05/06/2011 13:09 GMT+7

Sự lựa chọn có chủ đích

TS NGUYỄN THẾ KỶ
TS NGUYỄN THẾ KỶ

TT - Từ nhiều năm nay, một số nhà nghiên cứu và không ít người trẻ đã nêu câu hỏi: chuyến rời nước ngày 5-6-1911 của Nguyễn Tất Thành từ Sài Gòn sang Pháp, sang phương Tây là sự xê dịch tình cờ, ngẫu nhiên hay là sự lựa chọn có chủ đích mang tính khoa học, cách mạng?

* Dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bến Nhà Rồng * Triển lãm ảnh, tư liệu và sách về Bác * Đêm nay: cầu truyền hình Hồ Chí Minh - cuộc hành trình của thời đại

mMzQhwDs.jpgPhóng to
100 văn nghệ sĩ chụp ảnh bên tượng Bác Hồ trước UBND TP.HCM - Ảnh: T.T.D

Chúng tôi xin đi thẳng vào vấn đề vừa đề cập.

Ở quê hương Nghệ An, có nhiều trí thức phong kiến trước Nguyễn Tất Thành đã nuôi chí ra nước ngoài du học và hoạt động yêu nước.

Nguyễn Trường Tộ, sinh năm 1828, quê làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên (cách làng Kim Liên của Nguyễn Tất Thành chưa đến 10km), năm 30 tuổi được giám mục Gauthier (tên phiên âm tiếng Việt là Ngô Gia Hậu) đưa sang Hương Cảng, Singapore, Ý và học tập ở Pháp gần hai năm. Về nước, ông nổi tiếng trong các lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, xây dựng và cả chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, quân sự.

Ông gửi hàng chục bản điều trần tâm huyết lên triều đình nhà Nguyễn đề nghị canh tân đất nước. Do “thân phận hèn mọn mà dám nói việc cao xa”, “ở trong vòng của quân địch mà lại ôm chí khác”, “bị nghi kỵ mà vẫn hiến dâng ý kiến”... nên “Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một kiếp sa chân muôn kiếp hận; ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm). Cách Kim Liên chưa đầy 20km, ông Đặng Thúc Hứa từng sang Lào, Nhật Bản và Thái Lan hoạt động yêu nước, được mệnh danh là “Cố đi” vì đi nhiều, vận động yêu nước nhiều, luôn tràn trề bầu máu nóng.

Và ở rất gần Kim Liên, khoảng 4-5km là làng Đan Nhiệm, có Phan Bội Châu, bạn tâm giao của cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Nguyễn Tất Thành, một nhà yêu nước, nhà cách mạng, nhà văn hóa nổi tiếng, trở thành lãnh tụ của phong trào Đông Du, Duy Tân.

Việc một số người VN lúc đó sang phương Tây, sang nước Pháp (kể cả chuyến đi của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba), tự nó chưa hoàn toàn được coi là sự lựa chọn mang tính khoa học và cách mạng. Có nhiều trí thức VN đương thời cũng sang Pháp, có người chỉ lo học hành, kiếm sống, làm giàu; có người vừa học chữ, vừa tìm đường cứu nước, giúp dân.

Luật sư, tiến sĩ Phan Văn Trường và phó bảng Phan Châu Trinh tiêu biểu cho nhóm thứ hai. Tuy nhiên, sống và hoạt động ở Pháp nhiều năm, từng tiếp xúc với các lực lượng cánh tả Pháp, vậy mà các ông vẫn không tìm được con đường đúng đắn giải phóng dân tộc, không đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin như Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc sau đó.

Theo báo cáo của Trung ương Đảng Xã hội Pháp thì năm 1913 đã có bảy người VN vào Đảng Xã hội Pháp, năm 1919 có 80 người VN tham gia đảng này, nhưng đến năm 1920 chỉ còn 20 người, duy chỉ có Nguyễn Ái Quốc (vào Đảng Xã hội Pháp năm 1918) trở thành người cộng sản.

Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc được hòa mình trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á. Với bản tính thông minh, mẫn tiệp, nhạy cảm với cái mới, trăn trở, khát khao tìm con đường đúng đắn để cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc, gạn lọc, đón nhận những tư tưởng tiến bộ của văn hóa phương Tây: chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng, chủ nghĩa duy lý thế kỷ Ánh sáng, tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp, Anh, Mỹ...

Ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường gửi Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Vécxây (1919); viết Bản án chế độ thực dân Pháp (1920); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba (tức Quốc tế cộng sản), trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp và đương nhiên trở thành người cộng sản VN đầu tiên (1920); sáng lập báo Người Cùng Khổ (Le Paria, 1922), ngay bài viết cho số đầu tiên, Người tuyên bố sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”.

Điều mà cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc cùng các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và cả dân tộc mong mỏi, theo bước chân của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc, qua thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Á, Âu, Phi, Mỹ; qua ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga đã lan tỏa, “sâu rễ bền gốc” ở VN.

Để có chuyến trở về nước lịch sử của Nguyễn Ái Quốc ngày 28-1-1941. Để có ngày Quốc khánh 2-9-1945 với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. “Người có tầm nhìn cao rộng và sâu xa, xuyên qua lịch sử, bao quát không gian, thấy sáng tương lai, mở ra những bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc VN từ cảnh nô lệ lầm than ra ánh sáng độc lập tự do, từ một đất nước ít ai biết đến trở thành người chiến sĩ tiêu biểu cho cả loài người tiến bộ yêu mến và khâm phục.

Đó là tầm nhìn mang ý nghĩa chiến lược, nhìn thấy con đường cứu nước là con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc, gặp gỡ và hòa nhập với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa quyện vào nhau trong không gian và thời gian, ở một nước và trên toàn thế giới” (*).

__________________

(*) Lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại buổi gặp mặt với đại biểu cán bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh ngày 19-5-1985.

BRi8StKE.jpgPhóng to

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM (bến Nhà Rồng) - Ảnh: M.ĐỨC

Sáng 4-6, đoàn lãnh đạo TP.HCM do Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải dẫn đầu đã đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM (bến Nhà Rồng).

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong hai ngày 3 và 4-6 đã có hàng ngàn lượt cán bộ, người dân TP và các tỉnh đến dâng hương Bác và tham quan bảo tàng. Hôm nay 5-6, tại đây diễn ra trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2011) do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức.

* Ngày 4-6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ dâng hoa, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 100 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước.

Tiếp đó, đoàn đã đến dâng hương, tham quan các điểm di tích nơi Bác đã sống, học tập trong thời gian ở Huế như Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 Mai Thúc Loan (TP Huế) và làng Dương Nổ (xã Phú Dương, Phú Vang).

*TT - Chương trình Bông sen trăm cánh diễn ra lúc 7g ngày 5-6 tại bến Nhà Rồng (TP.HCM), được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.

Chương trình có thời lượng khoảng 60 phút, được chia làm năm phần: Người ra đi, Người bôn ba trên khắp thế giới, Người trở về đất mẹ VN, Người là Hồ Chí Minh và Bông sen trăm cánh với 15 tiết mục ca múa được dàn dựng công phu, qua phần trình diễn của các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, Nhạc viện TP.HCM, nhóm ca sĩ trẻ Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP và nhiều ca sĩ khác...

Rất nhiều hình ảnh tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những hình ảnh mang nét đặc trưng của TP.HCM trong nhiều năm qua cũng được lồng ghép vào các tiết mục.

* Lúc 20g ngày 5-6, TP.HCM phối hợp với các địa phương Hà Nội, Cao Bằng, Nghệ An và Đồng Tháp tổ chức cầu truyền hình mang tên Hồ Chí Minh - cuộc hành trình của thời đại.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9, VTV1, các đài PTTH Cao Bằng, Nghệ An, Đồng Tháp...

TS NGUYỄN THẾ KỶ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên