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên