30/06/2017 08:30 GMT+7

Sự tích ra đời của câu: 'Miệng quan trôn trẻ'

TÚ HỢI
TÚ HỢI

TTO - Về đức độ của quan Bẹo không gì phải bàn cãi lôi thôi. Nhờ ơn mưa móc của thành hoàng phù hộ nên làng ta mới được cai trị bởi vị “quan chi phụ mẫu”, xứng đáng là cha mẹ của dân.


Ngày xửa ngày xưa, làng ta có vị quan đạo cao đức trọng, mỹ danh là Bẹo. Mỗi rạng sáng, quan Bẹo đã ngồi chễm chệ ở phủ đường. Đã làm việc làng việc nước ắt phải siêng năng, chí công vô tư và nhất là không ngủ nướng. Đáng nể thay. Đáng học tập thay. Vì lẽ đó, mỗi lời quan thốt ra chẳng khác gì đinh đóng cột. Chuẩn không cần chỉnh. 

Sáng hôm ấy, đang chăm chú xem lại các hồ sơ của những án đã xử, những công trình đang ký kết, bỗng đâu thị Béo vác xác đến. Thị còn bồng trên tay chú nhóc đang khóc oe oe.

Nghe tiếng động, quan ngước mắt lên nhìn rồi thốt ra câu kinh ngạc: “Ơ hay, sao lại thế này? Quan trên trông xuống, người ta trông vào, biết chửa? Vỡ chuyện, cái mặt này biết cất vào đâu? Lui ngay”. 

Thị Béo điếc chăng? Vì sau câu nói nghiêm trọng ấy, thị vẫn sà vào lòng quan như đang tình tự ở chốn khuê phòng. Quan Bẹo mặt xanh như đít nhái. 

Không cần phải diễn tả dài dòng, rườm lời, phải nói ngay rằng, sau khi tìm mọi cách dỗ ngon dỗ ngọt cho thị Béo bồng con rời khỏi phủ đường, quan Bẹo bèn nhắn tin qua smartphone: “S.O.S đến gấp”.

Vâng, chỉ 5 phút 5 giây, thằng Xuân Tóc Đỏ đã có mặt ngay tắp lự. Hai thầy trò bàn tán nhỏ to những gì? 

Chuyện này, Vũ Đại sử ký toàn thư không có ghi chép. Đời sau tha hồ khảo cứu, tranh luận, bàn cãi để tìm cho ra sự thật. Vì rằng, từ ngày đó mãi mãi về sau, từ đầu làng đến cuối xóm, ai ai cũng nghĩ rằng thị Béo chưa hề một lần khai hoa nở nhụy, chưa hề vào bệnh viện phụ sản bao giờ, vẫn trinh tiết sáng ngời danh phận. Do đâu?

Sau này, nhờ phát hiện ra quyển tự truyện Chuyện đời tôi của quan Bẹo, thiên hạ mới rõ những lời thậm thụt của thầy trò nhà quan như sau: 

“Ta vừa dứt lời, thằng Xuân gãi nách sồn sột mà rằng: “Chuyện như cái móng tay mà quan đã hoắng lên rồi. Dễ ẹt, cứ việc ký ngay cái công văn thu hồi cái quyền đẻ của thị Béo là xong”. Ta ngạc nhiên: “Ô hay, thị đã đẻ. Chính ta đã ký quyết định xác nhận rồi kia mà?”.

Thằng Xuân ngoác mồm: “Chẳng sao. Cứ đổ lỗi lên đầu thằng đánh máy. Bất quá cũng như nước bọt đã nhổ ra khỏi mồm, nay, quan liếm lại thôi. Dù nhục, nhưng chiêu này vẫn nhanh, gọn, lẹ nhất”.

Từ lời khuyên chí lý này, không chỉ quan Bẹo một lòng một dạ thực hiện mà ngài còn phổ biến rộng rãi cho các đồng nghiệp. Trăm dâu đổ đầu tằm. Trăm sai sót cứ đổ lên đầu thằng đánh máy. Rồi cứ theo chiêu đó mà làm.

Với những quyết định thay đổi xoành xoạch này, bàn dân thiên hạ cáu tiết lắm nhưng làm gì được nhau? Không làm gì được nhau, họ chán ngán quá thể nên bèn tặng luôn cho các quan cái câu: “Miệng quan trôn trẻ”. Mà trôn trẻ thì nó bĩnh ra vô tội vạ, chẳng ai có thể lường trước cả. 

Sự tích ra đời của câu thành ngữ trên, chỉ là vậy. Đến đây, chấm dứt được rồi chăng? 

Chưa đâu, vì cuối quyển tự truyện, quan Bẹo còn truyền lại con cháu trong dòng tộc một câu danh ngôn sáng ngời: “Quan nhất ngôn, ấy là quan dại; quan nói lại, đích thị quan khôn”.

Nghe đâu, do mối quan hệ đã từng mèo mả gà đồng cùng nhau nhưng vẫn bị quan ký quyết định thu hồi quyền được đẻ, thị Béo sau khi đọc xong tự truyện của quan bèn cả cười: “Quan làng ta khôn lắm. Hễ gặp sự cố là ký cái rẹt quyết định này thu hồi quyết định trước, ngài ký ngay. Ký liền tay. Đúng là khôn liền liền. Đáng kính phục thay”.

TÚ HỢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục