08/07/2008 06:45 GMT+7

Sự "nổi dậy" của các nhóm biên kịch trẻ

VIỆT QUÊ
VIỆT QUÊ

TT - “Phim càng dài càng đuối” - lời ta thán của khán giả dành cho phim truyền hình Việt cũng là vấn nạn về kịch bản hiện nay: vừa thiếu vừa yếu (!). Một khi kịch bản “bơi” đương nhiên phim sẽ “đuối”... Vậy điều gì đang xảy ra?

2PYJ3pau.jpgPhóng to

Không đòi hỏi cao, kịch bản chỉ cần chỉn chu, sạch sẽ như phim Chàng trai đa cảm (ảnh) là đã có khán giả - Ảnh: Tư liệu

TT - “Phim càng dài càng đuối” - lời ta thán của khán giả dành cho phim truyền hình Việt cũng là vấn nạn về kịch bản hiện nay: vừa thiếu vừa yếu (!). Một khi kịch bản “bơi” đương nhiên phim sẽ “đuối”... Vậy điều gì đang xảy ra?

Cùng với sự phát triển của công nghệ làm phim truyền hình dài tập, việc sáng tác kịch bản với tư cách cá nhân độc lập đã không còn phù hợp nữa, nhất là theo tiêu chí "tốc độ”. Để giải quyết vấn đề "tốc độ” cũng như giúp nội dung kịch bản đa dạng, hấp dẫn hơn, nhiều nhóm biên kịch hình thành...

Xu hướng tất yếu

Lâu nay giới biên kịch vốn quen làm việc độc lập, nhiều biên kịch tên tuổi hiện nay vẫn "một mình một cõi". Trong khi đó những nhóm biên kịch phần lớn được khởi xướng từ những người trẻ. Những cái tên được nhắc nhiều trong thời gian qua là nhóm Lưỡng Hà Song Thủy do nhà văn Nguyễn Quang Lập làm "chủ xị”, Thằng Mõ của đạo diễn Trần Cảnh Đôn, SGr 21,Sói Con, Dã Quỳ, Nắng Thủy Tinh, Cao Tuấn, Nguyễn Thu Phương…

Hầu hết các nhóm biên kịch đều được đào tạo bài bản, ứng dụng những kỹ năng viết kịch bản truyền hình tối ưu nhất hiện nay. Lưỡng Hà Song Thủy gồm bốn cô gái Thu Hà, Thái Hà, Nguyễn Thủy, Đình Thủy đều tốt nghiệp lớp lý luận phê bình điện ảnh khóa 1 (thuộc dự án điện ảnh Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội); SGr 21 gồm Nguyễn Quỳnh Trang, Hà Anh Thu, Lê Thu Thủy, Đàm Vân Anh đều tốt nghiệp biên kịch Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội; nhóm của Cao Tuấn hay Nguyễn Thu Phương đều tập hợp những cây bút quen thuộc của sân khấu và điện ảnh...

Đó là chưa kể hiện nay gần như đạo diễn nào cũng có nhóm "chế tác kịch bản" của riêng họ.Trong thực tế, ở ngay những nhóm viết này các biên kịch vẫn có những dự án kịch bản độc lập. Nhưng nhận thấy sự hiệu quả trong cách làm việc tập thể ở thể loại phim truyền hình dài tập, họ ráp lại với nhau. Đó cũng là cách mà công nghệ làm phim truyền hình nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... vẫn ứng dụng.

Nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập nhận định: "Viết kịch bản truyền hình dài tập theo nhóm là xu hướng tất yếu, khoa học. Bởi một người viết không thể nào quản lý hàng trăm tuyến nhân vật, hàng ngàn tình huống… Nếu làm được cũng rất mệt mỏi, không thể dài hơi được"…

Vai trò của "nhạc trưởng"

Thông thường, với việc viết kịch bản theo nhóm, khâu chuẩn bị đề cương chi tiết là quan trọng nhất. Từ đề cương, nội dung kịch bản được phân chia cho mỗi người viết, sau đó ráp tất cả lại và một người trong nhóm có nhiệm vụ biên tập lại toàn bộ kịch bản cũng như chỉnh sửa lời thoại…

Tuy việc triển khai kịch bản theo nhóm là kết quả của cả một tập thể, nhưng kịch bản có thành công hay không lại tùy thuộc rất lớn vào vai trò của "nhạc trưởng". Hầu hết các nhà biên kịch đều đồng ý như vậy. Do đó việc thành lập các nhóm viết kịch bản còn đồng nghĩa với việc đi tìm người "nhạc trưởng".

Nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương chia sẻ: "Nếu như trưởng nhóm đuối thì tổng thể kịch bản phim sẽ lộ rõ tính chất khập khiễng, "râu ông nọ cắm cằm bà kia": tính cách nhân vật không đồng bộ; lời thoại lung tung, tùy tiện, tình tiết trùng lặp; nội dung đơn điệu, nhàm tẻ, nhiều chỗ phi lý, ngớ ngẩn; cốt truyện rời rạc, đầy sạn; kịch tính đứt khúc hay bị bỏ lửng, đóng mở cao trào không thuyết phục…". Mà những lỗi này lại thường xuất hiện trên phim truyền hình Việt.

Vừa học vừa làm nên... thiếu sót?

Nhiều nhà biên kịch cho rằng các nhóm biên kịch hiện nay vẫn đang trong giai đoạn vừa học vừa làm nên những thiếu sót là điều không tránh khỏi, khi đã có kinh nghiệm thì những nhược điểm trên sẽ dần được khắc phục (!).

Trong thực tế có một vài nhóm biên kịch đã dần thể hiện sự chuyên nghiệp của họ, như nhóm Sói Con với kịch bản Đi về phía mặt trời, nhóm SGr 21 với Chàng trai đa cảm, nhóm Cao Tuấn với Đam mê, KTX… Và có rất nhiều bộ phim truyền hình đang quay hiện nay được viết bởi các nhóm biên kịch thuộc thế hệ 8X, như Âm tính, Lập trình cho tình yêu của nhóm Lưỡng Hà Song Thủy, Vua cầu của nhóm SGr 21, Khuyến mại mùa cưới của nhóm Nguyễn Thị Vân Anh - Lương Thị Hoàng Mai (đang là sinh viên năm 4 khoa biên kịch Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội)…

Được nhìn nhận là chuyên nghiệp hơn về khâu tổ chức, nhưng kịch bản phim truyền hình Việt vẫn bị chê là xa rời thực tế, không tạo sự hấp dẫn bằng chi tiết, chỉ giải quyết tình huống bằng lời thoại, không có những bài học giá trị... Song bị chê nhiều nhất vẫn là sự rời rạc, lê thê, đầy sạn... Đây có phải là lỗi hoàn toàn của người biên kịch?!

Kỳ sau: Kỹ nghệ "phăng" và "chẻ” (!)

Từ hàng ghế khán giả

LTS: Sau các bài viết Phim truyền hình Việt: Càng dài càng đuối!, Khi phim thiếu tính thực tế..., Lời thoại trong phim: 1.001 trách nhiệm (Tuổi Trẻ ngày 2, 5 và 6-7), gần 50 email của bạn đọc đã gửi về tòa soạn bày tỏ ý kiến về vấn đề này...

* Thế hệ 7X chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn để có thể có được những thành công trong cuộc sống hiện tại. Qua các phim đang được trình chiếu, có thể thấy thành công đến với các bạn trẻ sao mà dễ dàng quá và họ thật sự không cần phải phấn đấu gì cả. Trong phim chỉ quanh quẩn yêu - ghen - trả thù - hiểu ra và cuối cùng là yêu lại... Rất nhiều tình huống trong phim rất ngu ngơ, không thể nào tìm thấy được trong thực tế cuộc sống và thật sự rất khó chấp nhận.

LÊ ANH DŨNG (anhdunglelucky@...)

* Tôi đồng ý khi một bộ phim được trình chiếu thì sẽ có nhiều nguồn dư luận khen-chê, nhưng với những điểm yếu và mâu thuẫn quá rõ như trong Một ngày không có em và một số phim đang chiếu khác, tại sao một êkip làm phim không nhận ra mà phải cần tới nguồn dư luận góp ý!

Nếu nói ngành điện ảnh của mình còn non kém về dàn dựng, đạo diễn và diễn xuất thì tôi đồng ý; nhưng còn về nội dung phim thì không thể nói do non kém mà vấn đề ở đây là họ thiếu kinh nghiệm sống để viết nên một kịch bản. Thành công và sự hình thành tính cách nhân vật trong phim được tác giả tự ban phát một cách dễ dàng theo cảm nhận riêng của mình (một cảm nhận không có tính thực tế mà chỉ suy diễn). Liệu tác giả có xem thường sự cảm nhận của người xem?

thuhv04@...

* Phim VN thường không hấp dẫn người xem một cách trọn vẹn, theo tôi vì những lý do sau: Thứ nhất, về kịch bản, phim không có cốt truyện đặc sắc, thiếu tình huống xung đột dẫn đến cao trào nên lúc nào cũng có cảm giác "đều đều", nội dung phim thiếu tính thực tế.

Thứ hai, về diễn viên, đa số vai chính đều không thuyết phục người xem, không tạo được sự đồng cảm nơi khán giả vì tính cách nhân vật không rõ ràng, chẳng hạn như nhân vật My và Hoàng trong Một ngày không có em. Diễn xuất của diễn viên trẻ thì gượng gạo, những diễn viên đã qua trường lớp cũng không khá hơn mấy. Thứ ba, lời thoại thường không hay mà diễn viên lại cứ "đọc" thay vì "nói".

P.Quỳnh (ĐH KHXH&NV, TP.HCM)

VIỆT QUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên