03/05/2005 00:04 GMT+7

Sử thi của ngọn cờ giới tuyến

 Bài, ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
 Bài, ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

TT - Câu chuyện về lá cờ giới tuyến đang nao nức trên đất Quảng Trị những ngày này.

hpM2JPw9.jpgPhóng to

Cờ được kéo lên trong lễ khánh thành kỳ đài sáng 1-5-2005

TT - Câu chuyện về lá cờ giới tuyến đang nao nức trên đất Quảng Trị những ngày này.

Sáng 1-5 bên dòng sông Hiền Lương, trên kỳ đài mới xây thuộc cụm di tích đôi bờ Bến Hải, một cột cờ như xưa (được phục chế nguyên trạng, độ cao 38,5m), nhân dân Quảng Trị thay mặt đồng bào cả nước tổ chức lễ thượng cờ.

Nếu cầu Hiền Lương là biểu tượng trực tiếp của sự chia cắt hai miền Nam-Bắc thì lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ bên bờ bắc sông Bến Hải là hiện thân của khát vọng thống nhất: Nước VN là một, dân tộc VN là một. Màu máu thắm đỏ trên lá cờ bay giữa trùng vây bom đạn suốt 20 năm...

Những nắm đất thiêng Tổ quốc...

Một cuộc trùng phùng đầy ý nghĩa trong dịp này khi đoàn đại biểu của hai tỉnh Lạng Sơn và Cà Mau - hai miền đất địa đầu - cùng về Quảng Trị.

Sự có mặt của Lạng Sơn - Cà Mau là biểu hiện của khát vọng Bắc Nam sum họp, là chữ S nước Việt trong bài địa dư: Từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Và không chỉ có thế, những người con dân hai miền đất nước đã mang theo về đây những nắm đất...

Ông Nguyễn Đức Quyền, giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Lạng Sơn, trưởng đoàn nghệ nhân các dân tộc Lạng Sơn về dự lễ khánh thành kỳ đài, chỉ vào hộp đất lấy từ Km 0 của Hữu Nghị quan - nơi địa đầu phía Bắc, cho chúng tôi hay: các chiến sĩ bộ đội biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị đã lên tận cột mốc này lấy nắm đất thiêng mang về góp vào đất của kỳ đài bên dòng sông lịch sử.

Ông Quyền nói thêm: đất ở Km 0 Hữu Nghị quan cũng thấm máu người dân Việt trong hàng ngàn năm vệ quốc như đất Quảng Trị. Và một tảng bùn nâu trĩu nặng sa bồi miền cực Nam đất Việt được lấy ngay cột tọa độ của mũi Cà Mau cũng được những người con đất Mũi mang về hòa cùng đất bên dòng Bến Hải.

Những năm 1954-1955 khi đồng bào chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, có một bà mẹ Nam bộ đã gửi đứa con đi tập kết mang theo nắm đất miền Nam ra dâng Cụ Hồ để thưa với Cụ rằng đất nước này là một, tấm lòng người miền Nam vẫn một lòng một dạ đi theo Cụ Hồ, theo cách mạng.

Bây giờ sau nửa thế kỷ, những nắm đất từ cực Bắc, cực Nam cùng về đây dâng lên kỳ đài bên dòng sông lịch sử này.

Khi hai đoàn đại biểu Lạng Sơn - Cà Mau ùa chạy từ hai đầu cầu - chiếc cầu lịch sử ngày xưa vừa được phục chế với những thanh ván gỗ - cùng ôm vai nhau, choàng cho nhau những chiếc khăn rằn của miền Nam đi trước về sau, chỉ là một ngày xưa của ký ức 30 năm được tái hiện thôi, thế mà mọi người mắt cứ long lanh nhòa lệ.

Rồi khi lá cờ 96m2 được kéo lên trong tiếng quốc ca trầm hùng, tất cả hàng vạn người dân chen kín đôi bờ cùng hướng vọng lên kỳ đài, trên chót vót kỳ đài là cờ Tổ quốc bay hiên ngang trên trời xanh nắng sớm.

Giữa trùng vây bom đạn…

Ngày 10-8-1954, cột cờ đầu tiên được dựng giữa sân của đồn công an vũ trang giới tuyến Hiền Lương. Cột cờ làm bằng gỗ cao 16m, lá cờ may bằng sa tanh đỏ rộng 24m2.

Thời điểm bấy giờ hai cột cờ ở hai đầu cầu giới tuyến là cuộc đọ sức đầu tiên của ta và địch ở khu phi quân sự. Bên này cột cao hơn thì bên kia lại nâng cao thêm một vài mét, bên này cờ to hơn thì bên kia phải làm cờ to hơn nữa.

Tháng 4-1956 Chính phủ cho xây cột cờ lớn và kiên cố bằng thép ống cao 34m, trên đỉnh gắn một ngôi sao bằng đồng đường kính 1,2m với hệ thống 15 bóng đèn loại 500W, lá cờ có kích thước 134,4m2 (9,6x14m).

Bà con bờ Nam nhìn sang lá cờ bên bờ Bắc để vững tin hơn trong mỗi ngày đối mặt với sự kìm kẹp của quân thù. Khi địch bắt đầu leo thang chiến tranh, ném bom miền Bắc, cột cờ Hiền Lương là một trọng điểm đánh phá của chúng.

Cờ vẫn bay hiên ngang bầu trời giới tuyến, nhiều người đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ lá cờ. Cờ rách không thay kịp đã có những bà mẹ thôn Hiền Lương với mũi chỉ đường kim vá cờ, một trong số những bà mẹ ấy là mẹ Ngô Thị Diệm.

Nhà thơ Nga vĩ đại Evtouchenko đã có một bài thơ về mẹ, nhà thơ Tố Hữu cũng có những dòng về mẹ Diệm vá cờ: ... Gần cầu có mẹ Diệm nghèo/Nắng mưa rơm rạ túp lều đơn sơ/ Mẹ ơi bom đạn bất ngờ/ Sao không tạm lánh xa bờ ít lâu/Mẹ rằng: “Mẹ chẳng đi đâu/Còn anh bộ đội canh cầu ngày đêm”…

Tháng 8-1967, trong một ngày địch tập trung bom đạn chưa từng thấy để đánh gãy cột cờ. Cột cờ gãy gục nhưng sáng hôm sau một cột cờ mới được dựng lại trên vị trí cũ. Cột cờ được dựng bằng một trụ điện, nối thêm một cây gỗ cao 12m và lá cờ vẫn tung bay hiên ngang.

Mẹ Diệm đã mất vào năm 1992, trước khi chết mẹ trăng trối với con cái: “Mạ chết bây đưa mạ ra chôn ngoài cồn bờ sông, ngoài nớ trống trải, khi mô Nhà nước xây lại cột cờ mạ được nhìn thấy...”.

Hôm 24-4 vừa qua thử kéo lá cờ lên kỳ đài, một đoàn đại biểu cựu thanh niên xung phong từ Hà Nội hành hương vào miền Nam, ngang qua thấy lá cờ đang bay tất cả đã xuống xe trang nghiêm làm lễ chào cờ. Rồi trên đường thiên lý Bắc Nam, khi đến đây sẽ có những người dừng lại dưới bóng cờ.

Lá cờ Tổ quốc nơi dòng sông này mang một sử thi bi tráng dằng dặc 20 năm. Và sẽ còn thắm mãi đến mai sau…

 Bài, ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên