04/01/2011 04:10 GMT+7

Sự tự kiểm soát yếu kém

LÊ MINH TIẾN(giảng viên xã hội học, ĐH Mở TP.HCM)
LÊ MINH TIẾN(giảng viên xã hội học, ĐH Mở TP.HCM)

TT - Gần đây truyền thông liên tiếp phản ánh hiện tượng bạo lực, giết người chỉ vì một cú va quẹt xe, một cái nhìn không thân thiện, tiếng nẹt pô xe hoặc nhạc mở quá lớn... Đọc những dòng tin tức như vậy có cảm giác con người ta hình như ngày càng trở nên hung hãn hơn, tính “người” có vẻ ngày càng bị lấn át bởi tính “con”.

Có một số ý kiến cho rằng sở dĩ người ta dễ dàng “hạ thủ” vì những lý do cỏn con như thế là vì ngày nay con người phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống khiến họ không còn bình tĩnh để suy xét mọi chuyện trước khi hành động.

"Những người có sự tự kiểm soát bản thân yếu kém sẽ có khuynh hướng rơi vào các hành vi tội phạm mang tính chất bạo lực rất cao"

Nhìn bên ngoài có vẻ là như thế, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn có lẽ xuất phát từ điều mà trong lý thuyết xã hội học tội phạm gọi là “sự tự kiểm soát bản thân yếu kém” (low self-control). Theo nhãn quan của lý thuyết này thì những người có sự tự kiểm soát bản thân yếu kém sẽ có khuynh hướng rơi vào các hành vi tội phạm mang tính chất bạo lực rất cao.

Sở dĩ như thế là vì những người này gần như không có tầm nhìn xa, do đó họ chỉ hành động theo cái trước mắt và muốn có kết quả ngay tức thì. Chính vì vậy, những cá nhân này thường hành xử theo kiểu bột phát và thường quy chiếu vào cảm xúc của mình để hành động chứ không hề nghĩ đến hậu quả trong dài hạn cũng như xúc cảm của người khác. Do đó không lạ gì khi họ sẵn sàng lao vào “ăn thua đủ” với người khác chỉ nhằm giải quyết nhu cầu duy nhất trước mắt là giải tỏa cơn nóng giận của mình.

Người có sự tự kiểm soát bản thân yếu kém cũng là những người thiếu kiên nhẫn nhất khi rơi vào tình huống mâu thuẫn. Đối với họ, việc sử dụng lời lẽ, sự phân tích duy lý ai đúng ai sai là không cần vì điều này “chậm” mang lại kết quả, trong khi đó bạo lực lại đưa đến kết quả nhanh và tức thì nên họ thường sử dụng công cụ này trong giải quyết bất đồng.

Vậy sự tự kiểm soát hình thành khi nào và đến từ đâu? Theo các nhà nghiên cứu thì ở giai đoạn 6-7 tuổi và nếu trong giai đoạn này cá nhân không được giáo dục, uốn nắn để có sự tự kiểm soát cao thì trong tương lai họ sẽ hành xử như người có sự tự kiểm soát yếu kém. Phương cách giáo dục của gia đình, mối quan hệ gắn kết giữa cha mẹ là rất quan trọng trong việc hình thành khả năng tự kiểm soát nơi cá nhân đứa trẻ.

Nếu trong giai đoạn này những đứa trẻ bị người lớn giáo dục theo phương pháp “nhanh gọn” là đánh đập (không ăn nhanh thì đánh, không nghe lời cũng đánh...) thì sau này khi lớn lên chúng cũng sẽ áp dụng cùng một cách thức như thế khi gặp bất đồng hoặc những tình huống không mong muốn. Bởi nếu cha mẹ không dạy cho con cái biết đúng, sai thông qua biện pháp phân tích so sánh thì làm sao chúng có được kỹ năng đó khi trưởng thành.

Vì vậy, có lẽ các hành vi bạo lực cần phải được nhìn như là kết quả của một tiến trình giáo dục trước đó và cái cách con người hành động trong hiện tại là sự phản ánh kết quả của những gì đã được truyền dạy từ rất lâu trước đó chứ không phải là một sự thay đổi tính cách trong nhất thời.

LÊ MINH TIẾN(giảng viên xã hội học, ĐH Mở TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên